Khi hoạt động biểu diễn được khai thác thành một ngành công nghiệp thì mọi thứ phải tuân theo quy tắc, trình tự cùng những đòi hỏi khắt khe của nó. Những gì thuộc về bản năng ca hát không đủ thích ứng với guồng máy này nếu không được rèn luyện thêm kỹ năng cần thiết.
Cần những “sản phẩm” đào tạo thích ứng
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết để có được thành quả như hôm nay, anh phải mất đến 20 năm học tập, bắt đầu từ khi 10 tuổi. “Học nhiều không chỉ để trở thành một ca sĩ giỏi mà còn để biết dẹp bỏ cái tôi cá nhân nhằm làm việc chung, biết tôn trọng và đối thoại với người khác” - Thanh Bùi giải thích.
Khi đội U19 Việt Nam (thành phần nòng cốt là Học viện Arsenal-HAGL JMG) ra mắt làm nức lòng giới hâm mộ bóng đá, nhận thức của nhiều người về công tác tuyển chọn và đào tạo nhân tài trong các lĩnh vực đã thay đổi. Có năng khiếu, tố chất và được đào tạo bài bản bằng những giáo trình tiên tiến chắc chắn sẽ cho ra lò những “sản phẩm” tốt nhất.
Tài năng ca hát cũng cần phải được tuyển chọn, đào tạo và rèn luyện như Học viện Arsenal-HAGL JMG đã làm. Rất tiếc là hiện nay, Việt Nam mới chỉ có trường dạy nhạc Soul Music Academy của ca sĩ Thanh Bùi đang đi những bước đầu tiên.
Theo ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi, bộ giáo trình của Trinity College London mà trường nhạc Soul Music Academy đang sử dụng được giảng dạy ở hơn 60 quốc gia dành đào tạo những nghệ sĩ nhạc pop chuyên nghiệp. “Một ca sĩ chuyên nghiệp phải biết chơi giỏi nhạc cụ, sáng tác hay. Những điều đó không chỉ nhờ vào tài năng thiên bẩm, ca sĩ cũng hoàn toàn có thể làm được nếu học hành nghiêm túc” - Thanh Bùi khẳng định.
Trong khi đó, ca sĩ Đức Tuấn cho biết: “Tôi luôn ý thức phải đi học vì tin rằng việc học sẽ giúp mình duy trì được tuổi thọ của nghề. Những kỹ thuật trình diễn học được giúp tôi biết cách giải phóng và tiết chế giọng hát của mình một cách phù hợp nhất. Nhiều ca sĩ hiện nay hát bằng bản năng nên chỉ sau một thời gian, họ bỗng nhiên không hát được nữa. Đó là chuyện mà chẳng ca sĩ nơi nào trên thế giới gặp phải cả”.
Học để biết ứng xử văn minh
Theo ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi, dù tài năng phát lộ đến mức nào thì học văn hóa vẫn là điều cần thiết. Bởi lẽ, trình độ văn hóa cao sẽ giúp nghệ sĩ có lựa chọn đúng đắn, ứng xử văn minh.
Chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu phần trăm ca sĩ hoạt động chuyên nghiệp hiện nay có trình độ đại học. Theo những người trong giới, con số này chỉ là hàng chục trên tổng số hàng ngàn ca sĩ.
Đây chính là lỗ hổng lớn nhất của đội ngũ ca sĩ Việt. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao thị trường nhạc Việt xuống cấp về chất lượng nghệ thuật nhưng phát triển xì-căng-đan, những ứng xử không phù hợp với văn hóa truyền thống, những phát ngôn gây sốc, xúc phạm lẫn nhau mà chủ nhân của nó phần đông là ca sĩ hay người mẫu.
“Thói ích kỷ, mạnh ai nấy sống cũng là nguyên nhân khiến những người làm nghề trong làng âm nhạc Việt Nam không xích lại gần nhau cùng chung sức, chung lòng cải thiện thị trường âm nhạc đang xuống cấp, tạo nên môi trường lành mạnh để phát triển. Điều này không bao giờ thấy ở những nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển” - một người trong giới đúc kết.
Học không bao giờ là đủ
Với ca sĩ Thu Minh, âm nhạc Việt Nam chưa đủ sức để bắt kịp sự phát triển của âm nhạc thế giới. Tất cả tài năng âm nhạc của chúng ta chỉ phát triển thông qua việc tự tìm tòi, học hỏi. “Dù là ai và giỏi đến mức độ nào, bạn vẫn phải luôn học hỏi, cập nhật theo sự phát triển của thế giới để trang bị cho mình thêm những kiến thức âm nhạc. Từ đó, bạn tự tin đứng trên sân khấu thể hiện được nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau. Học không bao giờ là thừa cả” - Thu Minh nhìn nhận.
Thu Minh đã có một vị trí trong nền âm nhạc Việt Nam và âm nhạc luôn là niềm đam mê lớn nhất của ca sĩ này. “Với sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc, Thu Minh tin rằng việc mình luôn học hỏi sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới, giúp bản thân kết nối với cộng đồng quốc tế và chia sẻ được nhiều hơn với thế hệ trẻ sau này” - Thu Minh cho biết.
Trong khi đó, ca sĩ Hồng Nhung bày tỏ: “Tôi tin rằng học không bao giờ là đủ”.