NHẠC » Tin tức

Điều “đau xót” cho bản quyền âm nhạc Việt Nam

Thứ sáu, 17/02/2012 10:06

Trong mấy năm gần đây nhiều chương trình ca nhạc được tổ chức, khán giả đông, giá vé cũng ngất ngưởng, nhưng việc vi phạm bản quyền vẫn rất phổ biến và dường như ngày càng trở nên trầm trọng.

Xung quanh vấn đề này, giám đốc Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn cùng PV Nguoiduatin.vn.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Thưa nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhiều chương trình ca nhạc xuất hiện trong thời gian gần đây nói lên điều gì?

Thực ra sự xuất hiện của các chương trình này là nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả. Ở một mặt nào đó, họ đã góp phần tạo nên sự phong phú trong đời sống giải trí của xã hội.

Việc chấp hành bản quyền của các đơn vị tổ chức này có tốt không?

Nếu mà họ làm tốt thì Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) chúng tôi đã không vất vả như thế này. Có thể nói, bản quyền âm nhạc Việt Nam đang bị xem nhẹ một cách xót xa. Và điều đau lòng hơn nữa là những người đang sử dụng thành quả nghệ thuật đang tỏ ra thiếu tôn trọng tác giả của chúng. Họ cứ ngang nhiên sử dụng, không xin phép, hồ sơ xin phép để xuất bản (hay biểu diễn) cũng không bắt buộc điều này thế nên mới có chuyện nhầm lẫn ca từ, tên tác giả, thậm chí tự ý và cố tình thay đổi lời tác phẩm. Bài hát Về quê của tôi từng được đề tên là nhạc và lời của Trương Quý Hải. Thế có buồn không.

Trong các chương trình biểu diễn thì các ông bầu trí trá, né tránh, chây ì nghĩa vụ bản quyền âm nhạc.

Trốn tránh việc thanh toán tiền bản quyền được xem là vi phạm pháp luật. Nhưng tại sao hành động của các ông bầu này vẫn không được các cơ quan chức năng xử lý?

Vấn đề là ở chỗ đó. 10 năm qua tôi đã có hàng chục văn bản kiến nghị, đề nghị, tham luận gửi đến các cơ quan chức năng về vấn đề này. Tuy nhiên, vì cơ chế làm việc của các cơ quan này còn có quá nhiều điều quan liêu, rườm rà nên cho đến nay vấn đề bản quyền vẫn chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo, nghiêm túc. 

Cụ thể là việc cho phép sử dụng tác phẩm âm nhạc để sao chép là quyền độc quyền của tác giả theo quy định tại khoản 2 điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Do vậy không thể triệt tiêu quyền cho phép của tác giả bằng bản cam kết thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan của đơn vị phát hành xuất bản phẩm. Chỉ cam kết không thôi, đã được giấy phép biểu diễn rồi, biểu diễn xong là các ông/bà bầu xù luôn.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ nỗi bức xúc này!

Nguoiduatin