Như một thói quen hay các điều kiện thực tế cả về tiềm lực con người lẫn tài chính đã khiến cho không ít các chương trình, sản phẩm âm nhạc mang tầm vóc quốc tế sớm chỉ là cuộc “dạo chơi” để lại nhiều tiếc nuối cho ca sĩ Việt.
Rất nhiều ca sĩ trong nước đã và đang nỗ lực mang công nghệ thu âm mới vào album, cậy nhờ đến các ekip nước ngoài trong việc sản xuất cả sản phẩm nước ngoài.
Điển hình như Đức Tuấn là người có rất nhiều album mang đi thực hiện tại nước ngoài. Hiện tại anh cũng đang trong quá trình thực hiện một album như vậy dự kiến sẽ sớm ra mắt vào cuối năm nay.
Đức Tuấn cũng là ca sĩ rất mạnh dạn trong việc đầu tư chi phí cho việc mời những chỉ huy, nghệ sỹ biểu diễn quốc tế về tham gia live show của mình ở dòng semi classic và nhạc kịch. Dù không phải là dòng nhạc đại chúng nhưng rõ ràng, Đức Tuấn vẫn có chỗ đứng không hề nhỏ.
Chọn một hướng đi khác, nhắm vào sự gần gũi từ phong cách đến sức lan tỏa mạnh mẽ, Mỹ Tâm khá thông minh khi chọn các nhà sản xuất Hàn Quốc để làm đối tác trong album của mình. Sự hợp tác của Mỹ Tâm không phải mới có từ khoảng 5 năm trở lại đây nhưng đỉnh cao vẫn là album Vol7 - Tâm vừa phát hành của cô.
Tuy nhiên, từ khi sản phẩm chính thức ra mắt đến nay, album vẫn không tạo được thêm tiếng vang nào ở tầm quốc tế mà chỉ dừng ở mức sản phẩm có sự hợp tác quốc tế trong khâu sản xuất. Đó là nét chung của rất nhiều album, ca sĩ trong nước.
Tuy nhiên, ở nỗ lực cá nhân, Mỹ Tâm liên tục tung ra các sản phẩm âm nhạc đi kèm là MV đơn lẻ cho từng ca khúc trong album. Đây chính là phương thức rất phổ biến của các ca sĩ trên thế giới. Thêm vào đó, việc là ca sĩ đầu tiên có kênh riêng trên YouTube cũng khiến tên tuổi Mỹ Tâm có sức ảnh hưởng hơn. Tất nhiên, những sản phẩm của cô luôn được đầu tư rất nghiêm túc và chất lượng.
Những kênh phát hành album như itunes, amazon... chính là bước đệm ý nghĩa với nhiều ca sĩ mong muốn tạo được vị trí riêng, ít ra ở làng giải trí đông đúc ca sĩ mới hiện nay.
Chọn cách phát hành quốc tế đã có từ rất sớm trong các album của Lê Hiếu (thời còn làm cùng Music Faces), album Chill out của Nguyệt Ánh... và các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc cũng nỗ lực cùng ca sĩ để mở rộng kênh phát hành như Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Đức Trí...
Mặc dù những hoạt động có vẻ nhỏ lẻ của từng cá nhân ca sĩ chưa thấm vào đâu ở giấc mơ vươn ra thị trường lớn, nhưng đã tạo thêm động lực để chính các nhà sản xuất trong nước mang đến hơi thở ít ra hiện đại hơn trong chính đứa con tinh thần của họ.
Gần đây, các album ca nhạc đã được chỉn chu rất cao từng chi tiết một. Từ khâu chọn nhạc sĩ hòa âm, chọn dòng nhạc, chất liệu làm album... đã cho thấy ca sĩ nỗ lực tìm kiếm giá trị mới mà từ rất lâu bị thị trường chi phối và bỏ quên.
