Tối qua, khán giả đã được thưởng thức một không gian âm nhạc tràn ngập những cảm xúc lãng mạn về tình yêu giữa mùa thu Hà Nội với chương trình “Giọt sương thu – Tình khúc Trịnh Công Sơn – Phạm Duy”.
Khánh Linh mở đầu đêm diễn với những tình khúc “vượt thời gian” của Phạm Duy. Giọng hát trong trẻo và cao vút của nữ ca sĩ Họa mi hót trong mưa đã đưa khán giả chìm vào với những hoài niệm về tình yêu trong những bản tình ca của Phạm Duy. Thời gian gần đây, Khánh Linh không thường xuyên xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc nên đêm qua, cô đã khiến nhiều khán giả bất ngờ với vóc dáng thướt tha, dịu dàng trong tà áo dài trắng.
Biểu diễn ở “vị trí vedette” để khép lại đêm diễn, Hồng Nhung được khán giả Thủ đô mong đợi và cổ vũ bằng những tràng pháo tay không dứt. Chị Bống xuất hiện trong chiếc áo dài cách điệu bằng ren đen và quần âu cùng màu, tóc búi kiểu xưa trông vừa lạ vừa quen. Vẫn như nhiều lần hát nhạc Trịnh trên sân khấu, Hồng Nhung luôn xen giữa các bài hát là câu chuyện về những kỷ niệm mà chị từng có hoặc từng biết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Đêm qua, trước khi cất lên giai điệu Tuổi đá buồn, Hồng Nhung kể rằng, đây là bài hát mà Trịnh Công Sơn viết về một người con gái không hề quen biết. "Chiều chủ nhật nào ông cũng bắt gặp một người con gái mặc áo trắng cầm theo một đóa hồng đến giáo đường. Người nhạc sĩ đã tưởng tượng cô gái đến giáo đường để cầu nguyện cho tình yêu của mình... Và khi còn sống, ông từng ước xây dựng được một giáo đường tình yêu để ai muốn thì có thể cầm hoa hồng đến đó cầu nguyện cho tình yêu của mình nhưng tiếc rằng ông chưa kịp làm điều đó".
Cách dẫn dắt khán giả vào bài hát của Hồng Nhung vẫn khéo léo như thế và đến khi chị cất tiếng hát: “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn em mang em mang, đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn....” thì cả khán phòng như lặng đi trước những lời ca và giai điệu quá hay của bài hát. Một bản phối đơn giản, mộc mạc cho nhạc phẩm này càng làm tôn lên giọng hát đầy cảm xúc của Hồng Nhung. Sau đó, chị lại đầy ngẫu hứng với Ru tình cùng nhạc sĩ saxophone Hồng Kiên và tất nhiên phải có thêm Nhớ mùa thu Hà Nội nữa mới là đủ trong một chương trình ca nhạc chủ đề về mùa thu như thế này.
Phần song ca Phôi pha và Ngẫu nhiên giữa Hồng Nhung và Quang Dũng cũng dành được nhiều tình cảm của khán giả. Hai ca khúc này đã rất quen thuộc với khán giả yêu nhạc Trịnh nhưng đêm qua, trên sân khấu Giọt sương thu, giọng hát của Hồng Nhung và Quang Dũng hòa cùng một bản phối rất mới mẻ, khiến cho hai ca khúc này nghe quen mà lại có gì đó là lạ. Ngoài ra Quang Dũng còn thành công với Hạ trắng (Trịnh Công Sơn) và hai ca khúc Rồi mai anh sẽ đưa em về nhà, Yêu là chết trong lòng của Phạm Duy.
Tiếng hát tích tụ cả những giông bão trong tình yêu của Thanh Lam (theo cách giới thiệu của MC Chiến Thắng) được thể hiện qua Kiếp nào có yêu nhau của Phạm Duy với một bản phối theo phong cách rork. Còn Tiến thoái lưỡng nan, bài hát cuối cùng của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn lại được chị thể hiện theo phong cách đậm “chất Thanh Lam”: bản năng, phiêu và hết mình.
Mỹ Tâm hát Ru đời đi nhé, Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn theo cách riêng của cô, không giống và không “lây” với cách hát của những ca sĩ đã từng hát trước đó. Điều này có thể làm cho một số khán giả chung thủy với nhạc Trịnh, quen nghe những ca sĩ đã khẳng định tên tuổi với nhạc Trịnh chưa thích nhưng mặt khác, cách thể hiện của Mỹ Tâm mang đến những cảm nhận mới mẻ về nhạcTrịnh. Cùng góp mặt trong chương trình,Tấn Minh thể hiện Nghìn trùng xa cách và một số ca khúc khác của Phạm Duy trong phần đầu chương trình. Anh còn đặc biệt gây ấn tượng qua phần thể hiện ca khúc Lặng lẽ nơi này (Trịnh Công Sơn). Phụ trách phần âm nhạc của chương trình, nhạc sĩ Huy Tuấn cùng ban nhạc Anh em đã cống hiến những bản phối đầy màu sắc góp phần rất lớn tạo nên thành công cho tiết mục của các ca sĩ trên sân khấu. Giọt sương thu sẽ tiếp tục đêm diễn thứ hai vào 20h tối nay tại Cung Việt - Xô (Hà Nội).