Một năm nhiều thăng trầm của nhạc Việt, bên cạnh những nỗ lực của ca sĩ nhằm cống hiến cho âm nhạc đại chúng, vẫn còn đó những vụ việc mà làng âm nhạc cho là những rào cản của sự phát triển, xét về mọi mặt. Những vụ việc này thường gây đình đám trong dư luận hơn cả những khám phá cống hiến nghệ thuật lớn lao của nhạc sĩ, ca sĩ.
Những vụ việc này là do cá nhân nghệ sĩ gây ra, do thiếu ý thức về văn hóa, do nhận thức nghệ thuật non kém, do cố tình tạo scandal để nổi tiếng, do việc làm ăn chụp giựt của bầu show và cả việc bùng nhùng, lúng túng của vài cơ quan quản lý văn hóa… Tất cả đã làm cho làng nhạc choáng váng chẳng khác gì những bão táp phong ba bất ngờ ập xuống bầu trời trong xanh, quang đãng.
Những tin tặc
Bão táp đầu tiên có lẽ là tường hợp Uyên Linh, thần tượng âm nhạc Vietnam Idol 2010 và là thần tượng mới của nhiều công chúng âm nhạc. Uyên Linh với lối hát truyền cảm đã gây được niềm tin lớn đối với công chúng, khi mà thị trường âm nhạc nhan nhản những giọng ca nhảm nhí vô cảm và cả hát nhép. Nhưng oái oăm đối với Uyên Linh và cũng là cú sốc đối với công chúng - với những phân tích kém hiểu biết từ các diễn đàn mạng, để rồi sau đó “nghi án Uyên Linh hát nhép” nhan nhản trên khắp các báo mạng và cả báo giấy (tháng 4.2011).
Sau đó không lâu, xuất phát từ một nhận định vu vơ trên trang blog của một độc giả không am hiểu về âm nhạc, để tiếp sau đó một tờ báo mạng chính thức nêu vấn đề: Trịnh Công Sơn đạo nhạc? Tin này đã làm chấn động cả làng nhạc, chẳng khác gì một quả bom phát nổ, bởi Trịnh Công Sơn là một tượng đài âm nhạc sừng sững trong lòng đông đảo công chúng yêu âm nhạc.
Về việc đạo nhạc cũng không thể không nhắc đến trường hợp bài hát Princess Of China và bài Ra ngõ tụng kinh (tháng 10.2011). Với tinh thần tự tôn, một số người có vẻ hả hê tự hào, rằng nhạc Việt đã đạt đến một đẳng cấp để một sao quốc tế phải đạo. Một số ý kiến khác lại cho rằng chỉ có Việt Nam mới đi đạo của nước ngoài chứ nước ngoài thì không bao giờ đạo nhạc Việt Nam, và đi đến việc “bênh vực” tác giả bài Princess Of China một cách cảm tính.
Với 3 vụ việc trên, sự thật là Uyên Linh chẳng hát nhép và Trịnh Công Sơn cũng chẳng đạo nhạc. Riêng Princess Of China và Ra ngõ tụng kinh thì hơi phức tạp, cả hai câu nhạc được cho là đạo nhau dường như đều xuất từ một câu nhạc của thổ dân châu Mỹ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trước những tình cảnh dầu sôi lửa bỏng như thế, những hội âm nhạc, hội nhạc sĩ có vẻ thờ ơ, không có một động thái nào để giúp dư luận hiểu rõ được sự thật của vấn đề. Chỉ có thời gian là người bạn đồng hành, làm lắng dịu những ồn ào của dư luận.
Những ngô nghê, phản cảm
Tháng 5.2011 xuất hiện clip Tâm hồn là vĩnh cửu của Phi Thanh Vân. Clip mở đầu với câu “bất hủ”: “Phụ nữ chẳng có ai xấu, mà chỉ có không biết làm đẹp mà thôi”. Với lối diễn xuất “tưng tửng” như người tâm thần, người xem có cảm giác như một clip hài chứ không phải một clip ca nhạc. Có thể nói với ca từ trần trụi và “âm nhạc” với thẩm mỹ quá thấp đã được dư luận liệt vào loại “thảm họa của V-pop”. Tuy nhiên bài hát này đã được Phi Thanh Vân lấy làm bài hát chủ đề và phát hành 1 album.
Cũng trong tháng 5.2011, clip Nói dối của Phương My với ca từ lẩn quẩn cũng được liệt vào thảm họa V-pop.
Tiếp theo bão táp “thảm họa V-pop”, trong chương trình Đêm mỹ nhân tại Quảng Bình (8.2011), diễn viên - ca sĩ Minh Hằng không phải “lộ hàng” mà tự “show hàng” với bộ trang phục vải ren - mặc áo quần mà như không mặc làm mọi người sững sờ và… hốt hoảng. Nhưng điều buồn cười là trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, Sở VH,TT&DL đã phạt 3,5 triệu đồng đối với nhà tổ chức chứ không phải Minh Hằng.
“Quà tặng bão táp” cuối năm có thể nói là trường hợp “bổn cũ soạn lại” của ca sĩ Hoàng Lê Vi, khi dàn xếp tung trailer của clip Xin lỗi em chỉ là… mà dư luận đánh giá là không khác gì phim cấp 3 để tạo scandal.
Làm ăn kiểu “chụp giựt” và rối rắm trong trong quản lý
Có lẽ vụ việc nổi cộm thu hút sự quan tâm của dư luận là những lùm xùm quanh show diễn của ca sĩ hải ngoại Chế Linh. Từ việc tuân thủ chi trả tác quyền, treo biển quảng cáo… của ông bầu Hoàng Tiến, việc họp báo “chui”, đến việc bán vé trước khi có giấy tiếp nhận biểu diễn rồi sau đó show diễn này phải trả lại vé (tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM). Nhiều người hâm mộ ngậm đắng nuốt cay khi lỡ mua vé chợ đen cao ngất rồi phải nhận tiền hoàn vé theo giá quy định. Tất cả những điều đó làm cho sân khấu biểu diễn thêm bát nháo, kinh doanh biểu diễn mang tính chụp giựt.
Tuy nhiên điều đáng nói hơn cả là nó đã bộc lộ những khiếm khuyết của “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” qua sự việc này. Sở VH,TT&DL Hà Nội cấp giấy tiếp nhận cho show diễn Chế Linh rồi rút giấy tiếp nhận, sau đó Cục Nghệ thuật biểu diễn lại cấp giấy phép khác, rồi Sở tiếp nhận… những rối rắm, chồng chéo trong quản lý văn hóa làm công luận không biết đâu mà lần. Đỉnh điểm của sự việc này có thể nói đó là việc từ chối cấp giấy tiếp nhận của TP.HCM. Trên nguyên tắc, nếu dựa vào “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” do Bộ VH,TT&DL ban hành, Sở VH,TT&DL TP.HCM có quyền không tiếp nhận show diễn này. Nhưng cái cách từ chối của Sở, với lý do “chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay” là không “tâm phục khẩu phục” đối với mọi người…