Trong nền âm nhạc nước nhà, Văn Cao được xem là một “tượng đài” nhờ sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng trải trên 2 mảng: Tình ca và hùng ca. Nhưng ở cả 2 đề tài, ông đều thành công tột bậc. Không chỉ là một cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam, ông còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm giá trị.
Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, giống như những nhạc sỹ tiền chiến khác, Văn Cao viết các nhạc phẩm trữ tình, nhưng ít bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Đây cũng là thời điểm mà những tuyệt phẩm bất hủ được đánh giá là cực điểm của lãng mạn tính trong nền tân nhạc Việt Nam như “Thu cô liêu”, “Thiên Thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa” ra đời.
Tiếp sau đó, hàng loạt những ca khúc được sáng tác trong kháng chiến chống Pháp như: “Bắc Sơn”, “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”… đã tái hiện lại bức tranh sống động của “9 năm trường kỳ”. Từ cuộc sống của những người dân cần lao, đến thôn làng hăng say trong lao động sản xuất, từ chiến thắng sông Lô lịch sử đến việc tiên lượng về ngày chiến thắng khải hoàn, trở lại với Thủ đô yêu dấu... Tất cả đã làm nên một tượng đài trong nên âm nhạc cách mang Việt Nam: Văn Cao.
Kỷ niệm 90 năm ngày sinh người nhạc sĩ tài hoa, một đêm nhạc đặc biệt do chính gia đình Văn Cao tổ chức tại Hà Nội, sẽ mang đến nhiều chia sẻ riêng tư về cuộc đời cũng như sự nghiệp của một trong những tên tuổi lớn nhất nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20. Tại đây, lần đầu tiên công bố hai bài hát trong di cảo của nhạc sĩ. Gia đình ông cho biết đó là hai tác phẩm chưa từng công bố của Văn Cao.
Với sự góp mặt của NSND Quang Thọ, ca sĩ Ánh Tuyết, Đăng Dương, Lan Anh và rất nhiều ca sĩ danh tiếng khác, đêm nhạc được kỳ vọng sẽ mang lại nét phác họa chân thực nhất về sư nghiệp âm nhạc lẫy lừng của Văn Cao. Đêm nhạc là điểm nhấn quan trọng nhất trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Văn Cao.
Đêm nhạc Văn Cao chỉ có một suất diễn duy nhất vào 20h00 ngày 22/11/2013 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô.