NHẠC » Tin tức

Bốn lý do The Voice trở thành “tâm bão” truyền thông

Thứ ba, 07/08/2012 08:49

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 4 yếu tố dễ thấy nhất khiến The Voice trở thành “tâm bão” truyền hình trên báo chí lẫn ngoài đời thực suốt hơn một tháng vừa qua.

1. Hiệu ứng quá nóng của phiên bản Anh – Mỹ Lý do đầu tiên phải kể đến khi nói về “hiện tượng” Giọng Hát Việt. Việc một show truyền hình đình đám trên thế giới được Việt hóa ngay khi còn trong giai đoạn ăn khách nhất như The Voice là lý do khiến cho những người yêu nhạc, đam mê truyền hình thực tế và đặc biệt là giới trẻ phải phát sốt.

Giọng Hát Việt là một trong những chương trình thu hút đông đảo khán giả quan tâm ở dạng show truyền hình thực tế.

Trong khi Vietnam Idol phải mất 6 năm để trở thành phiên bản thứ 32 của Pop Idol, Bước Nhảy Hoàn Vũ cũng mất 5 năm để đưa Strictly Come Dancing về với người Việt, hay lúc tập đầu tiên của Vietnam’s Next Top Model lên sóng khi bản gốc đã đi gần hết mùa thứ 13, thì chỉ chưa đầy 2 năm kể từ khi The Voice US bắt đầu tạo ra cú hích rating ở Mỹ, The Voice of Vietnam (Giọng Hát Việt) đã chễm chệ trên khung giờ đẹp nhất trong tuần của VTV. Khi khán giả còn chưa hết sôi động vì cô gái vàng một thời của Mickey Mouse Club làm HLV bản Mỹ, chàng thủ lĩnh bảnh trai của Maroon 5 làm nghẹt thở fan nữ trên ghế đỏ, thì đã thấy không chỉ một, mà là hai người phụ nữ hàng đầu của  showbiz Việt lên ghế nóng, bên cạnh 2 giọng ca đình đám hàng đầu khác. 2. Huấn luyện viên: Chưa ngồi ghế đã nóng Ngay khi Jessie J úp mở về việc giọng ca gạo cội của xứ Wales Sir Tom Jones sẽ là 1 trong 4 HLV của The Voice UK, hàng loạt trang tin văn nghệ lớn nhỏ lẫn các mạng xã hội hân hoan ăn mừng vì bộ tứ không thể hoàn hảo hơn của phiên bản Anh Quốc. Việc những giọng ca xuất sắc nhất ngồi sau ghế đỏ như câu khẳng định chắc nịch cho cái lõi “giọng hát” của The Voice, thay vì sự góp mặt của nhà báo, MC, nhà sản xuất… - những thành phần nổi tiếng với chuyên môn và nhạy bén với từng hơi thở của thị trường âm nhạc nhưng hoàn toàn chẳng biết gì về … hát! Nhưng 4 HLV của Giọng Hát Việt cũng tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi. “Tất cả vì giọng hát” – tiêu chí cuộc thi gây ra sự băn khoăn (dễ hiểu) về 2 cái tên hot nhất nhưng lại chỉ được đánh giá cao hơn về phương diện giải trí, biểu diễn: Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà. Rồi khi đã yên vị với vai trò HLV, người hâm mộ một lần nữa được thích thú với 360 độ cảm xúc của những người nổi tiếng. The Voice là chương trình duy nhất tập trung khắc họa một cách sống động tâm lý của những người cầm cân nảy mực trong các tập thi với những màn tung hứng, rồi đấu khẩu, hứa hẹn và vỡ òa của những nhân vật hàng đầu trong làng giải trí, ngược hẳn với sự nhường nhịn, ý tứ của những vị giám khảo trong các cuộc thi ca nhạc khác.  Giọng Hát Việt tận dụng hiệu quả sức nóng của “ông hoàng nhạc Việt”, bên cạnh một Thu Minh bộc trực với máu sân khấu không thể lẫn lộn, cùng một Hồ Ngọc Hà lợi ngôn, sắc sảo cùng Trần Lập điềm đạm, chân thành. Chẳng mấy khi được thấy cảnh hú hét theo âm nhạc, sẵn sàng “tay đôi” trên sân khấu, hứa hẹn, thậm chí khoe mẽ và cả khóc lóc, ôm hôn của những người nổi tiếng.

Hà Hồ và câu nói “gây bão”: “Chị biết cách làm cho những thân hình mỏng manh trở nên quyến rũ ở trên sân khấu”

