NHẠC » Tin tức

Bật mí những bí mật về cơn sốt The Voice

Thứ bảy, 04/08/2012 20:40

Logo biểu tượng chiến thắng của The Voice suýt bị bị kiện vì được phát hiện giống với logo một hãng bia .

Quê hương của The Voice

Mặc dù nổi tiếng với phiên bản The Voice Mỹ, nơi xuất xứ của chương trình giải trí hấp dẫn bậc nhất này là Hà Lan, với tên gọi The Voice of Holland. Ngay từ khi mới trình chiếu hồi đầu năm 2011, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của người dân trên toàn đất nước, với lượng khán giả theo dõi gần 3 triệu người mỗi tập. Nhận thấy được thành công của The Voice of Holland, hãng truyền hình NBC của Mỹ đã mua lại format chương trình và chính thức lên sóng lần đầu tiên vào tháng 4/2011, khởi đầu cho cơn sốt The Voice ở hàng loạt các quốc gia trên thế giới.

John de Mol với phiên bản The Voice đầu tiên.

Cha đẻ của chương trình The Voice là John de Mol, một đại gia truyền thông gốc Hà Lan. Ý tưởng tạo nên The Voice của John bắt đầu khi ông trao đổi với Roel van Velzen, một ca sĩ người Hà Lan về một chương trình nơi giọng hát được tôn vinh lên hàng đầu. Người đầu tiên chiến thắng trong The Voice of Holland là một chàng ca sĩ tên Ben Sauders, thí sinh đã chiếm trọn cảm tình của các huấn luyện viên trong vòng giấu mặt, khi anh chỉ cần hát 7 từ đầu tiên trong bài hát của mình đã khiến 3 vị giám khảo phải lập tức bấm nút quay lại.

Ghế nóng của huấn luyện viên

Một trong những điều gây thú vị và tò mò cho khán giả khi xem chương trình The Voice chính là bí ẩn về chiếc ghế xoay màu đỏ của bốn huấn luyện viên. Chiếc ghế được sản xuất theo một quy trình đặc biệt tại Mỹ, và mọi phiên bản của The Voice ở các quốc gia trên thế giới đều phải nhập khẩu nguyên gốc chiếc ghế này với mức giá lên đến hàng chục ngàn USD mỗi ghế. Chiếc ghế được thiết kế phải vừa đảm bảo độ thoải mái cho huấn luyện viên khi ngồi, vừa không cản trở âm thanh khi thưởng thức phần trình diễn của thí sinh, đồng thời được thiết đặt tốc độ cố định sao cho huấn luyện viên có thể xoay lại một cách êm vừa nhất.

Chiếc ghế của huấn luyện viên The Voice (phải) và chiếc ghế tạo cảm hứng cho nhà sản xuất.

Trước khi chiếc ghế hiện tại của các huấn luyện viên The Voice ra đời, đã có một số mẫu ghế được nhà sản xuất cân nhắc chọn lựa. Một trong số đó là chiếc Sound Chair, sản phẩm của một hãng nội thất tại Ý. Chiếc ghế được lắp đặt để giúp người nghe có được những trải nghiệm âm nhạc một cách tối ưu. Bên trong lưng ghế có đặt một một đường dây cáp gắn kết với đầu phát âm thanh, kèm theo một chiếc ampli và hai đầu loa nhỏ. Nhà sản xuất The Voice đã học hỏi những ứng dụng tinh tế của sản phẩm này để thiết kế nên chiếc ghế hoàn hảo như bây giờ.

Logo The Voice và sự trùng hợp kì lạ

Logo độc đáo của chương trình The Voice với biểu tượng bàn tay cầm míc và giơ 2 ngón tạo thành hình chữ V (Victory) đã gây được nhiều ấn tượng với khán giả truyền hình trên toàn thế giới. Tuy vậy, ngay sau khi phiên bản The Voice Mỹ được giới thiệu trong giờ phát sóng giải thể thao Super Bowl XLVI, đã có một vụ lùm xùm về thông tin bản quyền xảy ra khi logo của The Voice bị xem là quá giống với logo của hãng bia Victory Brewing Company. Logo của Victory Brewing do nhà sáng lập của hãng – Bill Covaleski thiết kế vào năm 1994.

Sự trùng hợp kỳ lạ giữa logo của hãng bia Victory Brewing và của The Voice.

Vụ việc được phát hiện bởi giám đốc truyền thông Karen Noonan của hãng bia này phát hiện và đăng lên trang Twitter cá nhân, thu hút hơn 100 phản hồi chỉ trong vòng 3 giờ. Đa số cho rằng sự giống nhau này là hoàn toàn cố tình, trong khi fan của The Voice lên tiếng bảo vệ chương trình vì biểu tượng 2 ngón tay chữ V đã phổ biến từ hơn 50 năm nay. Riêng bản thân Karen cho biết bà có thiện cảm với chương trình này nên đã không có bất cứ hình thức cảnh cáo hay khiếu kiện pháp lý nào đối với nhà sản xuất.

Những con số biết nói

Hiện tại, có tổng cộng 17 quốc gia sản xuất các phiên bản The Voice khác nhau, trong đó Việt Nam là quốc gia châu Á thứ hai sau Hàn Quốc có bản quyền chương trình này. Ngoài ra có thêm 10 quốc gia đang tiến hành mua format chương trình The Voice.

Từ khi xuất hiện năm 2011 đến nay, các phiên bản The Voice đã tìm kiếm được 28 người chiến thắng. Thí sinh đăng quang gần đây nhất là Karise Eden ở cuộc thi The Voice Australia.

The Voice phiên bản Mỹ đã tạo được sức hút khổng lồ.

Hơn 12 triệu là số lượng khán giả truyền hình theo dõi mỗi tập The Voice Mỹ trong mùa đầu tiên, một con số ấn tượng so với một chương trình vừa được ra mắt. Bước qua mùa thứ 2, lượng rating của The Voice Mỹ đã lên đến gần 16 triệu, chính thức bước vào top 10 show truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ.

23 là tổng số các ca khúc do thí sinh The Voice Mỹ thể hiện lọt vào bảng xếp hạng nổi tiếng Billboard Hot 100. Nhà sản xuất đã phải phát hành riêng một CD tập hợp những bản thu âm xuất sắc nhất của thí sinh The Voice để đáp ứng theo nguyện vọng của khán giả.

34 triệu USD là số tiền mà đài truyền hình BBC phải bỏ ra để có được quyền phát sóng chương trình The Voice Anh, một con số kỷ lục trong lịch sử truyền hình ở quốc gia này. Cùng với X FactorThe Voice trở thành cuộc thi tìm kiếm âm nhạc hàng đầu của Anh, thu hút sự theo dõi của hàng triệu người xem.

Trang Facebook chính thức của Giọng hát Việt thu hút lượt "like" một cách nhanh chóng.  Ảnh chụp từ màn hình.

16 triệu là tổng lượt truy cập của website chính thức của cuộc thi Giọng hát Việt ngay sau khi tập đầu tiên của chương trình được ra mắt. 25 nghìn là số lượng người hâm mộ từ trang Facebook chính thức của cuộc thi kể từ khi thành lập từ tháng 2/2012 đến nay, và con số đang tăng lên từng ngày từng giờ nhờ tốc độ phủ sóng của chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc hấp dẫn bậc nhất hiện nay.

Ione