Sẽ có ý kiến cho rằng, thường những thiên tài sẽ suy nghĩ “già” và “xa” hơn những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Nhưng với một cuộc thi hát, mà đúng hơn show truyền hình tìm kiếm giọng hát Việt nhí có tiềm năng thì sẽ khó lòng mà có “thiên tài” như chúng ta vẫn thường hiểu.
Qua tập 1 của Vòng giấu mặt The Voice Kids, thí sinh cũ trong các cuộc thi khác như Vietnam’s Got Talent, Đồ Rê Mí... đều có, đó không phải là điểm trừ của chương trình, nhưng sẽ là bài học thách thức cho chính các thí sinh nhí và ban biên tập chương trình phải làm sao bộc lộ được sự trưởng thành từng ngày của các tài năng nhí.
Như những gì khán giả mong đợi, 4 huấn luận viên đã rất tươi trẻ, hồn nhiên và gần gũi với các em nhỏ. Tập 1 trải qua không nhiều “sạn” và tạm gọi là hoàn hảo khi ca sĩ Hiền Thục, vợ chồng nhạc sĩ Hồ Hoài Anh – ca sĩ Lưu Hương Giang, nhạc sĩ – ca sĩ Thanh Bùi đã có nhiều tranh luận thuyết phục nhẹ nhàng, để làm sao cho thấy các em phù hợp trong đội nào nhất.
Tuy nhiên, mức độ “phóng đại” trong một chương trình tìm kiếm tài năng như thế này luôn có. Những nhận xét theo kiểu giọng hát của em quá tuyệt vời, em hát quãng cao quá hay, chúng tôi khao khát có được em... liệu có khiến cho các em nhỏ đang đi vào “ảo tưởng” không?
Rõ ràng, các em vẫn chỉ đang ở độ tuổi đi học, tài năng ca hát vẫn như là “thứ yếu” và tương lai sẽ là dấu chấm hỏi hơn là sự xác thực. Bằng chứng, cùng với lớp ca sĩ nhí, Hiền Thục vẫn là người có tố chất thành công nhiều hơn cả, nhưng đến hôm nay điều đó mới được chứng minh. Vậy thì, hãy giữ cho các thí sinh nhí sự “trong sáng” cần thiết để các em có thể hát vô tư, không nghĩ ngợi, ít ra đó mới là những “mầm xanh” trong tương lai.
Mặc dù tiêu chí của The Voice Kids rất rõ ràng là sẽ tìm những ca khúc phù hợp với lứa tuổi các em nhưng ngay trong tập 1 nhiều ca khúc người lớn vẫn được hát. Nhìn quanh các cuộc thi tương tự ở các nước, hiện tượng thí sinh nhí hát ca khúc người lớn vẫn có, khán giả vẫn chấp nhận vì chỉ để giúp các em bộc lộ khả năng ca hát của mình.
Nhưng khi đặt vào thực tế đời sống văn hóa, tinh thần của thiếu nhi trong nước, thì khó lòng được chấp nhận. Khi các chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi ngày ít đi, hiện tượng một em nhỏ cứ nghêu ngao hát nhạc não tình người lớn... thì một sân chơi như Giọng hát Việt nhí lại càng được chờ đợi ở sự trình diễn đúng lứa tuổi, bài hát đúng chất thiếu nhi.
Tại sao không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn “cuồng” Xuân Mai một thời gian dài? Vì Xuân Mai đã hát rất hay những ca khúc đúng lứa tuổi của em, đúng nhạc, đúng lời, đó mới là sự trong sáng cần thiết cho một tài năng nhí.
Vũ Song Vũ, một thí sinh từng được yêu thích ở Vietnam’s Got Talent, khi chọn một tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để trình bày đã mang lại nhiều suy nghĩ khác nhau cho người xem. Biển nhớ là bài hát khó, rõ ràng, dù có hát hay đến đâu thì Vũ Song Vũ vẫn không phải là người hát phù hợp trong thời điểm này.
Có người từng nói, hãy hiểu tác phẩm và tác giả trước khi cất tiếng hát, liệu một cậu bé còn ngồi trên ghế nhà trường như Vũ Song Vũ thì hiểu ra sao về Biển nhớ? Đó chính là vấn đề thời gian, và phần định hướng chọn tác phẩm phía sau, mà có khi gia đình cũng cần can thiệp.
Hay trường hợp của Bùi Huyền Thảo My khi hát Set Fire to The Rain của Adele. Cô bé tuổi teen này cũng là gương mặt thành công ở Đồ rê mí và một số cuộc thi khác. Chọn một ca khúc khó và nổi tiếng của Adele là dịp để em cho thấy tài năng của mình.
Như Vũ Song Vũ, Thảo My có thể nói hát khá, biết cách phát âm và luyến láy nhưng vẫn chưa thật sự “đã” như chính tuổi trẻ mà em đang có. Thảo My đã sửa giọng mình nhiều quá khiến cho bài hát mất tự nhiên và dễ dàng đưa người nghe vào trạng thái không thoải mái khi đặt mình trong một sân chơi thiếu nhi như thế này. Và đây là tình trạng chung của nhiều thí sinh ở tập 1 Vòng giấu mặt.
Ngoài chuyện chọn bài quá người lớn thì chuyện các em nhỏ lạm dụng việc hát tiếng Anh cũng cần được xem xét. Có thể thấy đa phần các em đều xuất thân trong các gia đình khá giả, thậm chí nhiều em được học ở các trường quốc tế nên việc tiếp xúc với tiếng Anh sớm là điều rất tốt.
Tuy nhiên, với một sân chơi cho trẻ em thiết nghĩ chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hướng các em đến yếu tố thuần Việt là điều nên làm. Chuyện lạm dụng hát tiếng Anh ở The Voice từng khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều và sau đó ban tổ chức đã phải “sửa sai”.
Giọng hát Việt nhí vẫn dễ thương, vì cơ bản sân chơi này vẫn hấp dẫn người xem vì sự hào hứng qua từng vòng thi hoàn toàn khác nhau. Chương trình đã cho thấy sự dàn dựng, chuẩn bị công phu cho từng thí sinh khi bước ra sân khấu. Từ trang phục đẹp, cách dẫn chuyện hóm hỉnh của Trấn Thành, ca sĩ Thanh Thảo... Giọng hát Việt nhí đã mang màu sắc mới cho các cuộc thi hát nhí hiện nay.
Nhưng sự “trong sáng” mà khán giả mong chờ ở cuộc thi, các thí sinh và nguồn ca khúc mà các em sẽ hát rất quan trọng. Dù sao, ngay tại thời điểm này, tài năng ca hát của các em cũng chỉ là “hạt mầm” cần “vun trồng” một cách kĩ lưỡng.