Đĩa than, vẫn là một dạng album rất được ưa chuộng trên thế giới và nó đòi hỏi kĩ thuật cao. Trước đây ca sĩ Mỹ Linh là người làm nóng lại suy nghĩ việc phát hành đĩa than, và vừa qua nhạc sĩ Đức Trí cùng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 “hâm nóng” lại dòng đĩa cao cấp này.
Nâng tầm từ trong chính dòng nhạc chính là album Classic meet Chillout của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và ca sĩ Phạm Thu Hà, dòng nhạc World Music và nhạc dân gian của nhạc sĩ Thanh Tâm và nhóm Mặt trời đỏ trong album Tri kỉ vừa phát hành... Cũng không thể không kể đến dòng nhạc điện tử rất thịnh hành mà ca sĩ Tùng Dương là một trong những người tiên phong.
Nâng cấp chính bản chất bên trong của âm nhạc là nỗ lực thấy rõ mà rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ thời gian gần đây thực hiện. Nó không còn là con đường “màu mè” đánh bóng tên tuổi hời hợt như mời nghệ sỹ quốc tế hát cùng, hay đóng MV... Chính những ca sĩ, nhà sản xuất, nhạc sĩ hòa âm phối khí trong nước đang tự màu mò để khẳng định đẳng cấp qua các sản phẩm từ đó khiến khán giả nể phục hơn. Đây là con đường nằm trong xu hướng chung của tất cả các nền âm nhạc trên thế giới khi muốn hòa mình vào thị trường lớn toàn cầu.
Ví như cuộc thi tìm kiếm MV ca nhạc Việt Nam được phát trên kênh MTV châu Á của kênh truyền hình MTV Việt Nam đã sớm chìm vào quên lãng sau một năm thực hiện. Bởi có lẽ, nó không đi từ vấn đề gốc của giấc mơ đẳng cấp quốc tế của ca sĩ. Đương nhiên, khi những MV được đầu tư kĩ lưỡng về ý tưởng, âm nhạc, hình ảnh sẽ là bước thuận lợi để được công nhận. Nhưng trái lại nó không giải quyết được câu chuyện làm sao sản phẩm âm nhạc của chúng ta có giá trị thực tiễn trong việc khiến đại đa số công chúng yêu nhạc khắp nơi công nhận.
Ngày nay khán giả trong nước không còn mấy xa lạ chuyện các ca sĩ Việt xuất hiện tại các sân khấu nước ngoài. Hồ Ngọc Hà từng được mời tham gia Asia Song Festival 2009, Mỹ Tâm từng được vinh danh là Nghệ sĩ Việt Nam xuất sắc nhất châu Á tại giải MAMA, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương, Thanh Lam… từng không ít lần được biểu diễn tại các sân khấu lớn nước ngoài. Tuy nhiên, những dấu ấn nhỏ thật sự chưa thể tạo nên làn sóng như âm nhạc các nước bạn: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Dĩ nhiên với một nền giải trí chưa tiến lên thành công nghiệp, đường đi của các ca sĩ Việt sẽ phải còn dài.
Có một thực tế cho thấy, xét về thực lực các ca sĩ Việt không hẳn thua kém ca sĩ nước ngoài. Bằng chứng là các nghệ sĩ Việt như: Thanh Lam, Mỹ Linh, Thu Minh… khi biểu diễn tại các đêm nhạc của sao ngoại tại Việt Nam tỏ ra không hề một chút lép vế. Và trong một số trường hợp, thậm chí họ còn nổi trội hơn cả về giọng hát lẫn sự chuyên nghiệp.
Giấc mơ ca sĩ quốc tế và những sản phẩm đẳng cấp sẽ còn tiếp tục được nhen nhóm. Tín hiệu vui là các nghệ sỹ trong nước đã tìm thấy hướng đi có vẻ chắc chắn hơn, đó chính là thay đổi tư duy trong việc làm nên một sản phẩm âm nhạc mang tầm quốc tế là như thế nào và trong tương lai. Chắc chắn những sản phẩm chất lượng ấy mới là thành quả bảo chứng cho những cái tên có thể vươn xa hơn nữa.