Được đánh giá là chương trình truyền hình hấp dẫn nhất sau mùa thi đầu tiên, phiên bản cuộc thi âm nhạc hàng đầu thế giới - The Voice tại Việt Nam nhanh chóng đánh bật mọi đối dành lấy thị phần khán giả. Những tưởng "đầu xuôi đuôi lọt", nhưng mùa thi thứ 2 của Giọng hát Việt có vẻ như đang lặp lại vết chân của Vietnam Idol khi dần trở thành món ăn khá... nhạt miệng.
Bằng chứng là lượt xem trực tuyến sau mỗi đêm thi tại nhiều bảng xếp hạng trong nước của Giọng hát Việt 2013 đang ngày một giảm, thậm chí đứng sau đối thủ "cùng nhà" là Giọng hát Việt nhí. Phải chăng chính format dài lê thê đã khiến "ông anh cả" chịu khuất phục trước đàn em?
"Cướp" hay "Cứu" thí sinh?
Ngay từ khi mùa thi thứ 2 chưa diễn ra, nhà sản xuất đã bật mí về luật chơi mới "đảm bảo" khán giả sẽ cảm thấy thích thú. Đó là luật giống như phiên bản tại Mỹ, - quyền cướp thí sinh trong vòng khi đối đầu.
Tuy nhiên, khi chương trình được phát sóng, luật Stolen - Cướp thí sinh được nhà sản xuất sửa thành "Cứu" và hiển thị dòng chứ này trên màn hình điện tử. Sau đó, chính bản thân đơn vị sản xuất cũng thường xuyên nhầm lẫn giữa 2 từ "Cướp" và "Cứu". Rõ ràng, nghĩa của 2 từ này rất khác nhau và thực chất, chương trình đang đi theo hướng cứu thí sinh để đảm bảo không mất đi những giọng ca xuất sắc.
Thế nên từ đầu mùa thi tới giờ, chẳng có thí sinh nào bị loại để khán giả tỏ ra ấm ức hay tiếc nuối thay. Còn nhớ năm ngoái, trong vòng đối đầu đầy tính nghẹt thở, khán giả hồi hộp chờ phán quyết cực kỳ khó khăn hiện hữu rõ rệt trên gương mặt từng vị huấn luyện viên. Thu Minh bật khóc ngay trên ghế nóng khi phải loại Quốc Huy để cứu Ngân Bình, Hồ Ngọc Hà loại Trang Quốc Cường - thí sinh nam có những nốt cao chót vót để chọn cô ngựa chiến đường dài Thái Trinh, hay Mr. Đàm "đứt ruột" để hai khủng long Diễm My và Xuân Nghi đối đầu nhau...
Thậm chí ở mùa thi năm nay, không những chẳng có ứng viên sáng giá nào bị loại "đầy bất ngờ" mà còn có những cuộc cứu thí sinh thật khó hiểu, ví dụ như cứu thí sinh vì tình thương?
Chưa kể đến luật chơi này rất dở ở chỗ ghi hình liền mạch như vòng Giấu mặt. Các HLV chỉ được mặc một bộ đồ để tiện cho khâu biên tập, thế nên tính thời trang kém xa năm ngoái. Chưa kể đến việc thiệt thòi cho nhưng thí sinh thi cuối, khi mà cả 4 HLV đã dùng hết quyền cứu trợ, những cặp đôi thi đấu cuối cùng dĩ nhiên là sẽ chẳng còn được ai cứu nữa.
Kết thúc vòng Đối đầu, khán giả sẽ chưa được xem liveshow mà tiếp tục nghe các thí sinh song ca thêm 4 tuần nữa ở vòng Hạ đo ván.
Khâu biên tập "dở tệ"?
Giọng hát Việt 2013 đã trải qua tới... 9 đêm thi nhưng rõ ràng là 2 nữ HLV đang phải chịu rất nhiều thua thiệt so với các đàn em năm ngoái bởi không được "ăn diện" nhiều. Trong khi khán giả luôn tìm kiếm sự mới mẻ ngay từ ánh nhìn thoáng qua, đôi khi họ xem lại một tập thi chỉ để quan sát cách ăn mặc, nói chuyện duyên dáng của một vị HLV hơn là phải chịu ngồi nghe hát từ đầu đến cuộc.
Như đã nói, cách ăn mặc của 4 HLV chịu sự chi phối của khâu biên tập. Nhưng đã bước sang mùa thi thứ 2, khâu biên tập của chương trình ngày một... đi xuống.
Dẫn chứng là ở vòng Giấu mặt, luôn có một bình luận viên âm thanh (khán giả không thấy mặt bình luận viên này) nhằm tăng sức hấp dẫn cho chương trình. Nhưng những câu hỏi của vị HLV này luôn đem đến cho người xem... câu trả lời. Ví dụ như câu: "HLV Mỹ Linh liên tiếp chịu thua cuộc, liệu ở lần đấu tiếp theo, cô ấy có dành phần thắng?" - điều đó đương nhiên khán giả sẽ hiểu là "Có".
Hay việc sắp xếp thứ tự các màn trình diễn, khán giả đã "phát chán" với việc nhà sản xuất luôn đặt tiết mục hay nhất cuối mỗi tập thi. Điều này chẳng có gì sai nhưng dễ mang đến cho người xem tâm lý "biết trước". Ví dụ như ở cả 4 tập Đối đầu đã qua, BTC luôn "ém" tiết mục có HLV sử dụng quyền "Cứu" hoặc có thí sinh nổi trội từ vòng Giấu mặt trình diễn để chiếu cuối cùng.
Khâu biên tập cũng rất khó hiểu ở chỗ dàn trải tới 5 đêm thi Đối đầu, nhưng 3 tập đầu chỉ chiếu mỗi tập 5 tiết mục trong vòng 2 tiếng, còn lại là thời lượng HLV nói chuyện hoặc quay ngoại cảnh, quảng cáo... Riêng ở tập 4, bỗng dưng số tiết mục tăng lên 8 và đây cũng được coi là tập hấp dẫn hơn cả.
Thiếu nhân tố nổi trội
Có thể coi Giọng hát Việt là nơi nhiều người có thể đổi đời chỉ sau... 1 đêm. Đó là trường hợp của Đinh Hương, Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Đồng Lan, Bảo Anh... ở mùa đầu tiên, tiết mục của họ tạo "cơn sốt" ngay khi vừa phát sóng và được cư dân mạng truyền tay nhau ngay sau đó. Năm nay, số nhân tố nổi trội rất hãn hữu, có thể kể đến 3 cái tên dễ nhớ nhất là Hoàng Yến, Nguyễn Hoàng Tôn và Vũ Cát Tường.
Vị HLV có đội hình mạnh nhất và đem đến rất nhiều màn trình diễn "đinh" của đêm là Đàm Vĩnh Hưng, chẳng những ngẫu nhiên thu phục được nhiều "giai đẹp" như Minh Sang, Quốc Huy, Sơn Hải; Mr. Đàm còn sở hữu trong tay 2 cô bé trẻ nhất mùa thi, trong đó có bản sao của Hương Tràm - Ngọc Trâm. Không những thế, anh còn Cứu được một ứng viên sáng giá nhất team Quốc Trung về làm "gà nhà" là Hoàng Quân, chưa kể đã "gạt bớt" hai ứng viên nặng ký là Hà Linh và Cát Tường san sẻ cho đội Hồng Nhung.
Việc các thí sinh sáng giá tập trung rất đông ở đội của Mr. Đàm có thể lý giải một phần nằm ở hiệu ứng của mùa thi năm ngoái. Các thí sinh muốn có một lựa chọn an toàn khi phần nào họ đã hiểu tinh thần, chiêu thức của Đàm Vĩnh Hưng. Trong khi cả 3 HLV còn lại đều có tính chuyên môn cao, có sự cách biệt lớn về tuổi tác và lượng khán giả trẻ cũng không nhiều bằng Hà Hồ, Thu Minh, thế nên như một bài báo đã đưa tin, Mỹ Linh đã có lúc bấm nút chọn cả thí sinh không ưng, cốt cho đủ đội hình 16 người.
Cuộc lên ngôi của Giọng hát Việt nhí
Sự bứt phá của phiên bản cùng nhà là điều dễ hình dung khi Giọng hát Việt nhí khắc phục mọi điểm yếu của "đàn anh". Đây là mùa thi đầu tiên, khán giả thỏa sức lắng nghe những tiếng hát thiên thần, những gương mặt mới toanh dễ dàng "hạ gục" trái tim người xem ngay từ phút giây đầu tiên.
Giọng hát Việt nhí "ăn đứt" phiên bản "lớn" ở chỗ tiết kiệm thời gian cho khán giả. Các cuộc đối đầu tay ba dĩ nhiên căng thẳng và khó đoán hơn, lại không có quyền cứu thí sinh nên khán giả nhiều lần rớt nước mắt cùng các em nhỏ phải ra về sớm.
Các HLV của Giọng hát Việt nhí cũng rất trẻ trung, đáng yêu trong mắt công chúng, cuộc tuyển chọn thí sinh được dàn đều, không có chuyện "đổ xô" về một nhà chứng tỏ sức hút của chủ nhân 3 chiếc ghế nóng tương đương nhau.
Sớm bước vào vòng liveshow trong khi "ông anh cả" vẫn đang mải mê đối đầu và HLV hãy còn mặc bộ đồ đã diện trước đó hàng tháng trời, vòng liveshow Giọng hát Việt nhí có sự đầu tư rất lớn về mặt dàn dựng và chọn bài cho các thí sinh. Ở vòng thi này, nhiều giọng ca thiên thần tiếp tục có cơ hội bứt phá và đem đến cho khán giả những màn trình diễn buộc họ phải xuýt xoa và ngay sau đó lập tức lên mạng tìm nghe lại cho thỏa cơn thèm thuồng. Đó là Nguyễn Quang Anh với Chiếc khăn Piêu, Cao Khánh với Vết chân tròn trên cát hay cô bé Phương Mỹ Chi với những làn điệu dân ca Nam bộ dễ dàng thu phục khán giả.
Vẫn còn sớm để đánh giá sự thành - bại của mùa thi thứ 2 Giọng hát Việt. Nhưng sau một chặng đường đã qua, đặt 2 phiên bản The Voice lên bàn cân, dễ thấy sự vượt trội của phiên bản nhí là điều dễ hiểu. Xem ra đã đến lúc nhà sản xuất cần đưa ra liều thuốc "chống buồn ngủ" cho khán giả lớn để Giọng hát Việt 2013 tìm lại chỗ đứng vốn có của mình.