Không có gì sai khi các thí sinh làm mới hình ảnh của mình qua mỗi tiết mục dự thi. Tuy nhiên, do phải trình diễn nhiều ca khúc trong 1 đêm thi (4 thí sinh, mỗi thí sinh 3 tiết mục, như vậy có ít nhất 3 lần họ phải thay đổi trang phục) nên việc các thí sinh “làm mới” mình bằng trang phục cũng tạo nên những “hiệu ứng ngược”.
Sự “màu mè” này khiến cho đêm Chung kết The Voice giống như một đêm diễn thời trang đa sắc màu. Ở đó, Đinh Hương trình diễn 3 bộ trang phục: gợi cảm, ma mị, năng động; Hương Tràm khi thì thanh thoát (Trên đỉnh phù vân) lúc lại làm nữ hoàng sexy bốc lửa (Queen of the night và Đường cong)…
Không chỉ thế, phần trang phục dường như đã bị “lợi dụng quá đà” nhằm tạo ra sự cuốn hút khi Xuân Nghi xuất hiện với bộ váy “khổng lồ”. Không rõ ý tưởng của bộ đồ này có ăn nhập gì với ca khúc All by myself, tuy nhiên, rõ ràng là sự chú ý đã được (hoặc bị) cuốn vào chiếc váy độc đáo nhiều hơn so với phần trình diễn và giọng hát của thí sinh.
Bên cạnh thí sinh, các vị HLV cũng không ngại ngần khoe tài “biến hóa” trang phục trên sân khấu. Ban đầu, 4 HLV diện 4 chiếc áo dài cách điệu ấn tượng. Tới phần song ca cùng thí sinh, các HLV lần lượt thay đổi trang phục cho phù hợp với bài hát và sân khấu: Trần Lập đậm chất rock, Thu Minh và Hà Hồ sexy và bốc lửa, đặc biệt, Mr. Đàm không ngại ngần “lột” 3 lớp áo khác nhau trong tiết mục hát cùng các học trò của mình.
Rõ ràng, trang phục có một vai trò nhất định trong sự thành công của 1 tiết mục. Tuy nhiên, với quá nhiều lần thay đổi trang phục trong 1 đêm thi thì việc người ta liên tưởng tới 1 show diễn thời trang là khó tránh khỏi.
Không những thế, việc bố trí bè và vũ đoàn trong cả đêm thi còng thể hiện sự “tham lam” trong việc tạo hiệu ứng quá nhiều về phần nhìn. Hầu hết, tiết mục nào cũng có phần bè và vũ đoàn khá “hùng hậu”. Tiết mục Queen of the night của Hương Tràm còn “kéo” toàn bộ thí sinh của đội Thu Minh để làm bè. Với phần “hậu cần” kỹ lưỡng như vậy, giọng ca của Hương Tràm ít nhiều bị khán giả xao lãng bởi họ còn bận chú tâm tới dàn bè “khủng”.
Việc bố trí bè và vũ đạo là cần thiết, nhưng không phải ở bất cứ tiết mục nào cũng cần. Đặc biệt là trong một chương trình có quá nhiều tiết mục như đêm thi Chung kết The Voice thì việc tiết mục nào cũng có bè, vũ đoàn, hiệu ứng sân khấu… lại khiến người ta liên tưởng tới 1 chương trình tạp kỹ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có lẽ do sự đầu tư quá kỹ lưỡng của HLV và thí sinh cho mỗi tiết mục. Họ đã quá chú trọng đến chi tiết mà quên mất việc hòa hợp cho tổng thể. Chính điều này đã tạo nên một đêm thi quá “màu mè”, “rối mắt”.