Hàng "đống" lý do để biện minh cho việc hát nhép
Nhiều người rỉ tai với nhau rằng, luôn có một bí mật trong giới âm nhạc, đó là rất nhiều ca sĩ đã từng hát nhép ít nhất một lần trong đời. Hát nhép xuất phát từ rất nhiều lý do mà những người trong cuộc này cho là bất khả kháng: vì truyền hình trực tiếp, phải hát nhép để tránh rủi ro; vì âm thanh không đảm bảo; vì nhạc nhanh mà phải nhảy nhiều; vì giọng quá yếu; vì hát live mệt vì cơ thể không khỏe,… Họ luôn có những lý do “đúng” để biện minh cho hành động khó chấp nhận của mình. Và họ luôn là người được lợi.
Nhưng hãy nghĩ một cách công bằng, khán giả là người yêu nhạc. Họ đến để được lắng nghe thần tượng hát thực sự chứ không phải nhìn thần tượng đi đi lại lại, hay múa may trên sân khấu với cái môi mấp máy. Nếu chỉ là đến để nghe một thứ âm được thu sẵn thì họ có thể ngồi ở nhà bật tivi lên và xem. Hát lip-sync là một cách nhanh nhất thể hiện sự không tôn trọng khán giả. Có nhiều người còn cho rằng, ca sĩ càng biện minh càng chứng tỏ họ đang gian dối.
Có nhiều ca sĩ còn lộ hát nhép một cách lộ liễu nhưng không lấy làm xấu hổ về hành vi của mình. Ngay khi bị lộ, họ vẫn hồn nhiên và vô tư hát nốt phần còn lại như chưa có chuyện gì xảy ra. Chỉ có khán giả là thực sốc khi biết mình đang bị lừa dối trắng trợn. Điển hình những ca sĩ bị lộ hát nhép như Quỳnh Nga, Thu Thủy, Wanbi Tuấn Anh, Thủy Tiên, Mỹ Lệ, Hiền Thục…
Tuy nhiên, những phát hiện này là quá ít so với thực tế đang diễn ra. Câu chuyện hát nhép có lẽ sẽ không có hồi kết, chỉ đáng buồn thay, khán giả luôn là nạn nhân của những lời nói dối, phải chịu thiệt thòi mà ít khi nhận được lời xin lỗi.
Hát sai lời đang trở nên phổ biến
Ca sĩ, không đơn giản chỉ là hát đúng nhạc một bài hát. Để thể hiện hay và thành công bài hát đó, trước tiên người làm ca sĩ phải hiểu nội dung và thuộc từng câu từ của nó. Từng ca từ trong bài hát đều có một ý nghĩa, sắc thái riêng và nó cũng là dụng ý của tác giả soạn lời. Nếu hát sai lời vừa thể hiện chưa hiểu cái hay, cái đẹp trong mỗi ca từ vừa thiếu tôn trọng tác giả và khán giả - những người đang để cho họ đứng trên sân khấu và để được gọi là ca sĩ.
Chuyện hát sai lời không có gì là mới lạ trong làng nhạc Việt thời gian qua. Nhưng có vẻ như việc hát sai lời đang trở nên phổ biến hơn và thành một căn bệnh khó chữa. Từ những ca sĩ trẻ chập chững mới vào nghề đến những ca sĩ đã gắn bó với âm nhạc nhiều năm. Điều đáng ngạc nhiên hơn, bệnh hát sai lời cũng chẳng từ chối “viếng thăm” cả một diva của làng nhạc Việt.
Sẽ có nhiều người băn khoăn, tại sao ca sĩ lại hay hát sai lời đến thế? Đi tìm căn nguyên gốc rễ của căn bệnh này, người ta có thể tạm hiểu ca sĩ thời nay lo đi chạy show nhiều, không chịu luyện tập bài hát nên khi hát lại sai lời. Bản thân không nắm vững nội dung, ý tứ bài hát thì khi sai lời, dù hát hay đến mấy cũng không thể coi là thành công được.
Còn nhớ trong Đêm nhạc Trịnh hồi đầu tháng 3 năm nay, đã có hàng loạt ca sĩ hát sai lời, điều này khiến khán giả thực sự buồn và tức giận, nhất là đối với những người yêu nhạc Trịnh thực sự. Thứ âm nhạc tĩnh lặng, huyền hoặc vô thường ấy vốn đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người nhưng nay bị khuấy động bởi thứ tạp âm xa lạ, khiến họ không thể nào khỏi sốc.
