- Trong phạm vi tiếp xúc của Đại Nhân, Nhân cho rằng mình đang đứng ở đâu trong V-Pop?
Một chỗ đứng đủ cảm hứng để sáng tác, làm việc và nỗ lực không ngừng trong một thời gian rất dài nữa.
- Nhân nói rằng mình thường không màng lắm đến khái niệm ca sỹ teen hoặc không teen, nhưng đối tượng khán giả chính của Nhân lại là các bạn trẻ tuổi teen. Điều này có nằm trong sự chủ động của Nhân không? Nhân có cho rằng đã đến lúc mình nên chuyển hướng sang đối tượng người nghe chững chạc hơn?
Có lẽ khán giả của Nhân là teen nhiều vì âm nhạc của Nhân khá trong sáng và tích cực, ít thấy mắt môi, bi lụy quằn quại. Người sao thì âm nhạc như vậy mà (cười). Tuy thế đôi lần Nhân nghe yêu cầu bài hát của mình trên radio, cũng có nhiều khán giả cũng chững chạc và lớn lắm, đặc biệt là những bài như La La bay lên hay Đêm đom đóm.
Nhân cũng không định hướng khán giả của mình teen hay không teen. Nhân nghĩ mình còn trẻ, âm nhạc viết theo cảm xúc, suy nghĩ của chính mình, thì sự đồng cảm của khán giả trẻ khiến Nhân vui và cũng là điều tự nhiên. Khi mình lớn hơn, âm nhạc dù muốn hay không cũng sẽ thay đổi, khán giả cũng sẽ lớn thêm.
Nhưng Nhân cũng tự tin là âm nhạc của mình vẫn có uy tín và chất lượng được giới chuyên môn khó tính đánh giá tích cực. 2 lần đoạt giải Bài hát Việt, Nhân cũng phần nào muốn chứng minh rằng không phải cứ ca sĩ được khán giả trẻ yêu thích thì hát nhạc dễ dãi nhảm nhí rỗng tuếch, và không phải khán giả trẻ thì hời hợt và nghe nhạc vô tâm. Họ cũng có thể đồng cảm và có những cảm nhận rất sâu sắc với bài hát của Nhân.
- Năm vừa qua là năm nở rộ của những "Thảm họa V-Pop", nhưng những sản phẩm bị coi là "thảm họa" này lại nhận được cổ xúy bởi một lực lượng rất lớn các khán giả trẻ, Nhân nghĩ sao về điều này?
Thực ra Nhân cảm thấy khán chính khán giả trẻ đang thúc đẩy "thảm họa V-Pop", nhưng không phải vì họ cổ xúy nó. Ai cũng lên án, chê bai, dè bỉu thảm họa V-Pop, nhưng cái đó vô tình lại khiến cho thảm họa cứ thế mà tràn lan. Bài hát hay thì mọi người vào, khen hay, rồi chia sẻ cùng nghe. Nhưng quả thực chỉ có thảm họa V-Pop mới có thể làm khán giả nháo nhào, hào hứng chia sẻ chê bai, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy.
- Nhân có nghĩ những thảm họa V-Pop sẽ ngày càng làm ảnh hưởng xấu tới nền âm nhạc Việt Nam không?
Nhân nhận thấy một nghịch lý là, nhiều ca sĩ muốn được nổi tiếng, họ đành chọn cách làm sao để mình bị ghét, để từ đó được chú ý, để ít nhất người ta nghe nhạc mình một lần. Nhân cũng cảm thấy thông cảm cho chuyện đó. Còn chuyện làm ảnh hưởng xấu thì Nhân không nghĩ vậy, Nhân nghe một bài hát Nhân không thích, Nhân sẽ tắt nó đi, vậy là nó chẳng còn ảnh hưởng đến ai nữa.
Nhân nghĩ khán giả chê bai và lên án nhưng vẫn nghe thì thảm họa mới còn đất tung hoành. Đến khi nào mọi người chán lúc đó thì hết thảm họa thôi.
- Là một trong những ca sỹ trẻ có năng lực nhất về khả năng sáng tạo, bạn nghĩ sao về đạo nhạc?
Nhân nghe K-Pop cũng nhiều, nên thấy không phải riêng Việt Nam. Nhạc Hàn nhạc Mỹ cũng được các fan quốc tế mang ra mổ xẻ và so sánh và đặt ra nghi vấn, có cảm giác như đạo nhạc trở thành chuyện... toàn cầu, những cái tên hot nhất như S9 hay Lady Gaga đều dính cả. Nhân nghĩ, bây giờ khán giả ngày càng nghe nhạc nhiều hơn, sẽ thấy được nhiều sự giống nhau hơn trước kia.
Âm nhạc thực ra có 7 nốt, sẽ có những quy luật, và trùng hợp nhất định giữa vô số bài hát từ khắp mọi nơi. Đặc biệt là những phát triển hay, ý tưởng hay mà trùng hợp, tương đồng thì nhiều. Nên trừ phi là đạo nhạc nguyên một bài và vi phạm bản quyền, còn những trường hợp na ná, giống nhau, hoàn toàn có thể là tình cờ. Đạo nhạc hay không, thì hiện giờ những nhận định còn rất mơ hồ, cảm tính.
- Vậy là một ca sĩ theo Nhân thì nên như thế nào với hiện tượng này?
Cũng khó nói lắm. Hát một bài hát của nước ngoài, khán giả nghe thấy, không cần biết ca sĩ mua quyền hát chưa, bài hát của nước nào, cũng là đạo nhạc. Nghe một bài thấy chỗ này giống, chỗ kia giống, cũng có thể nói đạo nhạc. Đôi khi, đạo hay không đạo cũng là ở sự thích hay ghét thôi.
Bản thân Nhân khi sáng tác xong, nhiều khi tình cờ nghe cũng thấy, chỗ này hóa ra mình cũng có ý tưởng tình cờ giống cái này cái kia, nếu thế này thì làm như vậy là đẹp. Chuyện trùng hợp trong sáng tạo thì chắc chắn là có, làm sao để nó không bị nhập nhèm, nhầm lẫn với đạo nhạc thì ở Việt Nam vẫn chưa có, nên giờ Nhân nghe đạo nhạc thì cũng cười xòa, chẳng biết thật hay giả.
Nhiệm vụ của mình thì cứ làm việc một cách cẩn trọng, cầu toàn để khán giả đón nhận thôi, khi khán giả có lòng tin vào Nhân, vào nhạc Việt nhiều hơn thì những trường hợp đạo nhạc cũng không có chỗ đứng, mà những nghi án mơ hồ thiếu chính xác cũng sẽ không còn oan uổng. Nhân nghĩ vậy.
- Có vẻ Đại Nhân khá thích sự tĩnh lặng, thậm chí còn từng tuyên bố không dùng chiêu để nổi tiếng. Điều này có quá đi ngược với showbiz hiện tại không, hay thậm chí tuyên bố này là một kiểu chiêu nào đó?
Đúng là Nhân có nói mình không dùng chiêu, nhưng là không dùng chiêu để nổi tiếng, tức là Nhân sẽ không dùng đời tư, hở hang, lộ hàng hay những chiêu thức phong phú hiện tại để làm cho mình nổi tiếng. Nhưng ví dụ, mùa đông mọi năm Nhân thường ra sản phẩm những bài hát Giáng sinh vui vẻ cùng bạn bè, và đa số các ca sĩ cũng đều làm vậy, nhưng năm nay Nhân lại ra một single Câu chuyện mùa đông với 2 bài hát lãng mạn và hơi buồn, hoàn toàn khác với không khí Giáng sinh của các sản phẩm khác cùng giai đoạn.
Đó cũng là một chủ đích, vì Nhân cảm nhận mùa đông lạnh, ngồi trong chăn nghe những bài hát lãng mạn, buồn buồn cũng sẽ rất hay, đặc biệt là giữa một cơ man những bài hát giáng sinh quá cũ. Và phản hồi từ khắp nơi đó đã là một “chiêu” đúng, cả 2 bài hát lẫn MV Một lần buông tay, Rồi tuyết sẽ rơi đều dẫn đầu về lượt xem trong số các videoclip vào mùa đông năm nay. Rõ ràng là với khán giả, Nhân không hề chủ quan rằng mình cứ thế nào cũng được, hay thì tự khắc sẽ thành công.
Chăm chút suy nghĩ ý tưởng cho sản phẩm âm nhạc của mình cũng là một chiêu, nhưng Nhân thấy vui và hứng thú hơn nhiều so với ngồi tìm chiêu hở này, shock kia chỉ để người ta biết tên, còn sản phẩm âm nhạc thì èo uột. Thời gian đó chăm chút cho âm nhạc sẽ hay hơn nhiều.