Như đã đưa tin, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Trường Nhân vừa nộp đơn khởi kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lên toàn án và công bố trên báo chí sự việc ca khúc của anh bị đánh cắp, sử dụng trái phép.
Theo đơn kiện này, ca khúc Chút tình của Trường Nhân được đăng ký tác quyền năm 2006 nhưng tháng 7.2012, trong album Góc khuất mà Đàm Vĩnh Hưng phát hành bao gồm có ca khúc Chút tình phai (tên bị đổi của Chút tình), tác giả được giới thiệu lại là Trương Tuấn Huy.
Căn cứ vào thông tin cả 2 phía là nhạc sĩ Trường Nhân và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng phản pháo trên báo, Thạc sĩ - chuyên gia luật - đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Thị Sinh, với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của nhạc sĩ Trường Nhân, cho biết: "Liên quan đến vụ kiện xâm phạm quyền bài hát Chút tình, đầu tiên tôi xin khẳng định việc nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân vác đơn kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật".
Theo luật sư Nguyễn Thị Sinh, cơ sở pháp lý cho việc khởi kiện được căn cứ vào Khoản 3, 8,10, Điều 28 về Hành vi xâm phạm quyền tác giả. Theo đó, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã vi phạm trong các hành vi: Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; Sử dụng tác phẩm không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp không vì mục đích thương mại); Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Căn cứ vào Điểm b, c, d, Khoản 1, Điều 198 về Quyền tự bảo vệ, nhạc sĩ Trường Nhân có quyền: Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thực tế, sản phẩm album Góc khuất của Đàm Vĩnh Hưng được ra mắt công chúng vào tháng 7.2012 hoàn toàn hợp pháp, không vướng mắc bất kỳ điều gì liên quan tới pháp luật. Nhưng giả sử, nếu tác phẩm Chút tình phai được Đàm Vĩnh Hưng mua hợp pháp từ Trương Tuấn Huy thể hiện qua hợp đồng cùng các chứng từ và sự chuyển giao hợp pháp của Trương Tuấn Huy thì việc kiện tụng này sẽ tính thế nào?
Về giả định này, luật sư đại diện cho nhạc sĩ Nguyễn Trường Nhân cho biết: "Tôi khẳng định ở đây không có chuyện ca khúc Chút tình phai là sản phẩm mà Đàm Vĩnh Hưng mua hợp pháp từ tác giả Tuấn Huy với đầy đủ chứng từ và giấy tờ hợp lệ. Vì nếu có thực, sẽ không có chuyện nhạc sĩ Trường Nhân kiện Đàm Vĩnh Hưng vì tội ăn cắp bản quyền. Bản thân tôi là luật sư chuyên ngành, nên tôi hiểu rất rõ việc gì nên và không nên làm".
Trao đổi với phóng viên, luật sư họ Nguyễn cũng trình bày rõ về mối quan hệ giữa Đàm Vĩnh Hưng và Trường Nhân trong vụ này. Theo đó, Trường Nhân là nguyên đơn (tức người khởi kiện), còn Đàm Vĩnh Hưng là bị đơn (tức là người bị kiện) về hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Vậy mối quan hệ giữa Đàm Vĩnh Hưng và Tuấn Huy về mặt pháp lý được giải thích thế nào? Vị luật sư này cho hay: "Theo tôi, cả hai đều có hành vi vi phạm về quyền tác giả của Trường Nhân. Vì giữa Đàm Vĩnh Hưng và Tuấn Huy đều có mua, bán với nhau thông qua hợp đồng về quyền sử dụng tác phẩm trái pháp luật. Vì lẽ đó, cả hai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Sau đó, cả hai sẽ tự giải quyết với nhau về hợp đồng cho phép quyền sử dụng tác phẩm trái pháp luật này. Về mặt pháp lý, căn cứ vào nội dung hợp đồng của hai bên mà cả hai có thể tự giải quyết vụ việc hoặc nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp. Tất cả điều này không liên quan đến Trường Nhân, nhưng không có nghĩa là một trong các bên cho rằng mình không xâm phạm quyền tác giả của Trường Nhân".
Về phía Đàm Vĩnh Hưng, khi trả lời báo chí về chuyện mình bị Trường Nhân vác đơn kiện ra tòa, anh cho rằng nhạc sĩ Trường Nhân nên vác đơn kiện Tuấn Huy vì anh chỉ là bên thứ 3 mua mà không hay biết điều gì xảy ra trước đó. Vậy Đàm Vĩnh Hưng có thể thoát tội “đánh cắp” bản quyền hay không?
Luật sư Nguyễn Thị Sinh khẳng định: "Đàm Vĩnh Hưng không phải là người thứ ba trong vụ này, anh là người phải chịu trực tiếp về hành vi xâm phạm quyền tác giả. Bởi thế, dù cố tình hay vô ý vi phạm anh đều là có tội, còn việc xử lý tội ở mức độ nào là do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Ngoài ra, chúng ta cần xem lại hành vi của Đàm Vĩnh Hưng sau khi đã biết Tuấn Huy không phải là tác giả của bài hát Chút tình (sau khi có khuyến cáo của đại diện Trường Nhân) nhưng vẫn cố tình vi phạm, không có động thái tích cực trong việc sửa sai của mình cũng là yếu tố cần xem xét trong quá trình tố tụng".
Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Sinh thì Đàm Vĩnh Hưng không thể làm gì để đòi lại công bằng cho mình trong trường hợp này vì: "Nếu như người đã có hành vi vi phạm pháp luật thì không thể đòi có sự công bằng đối với trường hợp Trường Nhân kiện anh ta ra tòa".
Với câu hỏi, mức phạt tương ứng trong trường hợp này là thế nào nếu Đàm Vĩnh Hưng thua kiện, luật sư Nguyễn Thị Sinh phân tích: "Trong tố tụng dân sự thì mức đền bù thiệt hại (không phải mức phạt) là do yêu cầu của nguyên đơn đưa ra trong đơn khởi kiện theo Luật tố tụng dân sự và các quy định pháp luật liên quan. Tuy nhiên quyền phán quyết chấp nhận bao nhiêu là chi phí hợp lý được chấp thuận theo quy định pháp luật là do Tòa án phán quyết".
Theo Luật tố tụng hình sự, Điều 131 về Tội xâm phạm quyền tác giả, quy định: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm: a) Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; b) Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; c) Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình; d) Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Riêng với câu hỏi, liệu nhạc sĩ trẻ Trường Nhân sẽ thắng "ông hoàng nhạc Việt" khi cùng nhau ra tòa, luật sư họ Nguyễn đã khẳng định: "Tôi tin nhạc sĩ Trường Nhân sẽ thắng trong các nội dung theo đơn khởi kiện đề nghị Tòa phán quyết (Công khai xin lỗi tác giả, yêu cầu trả lại đúng tên bài hát, tên tác giả, đồng thời đền bù một số tiền thiệt hại liên quan đến việc khai thác tác phẩm nhằm kinh doanh có thu lợi nhuận mà không trả phí bản quyền và các chi phí liên quan đến việc khai thác tác phẩm theo quy định pháp luật, các khoản tiền đền bù tổn thất về mặt tinh thần cho tác giả....). Tuy nhiên, về mức bồi thường thiệt hại, như tôi đã phân tích trên, việc nhạc sĩ Trường Nhân được đền bù bao nhiêu trong mức anh đưa ra còn do Tòa án quyết định". |