Nguyễn Ngọc Anh, nữ ca sĩ Sao mai điểm hẹn đã hát sai lời ngay từ bài đầu Nắng Thủy Tinh. Với Mỹ Tâm, 4 năm liền cô có mặt trong các đêm nhạc Trịnh được tổ chức dịp tháng 3 ở Hà Nội những cũng không tránh khỏi sự cố sai lời trong Có một dòng sông và Đêm thấy ta là thác đổ. Mỹ Linh – diva của nhạc Việt cũng đã từng bị dư luận chê trách khi hát sai Mỗi ngày tôi trọn một niềm vui trong lễ bế mạc Liên hoan Pháo hoa quốc tế Đà nẵng 2011. Và cũng trong đêm nhạc Trịnh đầu tháng, cô đã hát nhầm lời tới hai lần trong hai ca khúc Ru ta ngậm ngùi và Để gió cuốn đi.
Lời là giá trị đặc biệt trong âm nhạc Trịnh và người yêu nhạc Trịnh rất chú ý ca từ trong bài hát. Bởi thể việc hát nhầm lời của ca sĩ khiến khán thực sự khó chịu vì không được tôn trọng. Trước đó, trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 23 (2011) Quang Dũng cũng đã làm khán giả “nhăn mặt” khi thể hiện sai lời ca khúc Lá đổ muôn chiều… Trên đây chỉ là con số ít trong một bản danh sách dài ca sĩ hát sai lời nhưng nếu hết kể ra, thật sự sẽ tốn khá nhiều giấy mực.
Với căn bệnh này, NSUT Hà Thủy đã nói: “Không thể chấp nhận việc ca sĩ hát sai. Với tất cả các học trò của tôi, việc đầu tiên là phải hát đúng lời ca khúc đã rồi những việc khác mới tính sau. Ca sĩ đứng trên sân khấu mà hát sai lời là không tôn trọng nhạc sĩ, không tôn trọng khán giả và chính bản thân mình”.
“Mượn” giọng gây xôn xao suốt tuần
Việc dư âm của ca sĩ về hát sai lời vẫn chưa kết thúc thì khán giả lại thêm một lần sốc với việc ca sĩ mượn giọng của người khác cho phần trình diễn của mình. Nghe có vẻ nực cười nhưng đây lại là câu chuyện đang xôn xao công chúng trong suốt tuần qua.
Tối 20/3 thông tin về nghi vấn Minh Hằng “mượn” giọng của ca sĩ Lan Anh trong phần trình diễn tiết mục The phantom of the opera cùng với Minh Quân ở đêm mở màn chương trình BNHV 2012 bắt đầu làm nóng dư luận. Rất nhiều thông tin trái chiều được đưa ra. Chính ca sĩ Lan Anh cũng lên tiếng xác nhận sự việc rằng giọng hát trong ca khúc đó là của cô.
Sau sự cố ồn ào này, ban tổ chức chương trình cũng như ca sĩ Minh Quân cũng đã lên tiếng xin lỗi ca sĩ Lan Anh về sự thiếu xót này và Minh Quân đã không xin phép cô. BTC khẳng định, giọng hát của Minh Hằng trong bản thu âm hoàn toàn là giọng của Minh Hằng 100%. Tuy nhiên, bản thu âm này có sử dụng thêm phần bè của ca sỹ Lan Anh (nằm trong bản thu âm có sẵn của Minh Quân – Lan Anh) và của cả Minh Quân nhằm làm cho phần giọng của Minh Hằng dày hơn, đặc biệt là ở những đoạn cao trào.
Mặc dù giải thích thế nào đi chăng nữa thì có lẽ khán giả chưa nguôi bức xúc. Bởi chính họ cũng là người bị “lừa”. Ai cũng đinh ninh rằng mình đang được thưởng thức giọng của Minh Hằng hoàn toàn. Nếu sự việc không bị lộ thì có lẽ sự “mượn” giọng này có thể đã “an toàn” khi không ai phát hiện.
“Con sâu làm rầu nồi canh”, sân khấu âm nhạc Việt đang ngày càng phải đối mặt với nhiều tai tiếng bởi chính một số người đang mệnh danh là ca sĩ gây nên. Hát sai lời, hát nhép hay mượn giọng, những “căn bệnh” ấy nếu không “chữa trị” kịp thời và “tận gốc” thì có lẽ nền âm nhạc nước nhà vô hình trung sẽ trở nên méo mó, “dị tật” bởi những hệ quả không lường từ chúng.