NHẠC » Tin tức

5 lý do khiến The Voice mùa 2 có nguy cơ 'chết yểu'

Thứ tư, 13/11/2013 17:25

Thí sinh không tạo được sức hút, bài hát dự thi khá cũ, lịch phát sóng kéo dài... là điểm khiến chương trình thực tế năm nay kém hấp dẫn hơn mùa đầu tiên.

Một cuộc thi đình đám bậc nhất thế giới khi về Việt Nam với tên gọi Giọng hát Việt đã trở thành “bom tấn” truyền hình thực tế trong năm 2012. Tuy nhiên, khi bước sang mùa thứ 2, chương trình đã rơi vào trạng thái “tuột dốc không phanh”, nhiều khán giả còn ví von “voi bây giờ đã thành… chuột”.

Vậy lý do nào khiến chương trình này ngày càng được ít người quan tâm?

The Voice được xem là cuộc thi có “format” tương đối năng động và khác biệt. Ở mùa thứ nhất, việc lựa chọn ca khúc mang tính hướng ngoại cao có thể khiến các thí sinh lộ rõ điểm yếu về chuyên môn, nhưng bù lại, việc được định hướng thể hiện những ca khúc nhạc ngoại hiện đại, đang “làm mưa làm gió” tại các bảng xếp hạng thế giới lại tạo được sức hút lớn. Điều này đã kéo được một bộ phận không nhỏ khán giả trẻ, những nhân tố đẩy cao tính “lan truyền” thông qua mạng xã hội. Đây cũng là nhân tố giúp mùa thứ 1 thành công.

4 HLV của The Voice mùa thứ 2.

Ở chiều ngược lại, các ca khúc ở mùa thứ 2 được đem ra thi có phần hao hao giống các chương trình Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn hay Ngôi sao tiếng hát truyền hình, hoặc nếu sử dụng các ca khúc nhạc ngoại cũng là các bài khá cũ. Điều này khiến chương trình thiếu sự khác biệt và giảm sức hút với phần lớn khán giả trẻ. Thử làm một phép so sánh, nếu màn trình diễn của Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương… được chia sẻ rộng rãi trên Internet vào năm ngoái, năm nay lại chưa có một thí sinh nào làm được điều này.

Hơn nữa, chất lượng thí sinh của mùa thi thứ 2 cũng chưa thực sự chất lượng và thiếu những “hiện tượng” như Hương Tràm, Đinh Hương, hay nhân vật gây tranh cãi kiểu Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn. Điều này dễ lý giải bởi các cuộc thi hát diễn ra dày đặc, chẳng dễ gì kiếm được nhân tài ca hát. Kết quả mỗi đêm thi cũng kém phần bất ngờ như ở đội HLV Mỹ Linh, 2 nhân vật cuối cùng gần như được mặc định là Hoàng Tôn và Hoàng Yến khiến khán giả xem các phần thi của các thí sinh khác… theo kiểu thi cho có vì họ chắc chắn sẽ bị loại trước hoặc sau.

Về mặt truyền thông, The Voice mùa thứ 1 được “mùa scandal”, từ nghi vấn dàn xếp kết quả đến chuyện hậu trường tình cảm giữa thí sinh và huấn luyện viên đều khiến truyền thông sôi sục. Tuy vậy, khán giả cũng rất "khát” thông tin về những thí sinh có năng lực chuyên môn thực sự như Hương Tràm, Đinh Hương hay Đồng Lan. Những thí sinh của The Voicemùa thứ 1 đã làm cho công việc tuyên truyền khá thuận lợi khi trung bình mỗi ngày có ít nhất khoảng 3 bài báo liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chương trình (theo số liệu của đêm chung kết năm ngoái).

Ngược lại, chương trình năm nay khá im lìm trên truyền thông, một phần vì không có chuyện lùm xùm. Thêm vào đó, các thí sinh không quá nổi trội để giới truyền thông săn lùng, duy chỉ có những bài báo về kết quả hàng tuần được cập nhật.

Người xem đoán chắc Hoàng Tôn - Hoàng Yến của đội Mỹ Linh sẽ vào vòng cuối.

Mặt khác, việc chọn 4 huấn luyện viên là nhạc sĩ Quốc Trung, ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh và Đàm Vĩnh Hưng cũng phản ánh nhiều điều chưa thực sự hợp lý với một chương trình truyền hình mang tính giải trí. Nhạc sĩ Quốc Trung có tố chất của người định hướng tiên phong, tuy nhiên, chưa xét chuyện đúng hay sai, việc biến một đội hình mang màu sắc “rock và hơi hướng âm nhạc phòng trà” khiến chương trình buồn tẻ đi khá nhiều.

Bên cạnh nhạc sĩ Quốc Trung, càng vào cuối chương trình, ca sĩ Mỹ Linh càng đi vào lối mòn với những bài hát cũ. Ca sĩ Hồng Nhung đưa ra những ca khúc “vừa vặn” với thí sinh đội, việc thị phạm của nữ ca sĩ khá hiệu quả nhưng khán giả vẫn mong chờ  một sự đột phá từ đội hình này. Riêng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vẫn trung thành với cách huấn luyện cũ, cân bằng giữa thị hiếu và chuyên môn nhưng dường như chính điều đó lại biến anh thành một huấn luyện viên khá “lạc quẻ” so với 3 màu sắc còn lại đang ngồi “ghế xoay” của chương trình.

Thí sinh mùa thứ 2 không tạo được sức hút.

Lịch phát sóng của chương trình cũng khiến khán giả mệt mỏi. Ở nước ngoài, mỗi mùa thi thường chỉ kéo dài 3 tháng, ở những tuần công chiếu, nhà sản xuất có thể phát sóng 2 đến 3 tập liên tục, còn tại Việt Nam, chương trình có thể kéo dài đến 6-7 tháng. Chương trình phát sóng được 1 tuần nhưng có khi nghỉ đến 2 tuần để nhường sóng cho các chương trình khác, đến khi khán giả biết kết quả cũng chẳng nhớ nổi ở tập trước, các thí sinh vừa hát cái gì. Với một lịch chiếu như thế, The Voice đã “nguội lại càng thêm nguội”.

Thông qua nhiều diễn đàn, khán giả đã bày tỏ mong muốn, nhà sản xuất “đừng để The Voice chết yểu” bởi thực trạng là chương trình đang bị khán giả thờ ơ. Chắc hẳn, nhà sản xuất sẽ có nhiều việc phải làm nếu họ muốn tiếp tục sản xuất chương trình này mùa thứ 3 vào năm sau.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam