"Tự ta biết ta là được rồi" - Anh từng nói lý do: “Tôi phải tạm thời tránh xuất hiện, vì chưa có gì mới”. Nhưng điều này có vẻ vô lý vì anh mốn được coi là “phù thuỷ” của các chiêu trò. Tôi nghĩ là phía sau việc anh “đóng cửa” có nhiều điều chưa từng chia sẻ? Người xưa vẫn muôn đời đúng, khi để lại đời câu nói bất hủ: “Lời nói đâu mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ấy vậy mà tôi vẫn chưa thể nào làm được. Có lẽ lá thư gửi đến các anh chị phóng viên để bày tỏ việc tạm thời vắng mặt của tôi hay tạm thời “đóng cửa” (như lời một số người đã dùng, khi nhắc đến quyết định của tôi) trong một khoảng thời gian vô định đối với các cuộc phỏng vấn mà chúng tôi đã từng hợp tác, là tôi tự thấy mình mới làm được phân nửa câu nói người xưa để lại thôi. Hai chữ "chia sẻ" bạn nói viết cũng ngắn và đọc nghe cũng đơn giản và có thân thiện, nhưng thực tế thì rất khó khăn và không phải tất cả ai ai cũng nhìn nhận đó là chia sẻ cả. Thôi thì tự ta biết ta là được rồi.
- Một nhà báo có tiếng nói với tôi về việc anh “đóng cửa” thế này: “Báo chí không có Mr Đàm buồn chết đi được”. Anh nghĩ sao?
(Cười to) Cho phép tôi cười to để bộc lộ sự sung sướng nhé. Tôi trân trọng gửi lời cám ơn rất chân thành đến nhà báo đó. Tôi chỉ có thể nói rằng, ông ấy là một người rất thời cuộc, rất thực tế và dám sống với những gì mà ông ấy đã lĩnh hội từ nghề báo. Đây là suy nghĩ rất riêng của tôi thôi, mọi người không nhất thiết phải nghe theo, để rồi lại cho phép mình quyền phán xét người khác.
- Anh có cố tình làm cho giới truyền thông thèm khát thông tin về mình? Lần đầu tiên ở Việt Nam có ca sĩ dám ra… "cấm vận" báo chí như anh đấy!
Tôi viết thư gửi đến mọi người, thưa gửi rất trân trọng và nghiêm túc, nếu không muốn nói là quá dễ thương và lịch sự nữa (Cười)
Đôi khi một vấn đề được đặt ra nhưng lại có nhiều cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề khác nhau hoàn toàn, điều này tuỳ thuộc vào kiến thức, nhận thức và trình độ và vốn sống của mỗi người.
- Anh có sợ bị nói là… chảnh không, vì ở Việt Nam, đa số các nghệ sĩ đều rất thích được lên báo? Cho tới giờ phút này, không một phóng viên nào tìm thấy được một chút xíu chảnh nào của tôi trong lá thư. Tôi không đưa ra thời hạn nào chính xác để “mở cửa” hay tiếp tục “đóng cửa”, cho đến khi tôi có những điều muốn nói với khán giả, thông qua các anh chị phóng viên. Tôi không ngại nói với bạn rằng, tôi cũng đã từng rất, rất thích được lên báo. Trong cuộc sống, rồi sẽ đến một thời khắc bạn nhận ra được đỉnh cao của sự bình yên là gì, thì bạn sẽ có những quyết định đúng đắn và không kém phần táo bạo. Lúc đó bạn sẽ lại chạm được chữ tĩnh trong đầu và bạn sẽ đến được cảnh giới cao nhất của sự thú vị khi bạn làm chủ được tình hình.
- Không lên báo thời gian qua, anh có lợi gì? Và cả mặt bất lợi? Tôi vẫn chưa nhận được sự bất lợi nào, dù chỉ nhỏ như viên sỏi mà tôi có thể cúi xuống nhặt dễ dàng ngay trong sân vườn nhà mình. Có điều là tôi không phải thường xuyên thức đến 3, 4 giờ sáng để trả lời qua mail những bài phỏng vấn mà tôi không thể gặp trực tiếp vị phóng viên đó. - Suốt gần 4 tháng qua, anh có lười đọc báo không, vì ít có thông tin về mình? Tôi thật sự không quan tâm, không đọc, không để mất thời gian. Những lúc đó, tâm trí tôi thật nhẹ nhàng. Ước gì cảm giác thoải mái đó là hữu hình, tôi sẽ mang nó ra cho bạn xem lập tức! - Có khi nào vì đọc một thông tin sai lệch về mình, anh tức giận và muốn lên tiếng, “độp” lại, chẳng hạn như chuyện anh hát ở đám cưới của một đại thiếu gia ở Hà Tĩnh vừa rồi? Không! Tôi không quan tâm và không đọc gì rồi mà! À, chuyện hát ở “đám cưới thiếu gia”, tôi rất vui vì nhờ “đóng cửa báo chí” mà tôi được đứng bên ngoài nhìn cảnh báo chí “dí” các ca sĩ như Phi Nhung, Quang Lê để “thẩm vấn” đủ điều (Cười sảng khoái) - Dư luận rất ầm ĩ việc việc anh hát trong đám cưới ở Hà Tĩnh. Lý do anh nhận lời hát ở đám cưới này? Ầm ĩ là do đâu vậy ta? Nếu không có ai đưa tin, giật tít thì nó cũng sẽ trôi qua, vào quên lãng như bao đám cưới khác thôi. Tôi không được phép có những quan hệ xã hội sao? Và tôi cũng không được hát ở đám cưới luôn hay sao? Có ai nhận ra mình đang đi quá ranh giới vì quá rảnh rỗi hay không, khi cứ lên mạng viết bình luận, chửi bới, rồi mất thời gian đoán già, đoán non mọi diễn biến.
