NHẠC » Tin tức

Giọng Hát Việt: Thi tiếp làm gì nữa?

Thứ ba, 06/11/2012 13:29

Đã tới lúc những gương mặt sở hữu lượng fan hùng hậu như Bùi Anh Tuấn có thể kê cao gối ngủ yên, bởi giờ đây các thí sinh này đã được "chống lưng" bởi những tin nhắn ồ ạt gửi về trước cả khi họ có phần thi chính thức.

Vòng liveshow của The Voice - Giọng hát Việt đánh dấu sự xuất hiện của vị giám khảo thứ 5 – người nắm trong tay quyền quyết định vận mệnh của thí sinh thông qua lượng tin nhắn bầu chọn. Tuy nhiên, dường như thể thức một đêm thi, một đêm công bố kết quả đang khiến khán giả trở nên mệt mỏi vì sự dài dòng, The Voice đã quyết định "đốt cháy giai đoạn" để chiều lòng người xem.

Theo đó, từ đêm liveshow thứ 5, ngay sau khi biểu diễn phục vụ quần chúng, các chiến binh sẽ được trao luôn “giấy báo tử” hoặc “giấy thông hành”. Sự rút ngắn của The Voice là cần thiết bởi sau vài tháng lên sóng, cuộc thi âm nhạc này vẫn chỉ “bò” tới top 20 (trong khi Vietnam Idol đã nhanh chóng đi vào top 8 dù khởi động sau khá lâu).

Dù vậy, cuộc đua tin nhắn vẫn kéo dài trong một tuần, đồng nghĩa với việc khán giả có quyền bầu chọn trước cả khi thí sinh biểu diễn. Riêng lần này, The Voice tạm nghỉ để nhường sân cho Bài hát yêu thích nên các fan của hai đội Hà Hồ, Mr Đàm có tới hai tuần thỏa chí “cung phụng” tin nhắn cho nhà đài.

Fan của hai đội Hà Hồ, Mr Đàm có tới hai tuần “cung phụng” tin nhắn cho nhà đài.

Điều lệ trên đã khiến không ít người phải nhíu mày ngạc nhiên bởi các thí sinh chưa trình diễn đã nhận được sự bình chọn của người xem. Và câu hỏi đặt ra: Ngoài đội quân fan tinh nhuệ, ai sẽ là người chịu bỏ tiền nhắn tin dù chưa cần xem phần thi của thí sinh ?

Nếu như thế, cái mà The Voice đang “đỡ đầu” không phải là tài năng âm nhạc thực sự như những gì chương trình này thường rêu rao. Bóc dần lớp vỏ mỹ miều kia, đơn thuần chỉ còn lại một cuộc chạy đua tin nhắn vô thưởng vô phạt giữa các FC. 

Thực ra, bất cứ show truyền hình nào cũng có sự “nhúng tay” cần thiết của tin nhắn bình chọn. “Có thực mới vực được nhạc”, chân lý này tới từ cả Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent. Nhưng The Voice đang chứng minh sự “hậu sinh khả úy” bằng việc “khai trương thể thức chưa làm đã có cái ăn”.

Thế là những gương mặt vốn sở hữu lượng fan hùng hậu như Bùi Anh Tuấn,Hương Tràm, Hằng Bing boong, dù có sảy chân hát dở hát kém trong đêm thi chính thức cũng không lấy gì lo lắng khi họ đã được “chống lưng” từ trước đó cả tuần.

Hay chăng, The Voice đang quán triệt quyên tắc "Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi" và nhiệm vụ tối ưu của chương trình là phải bảo vệ cho cái "đẳng cấp đông fan" của một vài gương mặt? Nhưng nếu đã lên được một đẳng cấp nhất định, sao còn lặn lội ở một gameshow truyền hình chỉ để mang danh hai từ "thí sinh"?

Những thí sinh đông fan có thể kê cao ghế ngủ yên dù có hát hay hát tệ ở đêm thi chính thức

Đặt lên bàn cân, 15 phút bầu chọn cuối đêm thi nếu so sánh với 10080 phút tương đương 7 ngày trước đó chỉ như "muối bỏ bể". Có chăng, chút thời gian đó chỉ là sự mong manh hy vọng cho những gương mặt vốn chưa có nhiều fan nhưng may mắn bứt phá trong đêm thi.

Trúc Nhân trong liveshow thứ 5 có thể xem là một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này. Song dù tỏa sáng và đột phá hơn Hương Tràm, lượng tin nhắn bình chọn của anh chàng "tắc kè hoa" vẫn chỉ bằng một nửa so với cô gái 17 tuổi.

Trúc Nhân dù bứt phá mạnh mẽ vẫn chỉ có số phiếu bầu bằng một nửa Hương Tràm trong đêm liveshow thứ 5

Thiết nghĩ, nếu The Voice vẫn tiếp tục cách thức bình chọn như hiện nay, chương trình này đâu cần phải “bôi” thêm liveshow thứ nhất, thứ hai, thứ n? Hãy cứ tổ chức một buổi tổng kết thí sinh nào nhận được nhiều tin nhắn nhất và trao luôn danh hiệu ông hoàng, bà chúa, á hậu 1, á hậu 2.

Bởi chương trình đã cho khán giả đặc quyền cầm điện thoại bầu chọn mà không cần nhìn vào chất lượng các phần thi, giống như một cách “hạ bệ” tầm quan trọng của cái gọi là “giọng hát Việt” trong cuộc thi đã từng được nghĩ là chuyên môn về âm nhạc này.

Megafun