Phải chăng quá bất bình trước số điểm của ban giám khảo, hay cảm thấy có những điều chưa thỏa đáng khi tham gia vào cuộc chơi của Chinh phục đỉnh cao, mẹ ca sĩ Kasim Hoàng Vũ và chính anh cũng tỏ ra chán nản, không còn tha thiết với sân chơi này.
Như báo chí đưa tin những ngày qua, mẹ Kasim Hoàng Vũ rất bực tức sau đêm thi chung kết ngày 16/3 và đã cãi vã cùng một thí sinh trong chương trình. Cả hai mẹ con nam ca sỹ đều cảm thấy cuộc chơi này không còn bình đẳng, quan trọng hơn là nghề nghiệp bị xúc phạm.
Tuy nhiên đây không hẳn là lần đầu tiên các thí sinh trong một show truyền hình thực tế tỏ ra bất bình, hay có ý nghĩ sẽ bỏ thi giữa chừng.
Cách đây chưa lâu, ca sĩ Phương Thanh khi tham gia vào chương trình Bước nhảy hoàn vũ đã tự thấy rằng thí sinh như cô cũng chỉ là “tốt thí” trong một ván cờ của ai đó.
Ngay thời điểm tham gia chương trình này, ca sĩ Phương Thanh gần như áp đảo về lượng fan trên khắp cả nước nhưng lại thua cuộc trước người mẫu Anh Thư. Từ đó đến nay, chuyện sắp đặt, dàn xếp kết quả dần được hé lộ và vì lý do đó nhiều show truyền hình thực tế đã mất đi niềm tin khán giả. Mọi nỗ lực, chiêu trò, scandal để vực dậy cho chương trình đều như “ném đá ao bèo”.
Ở những chương trình có sự bình chọn của khán giả, kết quả chưa khi nào là thỏa đáng hay vừa ý với đại đa số người xem cũng như người trong cuộc.
Dù chỉ là sân chơi vui như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo... hay có tính thi thố nghiêm túc hơn là Vietnam Idol, Giọng hát Việt, gần đây là Chinh phục đỉnh cao thì điểm số và nhận xét của giám khảo, hay lượt bình chọn của khán giả luôn thể hiện sự không nhất quán.
Nếu như trước đây, giám khảo là người gần như quyết định tuyệt đối kết quả thì nay, khán giả mới là nguyên tố quan trọng. Những người "cầm cân nảy mực" lại trở thành “bù nhìn”. Sẽ là quá lời khi nói họ ngồi đó cho “đẹp đội hình”, nhưng đa phần những nhận xét chưa hẳn đã sâu sắc về chuyên môn không đủ thuyết phục khán giả.
Tình trạng giám khảo nói cho vui, nói một đường, cho điểm một nẻo là có thật. Và trong khá nhiều cuộc thi trên các show truyền hình thực tế hiện nay, những điểm 10 tròn trĩnh được cho ra dễ dàng.
Và rất nhiều thứ đã thể hiện ngay trên sân khấu của Chinh phục đỉnh cao, mà đỉnh điểm của sự so sánh chính là hai thí sinh Nathan Lee và Kasim Hoàng Vũ. Vậy ai mới là người chi phối thực sự kết quả của các chương trình truyền hình thực tế này?
Thí sinh nào được chọn hay nằm trong danh sách ứng cử cho việc quảng bá, kế hoạch dài lâu thì khả năng chiến thắng, giành được số điểm cao có phải là chắc chắn? Với một sân chơi dù vui là chính, mà sự công bằng không có, giám khảo nói chỉ để mua vui, thí sinh không thể tự tin vào khả năng của mình thì đó có còn gọi là một cuộc “Chinh phục đỉnh cao”?
Gần như gây thất vọng nặng nề với khán giả, chương trình Pop Stars To Opers Stars – Chinh phục đỉnh cao, với ý nghĩa khá đặc biệt là cho thấy khả năng thích nghi với dòng nhạc Opera của những ca sĩ nhạc pop. Quan trọng hơn, như những thành viên Ban giám khảo từng nói qua sân chơi này mong muốn đưa nhạc cổ điển đến gần với khán giả.
Trải qua từng đêm thi, khán giả không thấy được nhạc cổ điển được hát chính xác ra sao. Thay vào đó, việc lạm dụng nhiều những biến thể của nhạc cổ điển khiến khán giả cảm thấy ca sĩ kém tài mà giám khảo cũng không đủ trình độ để đi suốt chương trình này.
Hơn nữa, những giọng hát được đào tạo bài bản, có quá trình tiếp xúc với nhạc cổ điển lâu năm chính quy như Võ Hạ Trâm, Ngọc Khuê... cũng dần thất bại, chịu số điểm thấp trước thí sinh gần như “tay ngang” bước vào lĩnh vực ca hát này.
Điều này khiến công chúng không khỏi đặt ra câu hỏi, tại sao có tình trạng như vậy?
Trước đó, ca sĩ Trà My Idol cũng từng tỏ ra ngao ngán khi tham gia Bước nhảy hoàn vũ. Dù học trường múa, có nỗ lực và tiến bộ nhưng cô chưa được ghi nhận đúng mực từ phía giám khảo. Điều này phản ánh ở việc cô liên tục nằm trong top thí sinh nguy hiểm và phải xin nghỉ sớm vì chấn thương.
Có quá nhiều sự thiếu nhất quán giữa nhận xét của giám khảo và số điểm là điều trở nên rất quen thuộc của nhiều chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Điều quan trọng hơn cả chính là lòng tự trọng của người nghệ sỹ bị xúc phạm. Người được đào tạo bài bản, có chuyên môn lại bị đánh giá thấp so với người" tay ngang". Ở một sân chơi giải trí, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nghệ sỹ đã không có.
Thêm vào đó, những cuộc đụng độ ở trang cá nhân của không ít nghệ sỹ đã làm méo mó đi nhiều hình ảnh của người làm nghệ thuật. Thay vì cạnh tranh bằng thực lực, thì nay chỉ trích nhau thông qua lời nói, tạo sự chú ý cho bản thân.
Qua đến show Chinh phục đỉnh cao, khán giả dễ dàng thấy rằng, thí sinh hay giám khảo không phải là người “chơi” chính của những show truyền hình, mà chính là ý muốn của một “bàn tay” vô hình nào đó để phục vụ nhiều giá trị gia tăng hơn đằng sau các buổi lên sóng.
Có khi là rating, hay các hợp đồng quảng bá tên tuổi và còn những mục đích nào đó mà chỉ người trong cuộc mới có thể biết được. Qua nhiều sự thất vọng, nghệ sỹ có lẽ sớm rút cho mình một tâm lý “chấp nhận” và “méo mó” khi tham gia vào những cuộc chơi cho vui như thế này.