Không tận dụng sức mạnh của các công cụ truyền thông
Youtube không chỉ là một kho lưu trữ âm nhạc. Ca sĩ còn có thể biến kênh của mình trên Youtube thành một ngôi nhà âm nhạc bằng cách phát triển khán giả, xây dựng người hâm mộ gắn bó và thiết lập lịch trình để sử dụng chủ đề xu hướng và sự kiện lớn. Rõ ràng, Youtube đang là công cụ phổ biến và hữu hiệu nhất giúp ca sĩ đến gần hơn với khán giả tại không chỉ Việt Nam mà ngay cả nhiều quốc gia trên thế giới.
Hầu hết các làng nhạc trên thế giới hiện nay đều sử dụng Youtube để đăng tải MV. Không nói đâu xa, ngay nước bạn trong cùng khu vực với Việt Nam là Hàn Quốc cũng đang tận dụng rất tốt ưu thế của Youtube. Kpop phát triển và vươn xa tới nhiều quốc gia như vậy một phần đóng góp không nhỏ đến từ sức lan tỏa của Youtube. MV có lượt xem khổng lồ nhất thế giới (2,1 tỷ) là Gangnam Style cũng được đăng tải trên Youtube.
Một trường hợp khác cho thấy sức mạnh của YouTube đó chính là SM Ent. Theo đó, thay vì tạo cho mỗi nghệ sĩ, nhóm nhạc trực thuộc một kênh riêng, công ty này lại gom tất cả fan của các thần tượng vào một kênh chung mang tên SMTOWN. Chính vì vậy, để theo dõi thần tượng, tất cả các fan của SNSD, EXO, Super Junior… đều phải tập trung vào kênh này. Nhờ đó, SM dễ dàng kiếm được hơn 5 triệu người theo dõi. Với số người theo dõi khổng lồ như trên, mỗi khi SM tung ra MV mới, kể cả sản phẩm của một tân binh chưa có người hâm mộ thì lượt xem cũng vẫn tăng đáng kể theo từng giờ.
Đáng tiếc, ở Việt Nam, Youtube chưa thực sự phổ biến. Thay vì tập trung xây dựng kênh Youtube của riêng mình và thu hút lượng người theo dõi kênh đó, các ca sĩ Việt lại quan tâm hơn tới việc đăng tải video lên các trang nghe nhạc trong nước, nơi có sức lan tỏa không cao bằng những trang quốc tế như Youtube.
Trong chặng đường ca hát của mình, Đông Nhi đã ra lò rất nhiều MV, trong đó, hầu hết đều là những sản phẩm chất lượng, được đầu tư một số tiền khổng lồ và kèm theo đó là không ít công sức, thời gian. Thế nhưng, khi "mò" lên kênh Youtube chính thức của Đông Nhi, những MV đáng nhớ như Sau mỗi giấc mơ, Tìm về… đều “mất tích”.
Mỹ Tâm đang là một trong những cái tên ít ỏi của Việt Nam quan tâm đến kênh truyền thông hữu hiệu này. Sau khi sở hữu kênh riêng trên Youtube, Mỹ Tâm liên tục lập kỷ lục khi tung ra những MV mới. Chỉ đúng 1 ngày cho ra mắt, với lượt xem gần 200.000, MV Em phải làm sao của Mỹ Tâm đã lọt vào Top 8 Video ca nhạc được xem nhiều nhất trong ngày trên YouTube toàn cầu và nằm trong Top 2 Most Popular Music Video (Video ca nhạc phổ biến nhất). Ngoài ra, MV Em phải làm sao còn có mặt trong Top 14 MV được yêu thích nhất trong ngày trên bảng xếp hạng Youtube thế giới. Đây là kỉ lục mà ca sĩ Việt Nam đầu tiên đạt được.
Không có nhiều sân chơi âm nhạc
Thêm một điểm khác biệt giữa âm nhạc Việt với Kpop, Âu Mỹ hay thế giới đó chính là sự thiếu vắng các sân khấu âm nhạc và đặc biệt là các lễ trao giải âm nhạc trên sóng truyền hình.
Ở Kpop, chỉ trong 1 tuần, ít nhất 5 chương trình âm nhạc diễn ra và được phát sóng trên sóng truyền hình nhưMusic Bank, Music Core, Show Champion, M! Countdown, Inkigayo. Dù có chung một hình thức biểu diễn, nhưng với cách trao giải khác nhau, các chương trình nói trên đã giúp khán giả tìm ra những ca khúc đang được yêu thích nhất trong suốt 1 tuần vừa qua. Điều quan trọng hơn, đây còn là sân khấu để các ca sĩ vừa comeback trình diễn và quảng bá ca khúc của mình tới gần hơn với khán giả. Nhờ đó, từ sao kỳ cựu cho tân binh, ai cũng có cơ hội biểu diễn trên sóng truyền hình và tiếp cận khán giả.
Trái với Kpop, nước ta hoàn toàn vắng bóng những sân khấu như vậy. Tất nhiên, các ca sĩ Việt vẫn tìm cách quảng bá ca khúc mới tại một số sự kiện âm nhạc hay các phòng trà. Tuy nhiên, ai cũng có thể thấy rằng sức mạnh của một sự kiện âm nhạc không thể lớn bằng sự lan tỏa của các chương trình truyền hình.
Không chỉ những giải thưởng nhỏ mà ngay đến những lễ trao giải hàng năm của nước ta cũng khiêm tốn hơn nước bạn.
Quá trình quảng bá
Cách đây không lâu đã có một bài viết nói về quá trình phát hành album hay MV tại Kpop, Âu Mỹ hay một số làng nhạc khác trên thế giới. Điểm đáng chú ý là mỗi khi chuẩn bị tung ra sản phẩm âm nhạc mới, ca sĩ trong những khu vực nói trên luôn tính toán rất kỹ lưỡng và rõ ràng. Thời điểm nào comeback thì thích hợp? Khi nào tung teaser, video teaser? Khi nào xuất xưởng MV… Tất cả câu hỏi trên đều được đội ngũ quản lý của ca sĩ vạch ra một cách rất cụ thể và chỉ chờ đến ngày đã lên lịch, họ sẽ tung ra những chiêu thức của mình nhằm thu hút sự chú ý của khán giả.
Có thể tóm tắt quá trình để tung ra 1 MV hay album mới như sau: Tung ảnh teaser (với nhóm nhạc thì mỗi ngày tung teaser của 1 thành viên), video teaser, danh sách ca khúc trong album và phát hành MV hoặc album. Dù là một mini album, album hay đơn giản chỉ là một MV, ca sĩ nước ngoài cũng dễ dàng khiến tên tuổi của mình xuất hiện liên tục trong suốt một thời gian dài trên các phương tiện truyền thông bằng cách thực hiện theo quy trình trên.
Có lẽ do sự khác biệt về quá trình và thời gian phát triển nên rất ít ca sĩ Việt có các bước comeback bài bản và rạch ròi như ca sĩ ngoại. Đối với ca sĩ Việt, phát hành sản phẩm mới đơn giản chỉ là thông báo một lần qua trang cá nhân hay fanpage rồi chờ đến ngày đã thông báo, chọn giờ đẹp và tung ra sản phẩm mới một cách bất ngờ, đột ngột. Chính vì lẽ đó, ngay cả fan ruột cũng đôi khi không thể nắm rõ khi nào thần tượng tung ra sản phẩm mới để đón nghe.
Vpop hiện nay có nhiều sản phẩm đáng nghe, đáng xem. Như một xu hướng chung, hầu hết ca sĩ Việt đều cố gắng đầu tư hết mình cho các đứa con tinh thần. Đông Nhi, Đàm Vĩnh Hưng, Lưu Hương Giang… đầu tư quay MV bằng thiết bị 4K và kĩ xảo 3D. Trong khi chất lượng MV được đầu tư lớn thì công đoạn quảng bá nó dường như lại có phần hời hợt, bởi lẽ đó, sự đón nhận của công chúng với những sản phẩm nói trên chưa thực sự xứng tầm với số tiền mà nó được đầu tư.