NHẠC » Tin tức

Lộ diện gương mặt âm nhạc đẳng cấp quốc tế

Thứ sáu, 16/12/2011 08:21

Người yêu nhạc Jazz cả thế giới biết tiếng và ngưỡng mộ Nguyên Lê, một tài năng âm nhạc người Pháp gốc Việt.

Ông chơi nhạc Jazz với tất cả sự đam mê, một mạch nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ bến. Âm nhạc của ông xoá nhoà đi mọi khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ.

Trong năm 2011, Nguyên Lê về nước biểu diễn hai lần đã tạo một sức hút kỳ lạ với công chúng, là một bài học sống động với những người làm nghệ thuật Việt Nam.

Nghệ sĩ Nguyên Lê

Ngượng vì chưa nói được tiếng quê hương trôi chảy

Nguyên Lê không phải người gốc Việt “mắt xanh, mũi lõ” mà ông là người Việt 100% từ phía ngoại hình. Tuy nhiên, người Việt với vóc dáng bề ngoài ấy lại không nói được một câu tiếng Việt hoàn chỉnh. Gặp người Việt, ông chỉ nói được những từ đơn giản: Xin chào, cảm ơn và chào Việt Nam. Vậy nhưng theo tay trống Vũ Quốc Bình, người có vinh hạnh được chơi trong ban nhạc của Nguyên Lê khi ông về nước biểu diễn khẳng định: "Ông không nói được tiếng Việt nhưng hiểu được những cuộc đối thoại của người Việt. Ông hiểu bởi sự cảm nhận về ngôn ngữ, cung bậc âm thanh".

Nguyên Lê là người Pháp gốc Việt con trai của nhà sử học Lê Thành Khôi và người vợ trí thức Hà Thành. Ông sinh năm 1959 tại Paris, với tên khai sinh là Lê Thành Nguyên. Từ nhỏ, trong tâm hồn Nguyên Lê đã thấm đượm những bài hát ru, những câu dân ca từ mẹ. Sinh ra và lớn lên ở Pháp, Nguyên Lê nói tiếng Việt đến năm 3 tuổi,  sau đó đi học, tiếp xúc với bạn bè ở trường, ông bắt đầu chỉ nói tiếng Pháp.

 Khi sinh hoạt trong gia đình, cha mẹ ông vẫn nói tiếng Việt nên Nguyên Lê nghe được hội thoại tiếng Việt thông thường. Song ông chỉ nghe hiểu mà không nói được tiếng Việt. Điều đó như thể đã trở thành một mặc cảm của ông.  Ông chia sẻ: "Tôi cảm thấy bối rối và ngượng khi không nói được tiếng Việt trôi chảy. Chính vì thế, tôi nghĩ có một cách khác có thể bù lại là tôi sẽ tìm hiểu và biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam để có thể tìm lại bản thân, nguồn gốc của mình qua âm nhạc".

Năm 15 tuổi, ông bắt đầu học chơi trống, sau đó chuyển sang chơi guitar. Và guitar đã trở thành niềm đam mê lớn của Nguyên Lê từ đó. Ông tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Thị giác và Triết nhưng lại đi theo con đường âm nhạc, lập nhóm Ultramarine để ra đĩa Dé. Với sản phẩm âm nhạc này, nhóm của Nguyên Lê được báo Libération chọn là đĩa World Music hay nhất năm 1989 tại Pháp.

Càng trưởng thành trong âm nhạc và tiếp xúc với nền âm nhạc thế giới càng thôi thúc Nguyên Lê khẳng định bản sắc Việt Nam của mình. Ông tâm sự: "Tôi bắt đầu tìm hiểu về âm nhạc dân gian Việt Nam từ năm 1994. Nhưng khi tôi gặp ca sĩ Hương Thanh, chơi nhạc với ca sĩ này cùng các nhạc công người Việt Nam khác đã tạo ra chuyển biến quan trọng trong tôi. Khi chơi nhạc, tôi tìm hiểu được cuộc sống hằng ngày của con người gắn liền với những bản dân ca Việt Nam. Và bây giờ tôi vẫn tiếp tục tìm hiểu".

Sự ngưỡng mộ với ngôi sao bậc thầy

Mang niềm yêu với nhạc truyền thống Việt Nam, Nguyên Lê đã thành thần tượng của giới âm nhạc Việt. Ông về Việt Nam biểu diễn là sự kiện âm nhạc lớn, cơ hội tuyệt vời cho người yêu nhạc và mang đến niềm hứng khởi cho những người làm nghề trong nước dù đẳng cấp của ông khá xa với họ. Sau 7 năm trở lại Việt Nam, Nguyên Lê đã được chào đón nồng hậu bởi những nhạc sĩ, ca sĩ hàng đầu trong nước.