Idol cho người xem lập trường âm nhạc vững vàng của giám khảo, X-Factor mang đến cái nhìn trực quan hơn về chiến lược của những người nổi tiếng thông qua vòng Judges’ Houses (nhà của giám khảo), còn HLV của The Voice lại được toàn quyền với một biệt đội của mình bằng cách mời những chuyên gia hàng đầu đến tập luyện cho các đội thi. Tiếng nói của HLV được đẩy lên cao, đặc biệt ở vòng đối đầu khi quyết định loại những người do chính tay mình chọn lựa.  3. Thí sinh: Cơn gió không mới, nhưng lạ Hàng loạt cái tên “nghe là biết” như Lê Minh Mẫn, Duy Khiêm Ngố, Hà Minh Nguyệt… đến những ứng viên nặng kí nhưng gương mặt thì đã quá cũ như Tiêu Châu Như Quỳnh, Văn Thắng, Bùi Anh Tuấn, Thái Trinh, Thiều Bảo Trang, Hằng Bingboong… nghiễm nhiên giúp Giọng Hát Việt tăng thêm sự chú ý. Không chỉ những người mới muốn khẳng định mình, không ít những thí sinh đã đoạt giải đôi ba cuộc thi trước xuất hiện ở những sân chơi lớn hơn, vì họ đang loay hoay, vì họ muốn danh hiệu xứng tầm hay được công nhận lần nữa. Và một điểm thú vị khi The Voice hay Giọng Hát Việt đều xuất hiện những cá nhân đã từng được biết đến nhưng cần thêm một cơ hội để thực sự tỏa sáng.  Nhiều thí sinh Giọng Hát Việt đã tham gia hoặc đạt các giải thưởng lớn nhỏ: Vietnam Idol, Sao Mai, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Tiếng hát mãi xanh, Bài hát Việt, Tiếng ca học đường, các cuộc thi hát tiếng Anh, tiếng Pháp,… thậm chí là một chương trình “nặng ký khác” như Sao Mai Điểm Hẹn. Thí sinh có thể được đào tạo hoặc không, có thể đi hát hay chưa, vẫn có thể tham gia và vượt qua vòng thử giọng giấu mặt.  

Tham gia tiếng ca học đường 2010, Giải nhất Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2011 Bùi Anh Tuấn phải mất 1 năm để khán giả thực sự biết đến mình với “Nơi tình yêu bắt đầu”. 

Mặc cho dư luận lo lắng khi có đến quá nửa thí sinh sử dụng tiếng nước ngoài trong phần thi giấu mặt, bởi hát tiếng Anh, Pháp và tiếng mẹ đẻ tạo ra những hiệu ứng khác nhau, và hầu hết những thí sinh hát tiếng Anh được đánh giá nhiều về phong cách trình diễn hơn giọng hát. Nhưng đó cũng không phải vấn đề quá lớn khi không khí của chương trình đã gần như che đi một chút “lấn cấn” này, và càng đẩy sự chờ đợi của khán giả sang những vòng tiếp theo. Còn ở thời điểm hiện tại, nó đã tạo ra những cơn “chấn động” trực tuyến với những Hương Tràm, Ngân Bình, Đồng Lan… 4. Truyền thông bài bản Bạn bỏ lỡ Giọng hát Việt tuần vừa rồi? Đừng quá lo lắng, hãy lên mạng và tìm kiếm, nhà sản xuất có đầy đủ phiên bản audio định dạng Mp3 miễn phí phần thi của thí sinh, vượt xa chất lượng âm thanh mono bị la ó khi xem qua tivi, cùng hàng trăm clip phần thi của thí sinh được up lên mạng Youtube. Còn nếu bạn chưa kịp tìm hiểu về các thí sinh tiềm năng, hãy sử dụng Facebook, vì hầu hết đều có Fanpage dành cho người hâm mộ. Hình ảnh về các thí sinh, HLV, thông tin các đội và thậm chí là cả… vé đi xem ghi hình cũng được tung ra nhịp nhàng, bài bản trên website chính thức của chương trình.

Tính tới thời điểm phát sóng tập 2, website chương trình có hơn 16 triệu lượt truy cập, với hơn 150 bài báo giấy và các trang tin tức trên mạng. The Voice hay cả Idol và Next top model – suy cho cùng, cũng đến từ những bộ máy làm PR - Marketing chuyên nghiệp trên thế giới. Nhà sản xuất với một kế hoạch làm việc rõ ràng, cung cấp một “rừng” thông tin trên cả đầy đủ về chương trình kể từ lúc đàm phán nhượng quyền sản xuất, chọn HLV, sơ tuyển Online, thử giọng trực tiếp đến khi phát sóng. Một bài toán truyền thông được giải quyết khoa học với những điểm đầu, điểm cuối, nút thắt - mở hiệu ứng đều là công việc và được tính toán, căn ke hợp lý.  Và điểm xuyết trong đó là những forum sôi nổi, những hot blogger biết cách tạo và dẫn dắt dư luận, những hình ảnh hậu trường độc đáo, những cuộc thi thú vị đồng hành cùng chương trình, những hình ảnh độc về nơi luyện tập của các đội thi… Và vì vậy, những vòng thi Giấu mặt, Đối đầu được tuyệt đối bí mật về hình ảnh và kết quả, nhưng là vô nghĩa ở thời đại mà công nghệ phát triển hơn vũ bão này.  Cũng không quá bất ngờ  khi những cuộc thi ca hát cùng thời điểm này không tạo được hiệu ứng tương tự. Điều quan trọng, một ca khúc quen thuộc, không cứ phải hát sao cho tròn vành, rõ chữ với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, mà phải gạt qua một bên sự bảo thủ cho rằng cái cũ là cái tốt, nên hát một cách thông minh, độc đáo và biết gây chú ý, thì chất lượng đôi khi chỉ xếp hàng hai, sau những hiệu ứng rùm beng khác. Và còn bởi, The Voice – cũng như hàng vạn chương trình khác trên tivi mỗi tối, là một “thương vụ” được ràng buộc rõ ràng bởi những con dấu.  Ai được quan tâm hơn, kẻ ấy thắng cuộc!

2Sao