“Đổi đời” nhờ nhạc online
Có một độ “vênh” rất lớn khi đem so sánh việc phát hành một album nhạc chính thống với một album nhạc online. Nếu như cách làm truyền thống khiến ca sỹ và các hãng sản xuất luôn gặp phải một loạt những khó khăn như chi phí thực hiện tốn kém, khó thu hồi vốn từ việc bán đĩa, tiếp cận với công chúng chưa sâu, rộng... thì việc phát hành online trên các website âm nhạc uy tín lại mang đến hiệu quả cao khi vừa giúp ca sỹ tiếp cận khán giả nhanh, hiệu quả mà lại ít tốn kém nhất.
Chính vì thế, rất nhiều ca sỹ trong làng nhạc Việt từ ca sỹ mới nổi đến các ca sỹ thành danh đều chọn phương thức này như một giải pháp tối ưu và có thể nói, chưa có khi nào các ca sỹ, lại đua nhau phát hành album, single online mạnh mẽ như ở thời điểm hiện tại.
Tiêu biểu nhất có lẽ phải kể đến nữ ca sỹ Mỹ Tâm. Dù có kênh Youtube riêng những ca sỹ gốc Đà Nẵng vẫn định kỳ phát hành các bản MV online sau khi cho ra đời album vol 8 mang tên Tâm, cũng sử dụng hình thức phát hành này. Kết quả là những MV do cô thể hiện như: Cho một tình yêu; Vì em quá yêu anh; Như một giấc mơ... sau khi ra mắt đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt và tạo nên những cơn sốt lớn trong cộng đồng mạng. Cách làm của Mỹ Tâm được đánh giá là khá khôn ngoan khi đi đúng xu hướng của các ca sỹ nổi tiếng trên thế giới là phát hành album trước, sau đó sẽ sản xuất các MV đi kèm để hâm nóng tên tuổi.
Cũng giống như Mỹ Tâm, các ca sỹ tên tuổi như Lệ Quyên, Hồ Hà, Minh Quân, Hiền Thục... thời gian gần đây cũng cho ra mắt các MV, album online như một xu thế tất yếu và đều đạt được những thành công nhất định. Bên cạnh đó, nhiều gương mặt ca sỹ trẻ như Đông Nhi, Bảo Thy, Bích Phương, Noo Phước Thịnh... cũng được xem là những gương mặt thành danh nhờ nhạc online.
Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Thùy Chi – người được mệnh danh là Nữ hoàng nhạc mạng. Thùy Chi bắt đầu nổi tiếng nhờ rất nhiều bản hit như: Xe đạp, Đêm nằm mơ phố, Giấc mơ trưa... Sau đó, khi đã đứng trên các sân khấu lớn như Bài hát Việt, cô vẫn tự tin thể hiện rất thành công những ca khúc khó như: Thành Thị, Khoảng trời của bé, Giấc mơ trưa, Phố cổ... và được khán giả nghe nhạc rất yêu thích. Akira Phan cũng là một trường hợp đặc biệt khi “đổi đời” nhờ MV online.
Trước đó, nam ca sỹ này đã phát hành album chính thức được một thời gian khá dài nhưng không mấy ai biết đến và anh cũng không có chỗ trong các show diễn lớn. Thế nhưng, đưa album lên các trang web âm nhạc anh đã gặp may mắn khi ca khúc Mùa đông không lạnh trở thành “hit”. Với thành công bất ngờ này, tên tuổi của nam ca sỹ đã nhanh chóng nổi như cồn và theo đó, cát-xê của anh từ vài trăm nghìn đồng đã tăng lên hàng chục triệu đồng/sô diễn.
Thế nhưng, điều đáng nói là dù có nhiều lợi thế, việc phát hành MV, album online cũng mang đến nhiều mặt trái không mấy tích cực cho thị trường nhạc Việt đang bát nháo hiện nay.
Lợi bất cập hại
Vấn đề đầu tiên phải nói đến là việc quản lý các sản phẩm âm nhạc online hiện nay còn rất nhiều những lỏng lẻo như khâu kiểm duyệt thiếu gắt gao, thủ tục thực hiện đơn giản mà chưa có biện pháp chấn chỉnh hiệu quả. Một nhà sản xuất âm nhạc có tiếng, hiện đang sinh sống tại phía Nam chia sẻ rằng: “Quá trình cho ra mắt một sản phẩm âm nhạc online rất đơn giản. Ca sỹ không cần phải vất vả “chạy Đông chạy Tây” xin giấy phép phát hành, không phải bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư tiền in đĩa, sau khi sản phẩm đã hoàn chỉnh, ca sỹ chỉ cần vài cú nhấp chuột là album đã có thể đến với khán giả. Nếu thành công thì họ may mắn vì đã đi con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất, còn nếu thất bại thì họ cũng không phải chịu tổn thất nặng nề về chi phí. Tất nhiên, nếu đặt lên bàn cân thì tổn thất về danh tiếng mới là điều đáng quan tâm nhất của các ca sỹ”.
Chính vì kẽ hở tồn tại trong khâu kiểm duyệt này dẫn đến hệ quả là có nhiều “thảm họa” âm nhạc dễ dàng được ra mắt công chúng. Tiêu biểu như sự kết hợp âm nhạc trái khoáy trong Teen vọng cổ của Vĩnh Thuyên Kim; MV Chuyện đó đâu ai ngờ của Ưng Hoàng Phúc câu khách bằng hình ảnh khoe body của chính nam ca sỹ; hay Noo Phước Thịnh âu yếm bạn thân trong MV Chợt thấy em khóc... Lùm xùm nhất phải kể đến việc ca sỹ Hồ Hà bị khán giả yêu nhạc chỉ trích dữ dội vì đưa rượu vào quảng cáo trái phép trong MV Cám ơn cha. Sự việc này khiến cho tên tuổi của nữ ca sỹ “tuột dốc không phanh” suốt một thời gian dài.
Vấn đề thứ hai phải nói đến là vài năm trở lại đây, thị trường băng đĩa gần như đóng băng khi hàng lậu ngày một nhiều và tinh vi hơn. Việc chọn con đường phát hành online cũng là một giải pháp “sống chung với lũ” của ca sỹ để tránh bị “cướp trắng” công sức.
Thế nhưng, nếu các ca sỹ chỉ đua nhau phát hành album online thì thị trường băng đĩa chính thống sẽ bị mất đi sự thăng hoa và dễ chết yểu. Bên cạnh đó, việc đổ xô phát hành nhạc online của ca sỹ trẻ đã gián tiếp tiếp tay cho việc “xài chùa” của người nghe nhạc mà đây vốn là câu chuyện xưa như trái đất ở Việt Nam. Rất nhiều nhà sản xuất và nghệ sỹ từng đau đầu khi những “đứa con tinh thần” sao chép trái phép và bày bán tràn lan trên mạng mà không có biện pháp cứu vãn.
Cuối cùng, vì phát hành qua mạng nên mọi thứ đã được ca sỹ trau chuốt từ hình ảnh đến giọng hát, giấu đi được điểm yếu về kỹ thuật thanh nhạc non kém – vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu của ca sĩ. Thế nên mới có chuyện nhiều ca sỹ “nổi như cồn” trên mạng nhưng khi biểu diễn trên sân khấu thì lại gây thất vọng nặng nề cho khán giả như trường hợp của ca sỹ Hồ Quang Hiếu. Điều đó cho thấy, trong quy luật đào thải khắc nghiệt của thị trường, chỉ những sản phẩm âm nhạc chất lượng của những nghệ sỹ đích thực mới có chỗ tồn tại.