NHẠC » NHẠC

Giai điệu mùa thu 2011 - bản hòa ca “nội lực”

Thứ bảy, 13/08/2011 09:05

Giai điệu mùa thu 2011 sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 17, 18 và 19-8 tại Nhà hát TP.HCM với các tiết mục được cho là mới mẻ và mang tính biểu dương lực lượng "người nhà" nhiều hơn mọi năm.

Số lượng tài năng hàn lâm Việt Nam đang sinh sống và học tập tại nước ngoài về tham gia chương trình lần này chỉ hai nghệ sĩ so với năm, bảy nghệ sĩ, diễn viên những lần trước. Theo nhạc trưởng Trần Vương Thạch - giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), đơn vị tổ chức chương trình, mục tiêu của Giai điệu mùa thu năm nay là giới thiệu "nội lực". Ông khẳng định kinh tế khó khăn không phải là lý do chính khiến nhà hát không thể mời thêm nhiều tài năng hàn lâm về tham gia chương trình lần này.

Hướng về nội lực

Có thể nói qua 6 mùa trình diễn trước, Giai điệu mùa thu gần như chưa "bỏ sót" một tài năng nào đang sinh sống và học tập ở nước ngoài. Nhiều nghệ sĩ không chỉ về góp mặt một lần mà còn về rất nhiều lần sau đó. Ðáng mừng hơn, sau những mùa Giai điệu mùa thu đã có không ít nghệ sĩ trẻ quyết định về sống và làm việc hẳn tại quê nhà như Nguyễn Anh Sơn, Trần Nhật Minh, Nguyễn Phúc Hùng, Bùi Công Duy, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Vũ Việt Anh...

Trường hợp nghệ sĩ kèn clarinet Ðào Nhật Quang đặc biệt hơn bởi anh còn "chiêu dụ" được cả bà xã, giọng soprano người Hàn Quốc Cho Hae Ryong cùng về VN sinh sống và làm việc tại HBSO. Chính đội ngũ những tài năng hàn lâm trẻ đã từng "tầm sư học đạo" nơi xứ người và trở về làm việc tại quê nhà này là niềm hi vọng cho nghệ thuật hàn lâm tại VN. Và chính họ cũng sẽ là những người làm nên khác biệt cho Giai điệu mùa thu lần này.

Nghệ sĩ trẻ Trần Nhật Minh sẽ cầm trịch nhiều tiết mục tại Giai điệu mùa thu lần này - Ảnh: Gia Tiến

Ðó sẽ là Concerto viết cho violon và dàn nhạc - tác phẩm khí nhạc đã mang về cho nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh giải "Nhạc sĩ xuất sắc nhất" của Liên hoan âm nhạc quốc tế lần thứ tư tổ chức tại Chelybinsk (Nga); là Vàng son - tác phẩm giao hưởng đầu tiên của nhạc sĩ Vũ Việt Anh (vốn được biết đến nhiều qua các sáng tác nhạc nhẹ: Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Mưa phi trường...); là tác phẩm múa Từ trường; là vở nhạc kịch Cavalleria Rusticana... Trừ một tiết mục mang tính chất giao lưu với hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc do Kwon Young II chỉ huy, các tiết mục còn lại đều được hai nhạc sĩ trẻ của HBSO là Trần Nhật Minh và Nguyễn Anh Sơn cầm trịch.

Tuy đã diễn ra đến lần thứ 7 nhưng Giai điệu mùa thu vẫn chưa thể “vươn xa” hơn như mong đợi: có những buổi gala ngoài TP.HCM hay sang tận Singapore như dự kiến năm nào. Chương trình năm nay cũng không có những buổi diễn miễn phí dành cho HS-SV như mọi năm mà chỉ có giá vé ưu đãi cho đối tượng này (60.000 đồng/vé). Giá vé xem chương trình cũng tăng nhẹ so với những năm trước với ba mức giá: 500.000, 350.000 và 200.000 đồng.

Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh hào hứng cho biết đây là lần đầu tiên HBSO dựng và diễn nguyên một vở opera (trước đây chỉ giới thiệu các trích đoạn hoặc các ca khúc trong một vở) dù chưa thật hoàn thiện do không gian Nhà hát TP không đủ rộng, nhưng đó cũng là một bước tiến của Giai điệu mùa thu.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch chia sẻ: "Việc các nghệ sĩ trụ cột của HBSO trình làng thêm những tác phẩm khí nhạc, giao hưởng mới cùng với việc dựng được một vở opera tương đối hoàn chỉnh sẽ là nền móng để xây dựng nhà hát trong hiện tại và cả tương lai". Ðây chính là những tín hiệu đáng mừng, là "quả ngọt" mà Giai điệu mùa thu đã gặt hái được sau nhiều năm thành hình.

Những người bạn phương xa

Giai điệu mùa thu lần này ngoài sự tham gia của nghệ sĩ violon Trần Hữu Quốc (đang làm việc tại Hàn Quốc), diễn viên múa đương đại Bùi Ngọc Quân (đang làm việc tại Bỉ) còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ quốc tế.

Ðứng trên sân khấu cùng các nghệ sĩ VN trong đêm gala ngày 17-8, nghệ sĩ violon người Nga Sergei Sivolgin sẽ biểu diễn cùng dàn nhạc của HBSO tác phẩm Concerto viết cho violon và dàn nhạc của Nguyễn Mạnh Duy Linh. Trong khi đó vợ chồng Trần Hữu Quốc (violin) - Cho Eun Young (piano) sẽ thể hiện bản Concerto cho violon, piano và dàn dây cung Rê thứ của Mendelssohn.

Ðêm 18-8 sẽ dành cho những ai yêu nghệ thuật múa với các tiết mục múa ballet cổ điển và đương đại. Trong đó, vở múa đương đại Từ trường sẽ là điểm nhấn với sự kết hợp của các nghệ sĩ Francesca Imoda (Ý), Samuel Lefeuvre (Pháp), Bùi Ngọc Quân và Quách Phương Hoàng.

Ðêm 19-9 sẽ là "Hòa nhạc hợp xướng và dàn nhạc" với phần biểu diễn của hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc (phần I) và nhạc kịch Cavalleria Rusticana (phần 2) qua phần trình diễn của những giọng hát chủ lực của HBSO: Phạm Trang (tenor, trong vai chàng lính trẻ Turiddu), Cho Hae Ryong (soprano, vai thôn nữ Santuzza), Nguyễn Phúc Tiệp (baritone, người phu xe Alfio), Nguyễn Thị Thanh Nga (soprano, vợ của Alfio) và Võ Thụy Ngọc Tuyền (alto, mẹ của Turiddu).

Tuổi Trẻ
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới