NHẠC » NHẠC

Bích Trà giữa đời thường

Thứ năm, 04/08/2011 09:40

Bạn có thể từ chối nghe nhạc cổ điển, nhưng khó lòng cưỡng lại những tò mò về thế giới âm nhạc đỉnh cao đã có hơn 300 năm nay, nếu một lần nghe nghệ sĩ dương cầm Bích Trà trò chuyện.

Nghệ sĩ dương cầm Bích Trà - Ảnh nhân vật cung cấp

Khởi nguồn cho những cuộc trò chuyện trong tuần qua của nghệ sĩ Bích Trà là buổi hòa nhạc Piano & voice, sẽ diễn ra lúc 20g tối 5-8 tại Nhạc viện TP.HCM.

“Tôi nhận thấy khán giả VN đặc biệt thích nghe hát, vì vậy tôi đã nghĩ đến việc sẽ thực hiện những buổi hòa nhạc có hát hoặc hòa nhạc thính phòng”, Bích Trà chia sẻ về buổi hòa nhạc sắp tới của mình - nơi tiếng đàn điêu luyện của chị sẽ hòa quyện và nâng đỡ cho một giọng hát thính phòng trẻ như Hải Đăng.

Với riêng Bích Trà, đêm nhạc này không chỉ là dịp để chị gặp gỡ khán giả yêu nhạc cổ điển tại quê hương, là dịp để biểu diễn, mà còn là một nỗ lực bền bỉ trong chuỗi những nỗ lực mang nhạc cổ điển đến gần với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Vậy nên chị mới chọn một giọng hát trẻ như Hải Đăng và chọn những tác phẩm lãng mạn tưởng chừng lạ lẫm nhưng lại quen thuộc ngay cả với những người “ngoại đạo”.

Đừng cố nghe nhạc cổ điển

Thật không ngờ một nghệ sĩ đã xa quê hương 24 năm để rèn nghề đàn piano cổ điển (chưa kể khoảng thời gian thơ bé học tập tại quê nhà) lại không thoáng dỗi hờn khi nghe các bạn trẻ tại buổi trò chuyện với khán giả trong chương trình Cà phê âm nhạc mang chủ đề Nhạc cổ điển và người trẻ hôm 31-7 thẳng thắn thừa nhận “không nghe nổi cổ điển”. “Đừng cố nghe” là lời khuyên mà chị dành cho tất cả mọi người. Bởi thực tế nhạc cổ điển cũng như nhạc cổ truyền, cải lương, thậm chí nhạc pop, “lọt vào tai” và ở mãi trong tim người nghe khá tình cờ.

Không nghe nổi nhạc cổ điển ư? Nhưng thứ âm nhạc đó vẫn hiện diện trong những đoạn nhạc hiệu trên đài phát thanh, truyền hình; nhạc nền cho một bộ phim Hàn Quốc, Hong Kong...; nhạc nền cho các tác phẩm kinh điển... Những đoạn nhạc đó chẳng phải đã mê hoặc gần hết những con người bé nhỏ trên hành tinh này?

Không nhất thiết phải đến với những buổi hòa nhạc hoặc nghe những tác phẩm quá khó. Hãy thử những tác phẩm khác nhau bằng nhiều hình thức tiếp cận khác nhau sẽ nhận ra nhạc cổ điển cũng thật đời thường.

Thực tại ngay giữa “trên không”

“Chắc vì tôi là người yêu âm nhạc của thế kỷ trước nên tự cảm thấy âm nhạc cận đại không phải là sở trường của mình” - chị không ngại tiết lộ. May mắn chị vẫn có thể sáng tạo và thể hiện cái tôi của mình trong viết lách, làm thơ và vẽ. Chị cười đầy khoái chí khi “bật mí”: “Từ khi biết đọc, tôi mê sách hơn mê đàn. Hồi bé, mỗi ngày tôi đều phải tập đàn theo thời khóa biểu do bố đề ra. Nhưng chỉ cần nghe tiếng xe máy của bố ra khỏi cổng là tôi ngưng đàn để đọc sách. Khi đọc hết sách trong nhà, tôi đọc tất cả những gì có chữ”.

Hầu hết truyện ngắn và thơ chị viết đều giữ cho riêng mình, chỉ chia sẻ rất hạn chế “những bức bối” đó với bạn bè, người thân. Còn tranh thì mọi người có thể đến để thưởng thức ngay tại phòng khách lẫn phòng tranh của gia đình chị, bên cạnh những bức tranh của mẹ chị - NSND Trà Giang.

Hẳn đó là liều thuốc khiến một nghệ sĩ thường xuyên làm việc đến 16 giờ/ngày với 200% sức lực như chị vẫn giữ được ánh mắt tinh anh, nụ cười rạng rỡ và cái nhìn rất lạc quan, đầy thực tế về cuộc sống. Thực tế với chị là châu Âu, nơi chị đang sinh sống và làm việc, không hẳn là “thiên đường cổ điển” như nhiều người vẫn nghĩ. Ở đó vẫn có nhiều vấn đề nhức nhối như: những sáng tạo lệch lạc; tranh giành không lành mạnh vì có quá nhiều nghệ sĩ cổ điển chen chúc; những biểu tượng, “ngôi sao” được dựng lên nhưng chưa hẳn đã có thực tài; những chương trình cổ điển nghiêng hẳn sang mục đích thương mại với trang phục “mát mẻ” và cung cách biểu diễn không thua gì Lady Gaga...

Thực tế là không dễ “sống khỏe” bằng nghề ngay tại “thiên đường cổ điển” đó. Thực tế là chị đã phải nỗ lực rất nhiều mới được tất bật với lịch biểu diễn, ghi âm và giảng dạy như hiện nay. Nhưng thực tế cũng là chị đang hưởng trọn cái hạnh phúc của sự thành công trong nghề nghiệp dù vẫn “độc thân vui tính”.

Và chị vẫn sẽ chọn đi đi về về để được “thực tế” với nghề, để được cống hiến nhiều hơn trong khả năng và hoàn cảnh của mình, bởi như chị rút ruột tâm sự: “Tôi thấy mình như “trên không” khi ngồi đàn tại đây. Ở Anh, tôi không bị cảm giác đó và vì vậy sẽ cống hiến được nhiều hơn. Ngày nay khoảng cách đâu còn là vấn đề...”.

Tuổi trẻ online
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới