Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin gửi đến độc giả bài viết nhận định về vụ việc này của nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long – NXB Âm nhạc Việt Nam.
Những ngày qua, sự việc xung quanh bản nhạc Ra ngõ tụng kinh (Trần Tiến) do Trần Thu Hà hát và Princess of China gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn âm nhạc trong nước và quốc tế. Khi nghe hai bản nhạc, theo tôi, đúng là hai bản ghi âm này có sự giống nhau trong nét giai điệu phần nhạc nền nhưng tôi nghĩ, trường hợp này không thể gọi là đạo nhạc và cũng không thể kết luận rằng ai lấy của ai, cho dù “lợi thế” về thời gian nghiêng về bản ghi âm của Trần Thu Hà.
Trước hết, ta nhìn lại hai bản ghi âm này, một tác phẩm của Việt Nam, đó là “Ra ngõ tụng kinh” - một ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến được sáng tác ở dòng nhạc như chúng ta vẫn quen gọi là dân gian đương đại do ca sĩ Trần Thu Hà thể hiện. Lời ca khúc này được vút lên từ nền của phần hòa âm phối khí có sử dụng giai điệu âm nhạc giống nhau kia làm phần chủ đạo cho phần phối khí và có cả tiếng vocali cất lên trong phần bản phối này.
Tôi không biết trong quá trình sáng tác nhạc sĩ Trần Tiến có sáng tác phần này hay không, tôi cũng chưa được nhìn tận mắt bản nhạc tổng phổ của tác giả sáng tác ca khúc này song theo tôi thì tác giả không sáng tác phần này trong khi sáng tác ca khúc. Mà đây là sự sáng tạo của nhạc sĩ hòa âm phối khí.
Về màu sắc âm nhạc, tạm cho đây là ca khúc thuộc dòng dân gian đương đại, chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố âm nhạc Phật giáo, trong quá trình hòa âm phối khí, nhạc sĩ có thể đã khai thác một nét nhạc (có giai điệu). Nét giai điệu này vang lên rất rõ và đã quán xuyến toàn bộ phần phối khí của bản nhạc, đồng thời làm tôn lên vẻ đẹp của giai điệu chính của ca khúc. Theo tôi đây là một bản ghi âm (tức là có cả sự phối hợp của ca khúc, nhạc sĩ phối khí, ca sĩ, studio) khá thú vị tạo nhiều ấn tượng cho người nghe bởi sự sáng tạo nghệ thuật của cả ba sự sáng tạo là tác giả, phối khí và ca sĩ, rất đáng nghe.
Về phần bản nhạc quốc tế có tên “Princess of China” của Cold Play có phần hòa giọng (vocali) của Rihanna, cũng tương tự như vậy, nhạc nền của bản nhạc này cũng được lấy cảm hứng từ nét giai điệu tương tự như nét giai điệu nhạc nền của bản ghi âm ca khúc “Ra ngõ tụng kinh” của Việt Nam. Có điều, ở bản nhạc này, nét giai điệu được xử lý trong phần hòa âm phối khí có phần không rõ nét so với bản nhạc của Việt Nam, đây không phải là một thiếu sót mà là ý đồ của tác giả trong quá trình thực hiện thu âm bản nhạc này. Cho dù ở đây nét giai điệu của phần nhạc nền giống nhưng không rõ bằng bản nhạc Việt Nam song, nó lại có sự sáng tạo riêng bởi nét giai điệu này còn ảnh hưởng tới những giai điệu chính của tác phẩm. Chính vì vậy, bản nhạc này cũng đã đem lại sự hứng thú cho người nghe, và tôi tin rằng nó sẽ chinh phục được bạn yêu nhạc thế giới, nhất là đối với những fan của Cold Play.
Có một điều trùng lặp ở cả hai bản nhạc ở chỗ, hai bản nhạc đều lấy cảm hứng (hoặc sáng tác hoặc phối khí) từ âm nhạc phương đông, có ảnh hưởng một chút yếu tố Phật giáo. Nhưng không phải âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam (trong trường hợp ca khúc Việt Nam) và không phải âm nhạc dân tộc Hán hay Choang… của Trung Quốc đã quen thuộc với Việt Nam (trong trường hợp của tác phẩm “Princess of China”) mà màu sắc âm nhạc có vẻ như nghiêng về khu vực cao nguyên Mông Cổ nhiều hơn.
Để kiểm tra về điều này tôi đã có trao đổi với nhạc sĩ Thao Giang (phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Việt Nam), một chuyên gia âm nhạc cổ truyền dân tộc có uy tín, đã từng có nhiều năm tu nghiệp tại Ấn Độ và Trung Quốc, ông cũng đồng quan điểm với tôi, ông khẳng định: “Đây là âm nhạc dân gian ở khu vực Nội Mông có ảnh hưởng từ Tây Tạng, nhưng nghiêng về Nội Mông nhiều hơn”. Nội Mông là khu vực rộng lớn và là một trong địa bàn sinh sống của một trong bốn dân tộc chính ở Trung Quốc. Như vậy, theo tôi, nét giai điệu giống nhau trong hai tác phẩm này có cùng một nguồn gốc và không phải là do hai tác giả của hai bản ghi âm này sáng tác. Họ chỉ lấy nguồn cảm hứng từ nét giai điệu đẹp, đầy sự quyến rũ để rồi sáng tạo vào tác phẩm của mình làm cho tác phẩm thêm phần hấp dẫn.
Và như vậy nghi án đạo nhạc là hoàn toàn không có cơ sở; đồng thời cũng không thể khẳng định là cả hai tác giả hai bản ghi âm đạo nhạc, bởi việc lấy cảm hứng từ một nét giai điệu bắt nguồn từ dân gian phát triển thành một tác phẩm là một cách làm phổ biến trong lịch sử âm nhạc thế giới. Ngay kể cả những “ông tổ” của âm nhạc cổ điển châu Âu như J.S. Bach, Mozart hay Beethoven… đều khai thác nhiều chất liệu dân ca dân vũ vào tác phẩm của mình.