 Ai đã xem "Quê nhà", không thể quên được hình ảnh cuồng nhiệt của nhạc sĩ Anh Quân khi phấn khích với từng câu nhạc; sự đam mê của nhạc sĩ Đức Trí khi anh bò trên sàn chụp ảnh; vẻ chiêm nghiệm say đắm của Quốc Trung khi anh căng mắt dõi theo từng đoạn chuyển; hay niềm vui sướng đến thơ trẻ của Huy Tuấn khi chứng kiến sự thành công của chương trình... "Ngỡ ngàng", "bàng hoàng", "bị thuyết phục" hay "rúng động" là những từ ngữ này chỉ có thể miêu tả về trạng thái của con người mà không thể lột tả hết được vẻ đẹp của âm thanh. Nhiều người Việt yêu nhạc Jazz  đã bị chinh phục bởi những âm thanh tuyệt mỹ, bằng ngón đàn điêu luyện bậc thầy của Nguyên Lê và tự hào về một tài năng âm nhạc gốc Việt này.

Về Việt Nam biểu diễn, ý định  lúc đầu của Nguyên Lê là mang ban nhạc của mình về theo, bởi các bản nhạc của ông như một bài toán đố mà các nhạc công phải ngẫu hứng tìm ra cách giải. Nhưng rồi, qua những gì được biết, được xem qua clip, ông tin tưởng vào các nghệ sỹ trong nước. Một trong số ít người được đứng trong ban nhạc Nguyên Lê là tay trống nổi tiếng trong nước Vũ Quốc Bình. Anh chia sẻ: "Được làm việc với người nổi tiếng thế giới là mơ ước của nhiều người làm nghề. Với tôi khi được tham gia trong ban nhạc của Nguyên Lê thì ước mơ đã thành hiện thực".

"Tôi học được từ ông nhiều lắm nhất là tính kỷ luật và chuyên nghiệp. Những gì với tôi còn đang rất khó, tôi còn đang mầy mò tìm cách thực hiện, ông chỉ nhìn qua là đã chỉ cho tôi cái đích đến thật dễ dàng. Làm việc với ông, tất cả những bế tắc được giải toả. Đẳng cấp của ngôi sao là vậy đó", tay trống Vũ Quốc Bình ngưỡng mộ.

Tìm lại gốc gác qua nhạc

Nguyên Lê không phải là người tấu nhạc Jazz bằng guitar duy nhất khám phá và kết nối những giai điệu thế giới, nhưng ông là người duy nhất trải nghiệm Jazz một cách đầy uy lực với nhạc dân gian Việt Nam. Nói về bậc thầy nhạc Jazz, nghệ sĩ Vân ánh xúc động chia sẻ: "Đây là lần thứ 2, tôi được làm việc với Nguyên Lê, hạnh phúc hơn nữa là lại được chơi nhạc tại Hà Nội - cũng là nơi quê nhà của tôi. Nhiều năm theo nhạc của ông, tôi tìm thấy tiếng nói chung, tìm thấy kỹ thuật âm nhạc và cả lối suy nghĩ. Là một nghệ sĩ sống ở nước ngoài, tôi mong muốn giới thiệu được âm nhạc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Thứ âm nhạc đó phải đậm chất Việt Nam, đậm chất thế kỉ 21 - nơi mình đang sống. Không chỉ có vậy, để phát triển hơn lên, nó phải mang được hơi thở mới, phải cuốn hút được khán giả trẻ để họ nuôi nấng và phát triển nền âm nhạc ấy".

Tài năng âm nhạc Nguyên Lê không ngừng sáng tạo, ông đã vượt qua mọi ranh giới, rào cản ngôn ngữ để mang đến thế giới vẻ đẹp của âm thanh, một sự đam mê cuồng nhiệt của con người với nhạc Jazz. Ở ông vẫn toát lên vẻ đẹp Việt Nam, một vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người gốc Việt ấy qua những sáng tác nhạc Jazz mang âm hưởng dân gian. Trong ông luôn cháy bỏng khát vọng bảo tồn và giới thiệu âm nhạc Việt Nam.                           

Sự nghiệp âm nhạc bước đầu thành công, Nguyên Lê tiếp tục dấn thân vào nghệ thuật "phiêu" cùng với cây guitar và nhạc Jazz. Nhạc Jazz, sự ngẫu hứng, sáng tạo không ngừng đã làm nên tên tuổi của Nguyên Lê. Ông đã từng đi biểu diễn vòng quanh thế giới với những tour diễn và các tên tuổi lớn. ông là một trong những gương mặt quan trọng mang đẳng cấp quốc tế góp phần tạo nên sự phong phú của một nền âm nhạc đương đại Pháp. Nguyên Lê đã cho ra đời hàng loạt album nhạc Jazz và World Music thành công vang dội. Trong số đó phải kể đến, niềm tự hào về nguồn  gốc Việt của Nguyên Lê trong CD Tales from Vietnam (Những chuyện kể từ Việt Nam), tác phẩm đã mang lại cho ông tiếng vang lớn trên khắp thế giới và giành những giải thưởng quốc tế danh giá như Diapason d'Or, Choc du Monde de la Musique, Choc de I'anneé Jazzman, hạng nhì Jazzthing 96.

nguoiduatin