- Anh không sợ ảnh hưởng đến tên tuổi đã gây dựng bấy lâu? Anh được cho là một ca sĩ nổi tiếng và giàu có bậc nhất Việt Nam, anh cần gì hát đám cưới để kiếm tiền? Tôi xác định rõ tư tưởng cho mình khi dấn thân vào nghề này: Vì đam mê, yêu nghề, vì khán giả, những người đã nuôi sống tôi hàng ngày và vì nhu cầu cuộc sống của bản thân. Nghề của tôi là nghề hát. Tôi đâu có buôn lậu hay làm gì phạm pháp? Đồng nghiệp của tôi có chồng, cưới vợ, tôi vẫn hát hoài đó, thì sao? Bạn bè và fan ruột, thân thiết của tôi có tiệc, muốn tôi giúp vui, tôi đến hát thì sao? Trên đời này còn một thứ hơn tiền, đó là tình! - Mọi người rất sửng sốt vì mức cát-sê anh nhận ở đám cưới này rất “khủng”. Nhiều người nói rằng “có tiền mua… Mr Đàm” cũng được. Anh thấy sốc không? Tôi cũng nghe rất nhiều, nhiều lắm, kể cả những điều nực cười, lố bịch nữa kìa. Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn thế này: Người ta chỉ có thể mua những thứ thật sự cần, bằng mọi giá, cho dù phải trả thật nhiều tiền, còn những thứ không cần, có cho không, họ cũng không nhận! - Anh nghĩ sao khi có ca sĩ nói rằng, có trả cho họ 1 tỷ, họ cũng không thèm hát ở đám cưới? Tôi không quan tâm. Thiên hạ không phải là những người ngu và tôi tin họ biết cười… - Anh có ấn tượng gì về chú rể và mẹ của chú rể? (Giọng hãnh diện) Cả nhà họ hay có thể nói hơi quá một chút là cả hai bên nội, ngoại của họ là những fan lâu nay của tôi và chỉ thích nghe nhạc nhạc tôi hát. Chúng tôi không phải là những người mới gặp nhau lần đầu để mà ấn tượng hay không ấn tượng. - Dư luận gần đây hay lên án những đám cưới xa hoa. Anh nghĩ thế nào về những đám cưới tốn kém tiền tỷ của đại gia? Có bao nhiêu người lên án? Tôi cần biết con số, nếu là hơn 40 triệu dân thì tôi sẽ cho bạn biết suy nghĩ của tôi. - Lại có nhiều ý kiến rằng, nghề hát cũng là một nghề để kiếm sống, nếu có thu nhập cao thì cứ hát. Hơn nữa, khán giả ở đâu, tầng lớp nào, nếu thích nghe ca sĩ hát, thì một nghệ sĩ chân chính không thể từ chối và phân biệt. Chắc là anh đồng tình với điều này?
Tất cả những người tham dự tiệc cưới là ai? Là khán giả của mình chứ còn gì nữa? Thông thường để mời những ngôi sao có mặt trong tiệc cưới, chủ nhân phải có một động tác thăm dò ý muốn của các thượng khách, xem họ thích ai, muốn được xem và nghe ai hát… rồi họ mới biết đường mà chiều lòng các thượng khách của mình. Đó là chưa kể những giá trị bảo đảm khác từ phía các 'ngôi sao' dành cho các chủ tiệc trong những quan hệ làm ăn của họ khi có mặt của những đối tác tiềm năng nhất. - Nhưng nếu người nghèo, muốn xem trực tiếp Mr Đàm hát, khó lắm, vì giá vé lúc nào cũng cao ngất ngưỡng. Anh có biết điều đó? Khổ quá! Tôi vẫn hát ở các sân khấu bình dân tại TP.HCM và các sân khấu ở miền Tây, miền Trung với giá vé chỉ có 60-100 ngàn và vẫn hát nhiệt tình 7, 8 bài đó thôi. Thậm chí có những chương trình hát xong, tôi còn móc tiền túi ra tặng lại để nhà tổ chức gây quỹ từ thiện nữa. Chuyện rất bình thường và đều đặn mà! - Anh hình dung 20 năm nữa, anh sẽ thế nào? Anh có sợ ngày ánh hào quang vuột khỏi mình? Những huyền thoại nghệ thuật kinh khủng nhất, được cả thế giới phải cúi rạp vì ngưỡng mộ tài năng nhưng rồi cũng phải chấp nhận sự lu mờ dần của ánh hào quang. Tôi chỉ là một nét cọ nhỏ bé trong bức tranh khổng lồ của âm nhạc Việt Nam thì làm sao dám ngông cuồng suy nghĩ viễn vông? Tôi chỉ tuân theo sứ mạng của mình mà thôi. Cầu xin Tổ nghiệp và thượng đế cho tôi biết dấu hiệu của hạn mức vinh quang của tôi ở thời điểm nào để tôi chuẩn bị khăn gói lên đường. - Anh có cảm thấy “mất tự do” vì sự nổi tiếng của mình? Tôi chấp nhận và yêu sự “mất tự do” này đến 10 kiếp sau nữa, chứ đừng nói chỉ có kiếp này! - Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này!