13 năm, Hồng Nhung trở lại Hà Nội đúng nghĩa với sự tròn đầy về sự nghiệp và hạnh phúc riêng tư cùng 1 show diễn lớn mà giản dị, dành cho những người thân, luôn yêu mến và dõi theo con đường của Bống, dù con đường ấy, có lúc gập ghềnh, lúc bằng phẳng, lúc bàn chân như phân vân không muốn bước, lúc tung tăng giữa những dải phố vàng ươm nắng tươi.
Và Hồng Nhung đã hát, bắt đầu sự trở về của mình, trong bộ áo dài trắng tinh khôi, bóng dáng nhỏ nhắn như con gái 18, cùng Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Có phải em mùa thu Hà Nội (Trần Quang Lộc). Hai ca khúc này, đặt dấu ấn tên Bống, góp phần định vị cho sự nổi tiếng của ca sĩ và hiếm ai, hát hay được như cô ca sĩ này. Có lẽ là bởi vì, Hồng Nhung dù đi xa, vẫn một lòng hướng về mảnh đất đã sinh ra mình, nuôi nấng tuổi thơ và đưa cô lên những nấc thang thành công của sự nghiệp. Như Bống nói, cô cố giữ cốt cách của một người con gái Tràng An với một niềm tự hào luôn thường trực. Ký ức về tuổi thơ của Bống, vẽ ra bằng những ca khúc, lúc nhí nhảnh hồn nhiên, khi miên man nỗi niềm. “Những buổi trưa hè nắng chói chang, tôi thường không ngủ, chơi với lũ trẻ trong ngõ, nhưng chẳng có một trò chơi nào không gây ra tiếng động khiến người lớn mắng. Vậy là tôi nghĩ ra một trò mà chẳng đứa trẻ nào nghĩ đến thời gian đó, nghịch nắng. Đó cũng là khi tâm hồn biết cất lên những rung động đầu tiên”. Hồng Nhung kể về tuổi thơ của mình rồi hát Nghịch nắng (Lưu Hà Anh viết riêng cho Bống), một cách rất riêng như thế. Và rồi, cô tung tẩy với những ngõ nhỏ, phố nhỏ, của những cơn mưa phùn rả rích chạy trên những ô tường rêu, hòa mình vào dòng chảy của người Hà Nội, những người lao động cùng với ca khúc Phố cổ (Nguyễn Duy Hùng).
Sau đó, Hồng Nhung thể hiện một loạt các ca khúc quen thuộc của mình. Show diễn được chia làm 3 mảng, “những ca khúc kinh điển của Hồng Nhung”, những ca khúc mới và những ca khúc hợp với phong cách của cô. Với bài hát nào, cô Bống cũng nhận được những tràng vỗ tay dài hưởng ứng, tràn đầy cảm xúc. Cung Hữu nghị Việt Xô đã có một đêm tràn ánh sáng của sân khấu, của đèn laze và của tình người Hà Nội. Trong số các ca khúc ấy, có thể kể đến những ca khúc kinh điển, tạo nên tên tuổi của Hồng Nhung như Hương xưa (Cung Tiến), Cho em một ngày, Vẫn hát lời tình yêu, Họa mi hót trong mưa, Phố mùa đông (Dương Thụ), Giọt sương trên mi mắt (Thanh Tùng), Lời của gió (Duy Thái). Rồi Hồng Nhung hát những ca khúc mới, trẻ trung nhưng đầy thuyết phục và phù hợp với giọng ca của Diva như Papa (viết chung với Thanh Bùi và Dương Khắc Linh), Một ngày mới (Huy Tuấn). Và tất nhiên, không thể thiếu những ca khúc của Trịnh Công Sơn như Này em có nhớ, Bống không là Bống, Thủa Bống là người… Những ca khúc đã đem người ta trở lại thời ký ức xa xưa, đẹp đẽ trong âm nhạc đầy chất tĩnh của Trịnh ca. Các ca khúc dù đã xưa cũ, nằm trong một góc nào đó trong ký ức của người yêu nhạc Hà Nội đều được phối khí lại, mới mẻ hơn. Đặc biệt, vừa vặn với giọng hát của Hồng Nhung. Màu sắc âm nhạc đa dạng, cộng thêm cách hát đa dạng, không làm khán giả bị lê thê từ ca khúc này sang ca khúc khác, cảm thấy mệt mỏi. Mặt khác, cách chia phần các ca khúc cũng rất rõ ràng.
