“Lễ Valentine vừa rồi, cô Mỹ Tâm nhận cát-sê 80 triệu/tối, cô Văn Mai Hương mới 17 tuổi, còn đang là học sinh, nhận cát sê 55 triệu/ hai tối... Vậy mà các nhạc sĩ như chúng tôi đây có bao nhiêu bài hát được sử dụng quanh năm thì có được xu nào? Cục NTBD cấp phép cho bao show diễn mà có cần sự đồng ý của chúng tôi đâu!”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bức xúc.
Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, cho biết, năm 2011, chỉ gần 10% số chương trình biểu diễn trả tiền cho nhạc sĩ, hơn 90% còn lại coi như mất trắng.
“Cấp phép sai phải bị bỏ tù”? Việc cấp phép biểu diễn của Cục NTBD hiện nay bị các nhạc sĩ cho là “tréo ngoe”, “ngáng trở trầm trọng việc bảo hộ quyền tác giả, giúp các cá nhân và tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực âm nhạc trốn tránh nghĩa vụ luật pháp”. Đó là: BTC chương trình chưa trả tiền tác quyền nhưng vẫn được cấp phép biểu diễn. Vẫn những điều các tác giả đã “gõ cửa” cầu cứu khắp nơi, từ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho tới đại biểu Quốc hội... nhưng đến nay, mọi việc vẫn như cũ.
Nhạc sĩ Hoàng Dương đề xuất việc thuê luật sư trợ giúp về mặt pháp lý, bởi các nhạc sĩ không thể cãi được và ông cho hay, các nhạc sĩ già sẵn sàng góp kinh phí đầu tư để theo đuổi bảo vệ quyền lợi.
Lấy “vụ anh Vươn” làm kim chỉ nam cho hành động, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng cần phải làm vụ đột phá, “tấn công” thẳng vào “người đóng dấu đỏ”, tức Cục NTBD, lúc ấy, người ta mới thực sự chú ý và giải quyết rốt ráo sự việc.
Trong khi đó, nhạc sĩ Huy Thục còn chỉ ra thêm, những buổi biểu diễn ở các hội nghị, sự kiện, các “cai đầu dài” cũng đương nhiên quỵt tiền mà không ai phạt. “Chúng tôi sáng tác ra chỉ để làm giàu cho họ, ai dung túng cho các cai đầu dài? Đó chính là Cục NTBD”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khẳng định.
Mạnh mẽ hơn cả, nhạc sĩ Hoài Thái phát biểu: “Đã đến lúc ai cấp phép sai phải bị phạt về kinh tế, hoặc thậm chí phải bị bỏ tù!”.
Cục “át vía” Sở! Cách đây 30 năm, các nhạc sĩ từng tụ họp với nhau để định giá cho các ca khúc của mình, yêu cầu các đoàn văn công, nhà hát phải trả tiền tác quyền. Nguyên Phó GĐ Sở Văn hóa HN, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh so sánh nhạc phẩm của mình cũng giống như bất kỳ sản phẩm nào, thậm chí “cuộn giấy vệ sinh còn có giá, huống chi ca khúc”. Ông thốt lên: “Chúng tôi là người làm ra sản phẩm, phải có quyền định giá cho tác phẩm của mình chứ!”. Cùng bày tỏ sự bất bình này có các tác giả Đinh Quang Hợp, Thế Song, Hoàng Vân, Văn Dung, Hồ Quang Bình, Lê Gia Hiếu, Nguyễn Trọng Tạo...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng “gần lửa rát mặt”, Cục NTBD và Sở VHTT&DL Hà Nội đều “đóng” trên địa bàn Hà Nội, do đó, Sở VHTT&DL Hà Nội không dám làm gì trước quyết định sai của Cục. Ông cũng cho hay, trong cùng một nước nhưng Sở VHTT&DL TP.HCM lại thực thi rất nghiêm túc việc bảo hộ quyền tác giả. Họ đã quán triệt từ nhiều năm nay, nếu không có hóa đơn nộp tiền tác quyền thì dứt khoát không cấp phép. Thậm chí, Sở này còn phát động thi đua giữa các quận huyện về vấn đề kiểm soát thực hiện bản quyền tác giả. Các nhạc sĩ thống nhất với nhau ký vào một văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng để phản đối Cục Nghệ thuật biểu diễn và các Sở địa phương đã cấp phép cho tổ chức biểu diễn mà không nhận được sự đồng ý của các tác giả. Ngay trong sáng 16/2, hơn 30 nhạc sĩ đã ký vào lá đơn này.
Cục không làm sai! Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cho biết, hiện sự phân cấp khá rõ ràng, Cục NTBD có chức năng cấp phép cho đơn vị thuộc cấp trung ương, còn Sở VHTT&DL cấp phép cho các đơn vị địa phương. Quyền tác giả, gồm tác quyền về âm thanh, ánh sáng, múa, biên đạo, đạo diễn… nếu chỉ quy định có bản quyền tác giả tác phẩm âm nhạc mới được cấp phép là trái với quy định. Hiện tôi vẫn chưa nhận được thông tin các nhạc sĩ phản ứng. Cục NTBD khuyến khích bên tổ chức cần thỏa thuận bản quyền tác giả. |