Kiều Văn Thanh không khó hiểu
Sau khi MC Quyền Linh công bố anh nông dân Kiều Văn Thanh với tiết mục nhạc cụ tự sáng chế lọt thẳng vào vòng chung kết do được khán giả bình chọn nhiều nhất, máy quay lia ngay đến khuôn mặt ngỡ ngàng của giám khảo Thành Lộc.
Việc anh nông dân từ quê lúa Long An này chiếm được cảm tình nhiều nhất của khán giả khiến một vài tờ báo mạng nghi ngờ, phải chăng chương trình đã có sự dàn xếp kết quả để tăng yếu tố kịch tính cho VGT bởi trên nguyên tắc, các MC không được phép công bố cụ thể con số tin nhắn cho các thí sinh và chẳng ai “biết đó là đâu”.
Thế nhưng việc khán giả bình chọn nhiều nhất cho Kiều Văn Thanh, cũng như nhóm Gia Đình Bong Bóng trước đó cũng không phải là không có lý, bởi nó phản ánh một điều, họ đã quá chán với việc các giọng hát chiếm ưu thế ở sân chơi này.
Chiếm 9/14 suất vào chung kết là các tiết mục thi hát, 5 suất còn lại chia cho một cặp múa, 2 tiết mục popping, 1 nhóm nhảy parkour (loại hình thể thao đường phố, gần gũi với môn nhảy hiphop, breakdance) và 1 tiết mục sáng chế nhạc cụ.
Trong tình cảnh VGT nhàm chán với hát và nhảy thì việc anh Kiều Văn Thanh - một người dân bình thường ở miền Tây chuyên kiếm sống bằng nghề tổ chức nhạc lễ và làm sáo để bỏ mối cho các cửa hàng nhạc cụ, cửa hàng lưu niệm bỗng… tỏa sáng với tiết mục sáng chế và biểu diễn sáo, đàn bầu từ đồ phế thải cũng là điều dễ hiểu.
Chỉ có điều khó hiểu là giám khảo Huy Tuấn, sau phần trình diễn của anh Kiều Văn Thanh ở đêm bán kết cuối cùng vào tối 15.4 đã nhận xét: “Tiếc là đây không phải cuộc thi sáng chế nếu không anh đã nhận được nhiều bằng sáng chế rồi. Nhưng đây là cuộc thi tài năng. Tôi đánh giá cao sự khéo tay của anh, thế nhưng tôi trông chờ những vật liệu khác thì sẽ mang lại âm thanh khác, ngọt ngào dễ chịu hơn một chút. Ngón đàn của anh cũng bình thường, tôi chưa được thuyết phục lắm”.
Không hiểu giám khảo Huy Tuấn có nhầm lẫn không khi cho rằng việc thí sinh này sáng chế nhạc cụ từ những đồ phế thải lại không phải là “tài năng” theo nghĩa của chương trình? Nếu như thí sinh này trình diễn trên các nhạc cụ thật mà chưa tài thì giám khảo chê như thế còn được.
Đằng này anh Thanh đã có công khiến cho những đồ phế thải như cái vỏ hộp trà, đoạn ống nhựa, cái ống bô xe máy phát lên thành tiếng nhạc thì cũng rất khó để đòi hỏi những thanh âm này phải chuẩn như nhạc cụ thật.
Không như mong chờ
Cái áo “Tìm kiếm tài năng” của chương trình dường như càng ngày càng trở nên quá rộng với những gì mà 14 tiết mục được chọn vào vòng loại. Ngoài ca hát và nhảy nhót, khán giả truyền hình đang chờ đợi những màn biểu diễn đặc sắc, độc đáo, có thể khiến họ “phát sốt” lên nhiều hơn nữa, để xứng đáng với hai chữ “tài năng”. Còn những gì mà các thí sinh đang thể hiện thì cho đến nay, sau vòng bán kết cho cảm giác khá là nhạt nhẽo.
Các tiết mục ca hát của các thí sinh nhí như Song Vũ, Tri Giao, Thanh Trúc… không hơn gì các thí sinh trong Chương trình “Đồ rê mí” của VTV3, các thí sinh lớn tuổi hơn như Vũ Trọng Phúc, nhóm Dòng Thời Gian, Đinh Trọng Hoàng… cũng không nhỉnh hơn thí sinh ở các cuộc thi hát đang nhan nhản trên truyền hình. Le lói có tiết mục của Phương Anh- cô gái bé nhỏ trên xe lăn đã gây xúc động cho người xem ở hoàn cảnh đặc biệt và một trái tim yêu âm nhạc thực sự.
Với 5 tiết mục nhảy hay sáng chế nhạc cụ còn lại của chương trình VGT năm nay có thể nói cũng nhạt hơn nhiều những tiết mục trong các Chương trình ca nhạc tạp kỹ chuyên nghiệp.
Nếu so Kiều Văn Thanh với “quái kiệt” Mai Đình Tới thì tài năng của anh cũng chưa thấm vào đâu với ông vua nhạc cụ tự chế này. Bởi vậy nếu sau khi rời chương trình này, những cái tên của các thí sinh dẫu cho có thắng cuộc ở vị trí cao nhất cũng chắc chắn chưa có đủ sức hấp dẫn để khán giả móc tiền mua vé vào xem.
VGT cuối cùng cũng chỉ ở mức một sân chơi văn nghệ quần chúng thường thường, như vậy có lẽ sẽ hợp lý hơn là cái tên nguyên gốc khá to tát: “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”.