Hồng Nhung phải nói là người hát khéo và tinh tế, chị đón được cảm xúc của khán giả, biết đẩy cao trào, nhưng cũng có những lúc hát nhỏ điệu nghệ. Hát không nhạc cụ ở cuối bài, đôi khi làm nền chỉ là tiếng guitar mộc, hay sử dụng những đoạn “căng” với trống solo, Hồng Nhung đều thực hiện rất thuần thục và tự nhiên. Khách mời duy nhất của show diễn, một người em, người đồng nghiệp thân thiết của Hồng Nhung, diva Mỹ Linh cũng không ngớt lời khen tặng cho đàn chị. Ngoài những ca khúc hát chung như Trở về (Dương Thụ), Như một lời chia tay (Trịnh Công Sơn), Lời mẹ ru (Trịnh Công Sơn) với cái nắm tay nhau thật chặt và cùng thăng hoa với những nốt nhạc bay bổng. Ngày hôm nay, với sự hạnh phúc trọn vẹn, Mỹ Linh nói hạnh phúc khi được làm bạn với chị Bống. Và cô cũng dành tặng cho người mẹ của hai cục cưng thơ ngây mới ra đời 2 ca khúc về tình mẫu tử là Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Lời mẹ hát (Anh Quân – Mỹ Linh). Mỹ Linh với lối hát kỹ thuật mà đầy cảm xúc, tất nhiên cũng đã mê hoặc được khán giả. Đặc sản về âm thanh, ánh sáng của In the spotlight vẫn tiếp tục được ngợi khen sau nhiều chương trình.
Bống sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà số 11 Điện Biên Phủ (Hà Nội), học trường cấp 3 Hoàng Diệu, vẫn mãi là một con Bống nhỏ ở Hồ Tây. Với Hồng Nhung, ký ức không thể lấy lại được, nhưng sẽ không bao giờ mất đi, bởi chị lưu giữ trong lòng. Đến với đêm nhạc, có bạn bè cấp 3 của Hồng Nhung, giờ mỗi người một số phận, một đời sống nhưng vẫn dành cho nhau tình cảm và lưu giữ những ký ức đẹp. Đặc biệt, người thầy giáo già cấp 3 mang hoa đến tặng cho cô học trò nhỏ của mình. Mấy chục năm trôi qua, họ vẫn giữ liên lạc với nhau. Hồng Nhung nói, giờ thầy đã hơn 70, tóc đã bạc trắng đầu nhưng đôi mắt vẫn long lanh dõi theo bước đường của học trò. Cô biết ơn thầy với những tình cảm đặc biệt. Còn người thầy thì rưng rưng ôm lấy Hồng Nhung, một người học rất giỏi và sống rất tình nghĩa. Và cứ thế, nhiều người không kìm được cảm xúc. Và cũng cứ thế, Hồng Nhung chảy tràn nước mắt trong hạnh phúc. “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”, giọng hát trong trẻo cất lên để khép lại chương trình như một lời chia tay. Ở phía dưới, khán giả vỗ tay không ngớt, không chịu ra về đòi Bống hát tiếp dù đã nghe cô hát gần 3 tiếng. Mỹ Linh nói đúng, “Hồng Nhung đêm qua hạnh phúc nhất” nhưng chưa đủ vì hạnh phúc ấy đã được sẻ chia cùng khán giả thủ đô. Một số hình ảnh trong đêm diễn Hồng Nhung in the spotlight - Có phải em mùa thu Hà Nội: