NHẠC » Tin tức

Ngao ngán những chiêu PR 'bong bóng' của sao Việt

Thứ bảy, 18/02/2012 10:49

Luôn đưa khán giả vào những niềm hi vọng cao vời vợi, để rồi sau đó khiến họ thật sự hụt hẫng với cảm giác bị thả rơi tự do.

Nâng khán giả bằng... bong bóng

Theo lẽ thường tình thì ai cũng cần PR, lôi kéo sự chú ý trước khi sản phẩm ra mắt. Và nguyên tắc của “chào hàng” là luôn nói tốt hết cỡ về sản phẩm của mình, thậm chí là nói vống lên để gây tò mò, thu hút sự chú ý của khách hàng.

Đối với các dự án của V-Pop thì những lời úp mở kiểu như: ”Hãy chờ xem nhé”,”Một món quà đặc biệt”, "Dành tặng sự bất ngờ”… đã trở thành điệp khúc muôn thuở, thế nên theo thời gian, các chiêu thức “thổi phồng” cũng dần thay đổi theo chiều hướng ngày càng độc đáo hơn.

Trong vài năm trở lại đây, để bắt kịp với bạn bè quốc tế, nhiều sao V-Pop cũng tập tành tung teaser, trailer rộn ràng trước khi ra mắt. Thời gian đầu, chúng gây được hiệu ứng khá tốt vì nó cho thấy sự chuyên nghiệp hóa và chí ít thì cũng văn minh hơn truyền thống “ôm cột điện” khá nhiều.

Nhưng rồi phong cách Tây này cũng nhanh chóng trở nên nhàm chán khi khán giả bị chai lì trước cái thực trạng trailer lúc nào cũng một trời một vực so với thành phẩm. Khi còn trong giai đoạn quảng cáo thì các sao luôn vẽ vời dự án của mình trên hàng bom tấn, sẽ hoành tráng thế nọ, bùng nổ thế kia, khiến khán giả sốt ruột mong chờ, để rồi phút cuối tất thảy đều nhanh chóng bị xì hơi, trước một thực lực hoàn toàn yếu kém.

Đã có rất nhiều những ngôi sao và ê-kip thực hiện lúc nào cũng tự tin phát ngôn hùng hồn trên mặt báo, dẫu biết rằng yêu cầu của PR là phải thế, nhưng chí ít thì nó cũng cần phải dựa trên một cơ sở nào đó, còn đằng này nhiều ngôi sao cứ tùy nghi “nổ” không tiếc lời về những thứ mà mình hoàn toàn không có.

Điển hình là hiện tượng chân dài, diễn viên đi hát, cô nào trước khi khởi nghiệp cũng lên báo nói ào ào: "tôi chuyên nghiệp", "tôi đã trải qua một thời gian dài rèn luyện", "chắc chắn mọi người sẽ bất ngờ về album đầu tay của tôi" v.v…Để rồi cuối cùng những gì nối tiếp theo sau quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những lời biện minh thô thiển cho cái thực tài trần trụi của họ.

Và khi hiệu ứng "phản đòn"

Những chiêu bài gây chú ý trong dư luận, tạo ra một sự mong chờ cho khán giả luôn là điều mọi nghệ sĩ quan tâm đến. Tuy vậy, cái gì cũng có mặt trái của nó, và ngay cả những cách thức chuẩn mực nhất cũng có lúc phản tác dụng.

Một khi đánh vào sự hiếu kỳ của công chúng, hứa hẹn mang đến điều có thể làm họ thỏa mãn, cũng đồng nghĩa với việc ca sĩ đang thử thách thực lực của chính mình. Mọi kỳ vọng đều có nguy cơ khiến khán giả hình dung quá đà về thành phẩm. Càng trông chờ, họ càng đòi hỏi cao, chính vì điều này mà nhiều ca sĩ rơi vào tình huống trớ trêu khi chính cái đám đông mà họ vừa tạo ra lại nhanh chóng trở thành những antifan tích cực nhất.

Nhóm 365

Đó là trường hợp từng xảy ra với 365 band, sau cái tít hoành tráng trên mặt báo về một hiện tượng chưa ra mắt mà đã có tới hơn 2000 fans. Ở thời điểm đó, hiệu ứng PR mà 5 chàng trai tạo ra là khá lớn, khi liên tục được "bơm vá" về tính chuyên nghiệp, đào tạo đến nơi đến chốn, tuyển chọn kỹ càng v.v…Nhưng cuối cùng, chỉ sau đúng 1 ngày ra mắt, số lượng bình luận chê bai nhóm này tăng lên chóng mặt.

Sự kỳ vọng đổ dồn vào 365 nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng tràn trề khi khán giả đã trót tưởng tượng quá đà về một sản phẩm chuyên nghiệp xứng tầm Idol Group hạng A đầu tiên tại Việt Nam. Thế mới biết, với một thị trường còn khá khan hiếm tài năng như V-Pop thì chuyện lôi kéo được sự hiếu kỳ của số đông khán giả hoàn toàn không phải điều khó.

Vấn đề cốt lõi vẫn là thực lực của các sao có chịu đựng nổi trước những bình luận sẽ ập tới từ chính đám đông đó hay không. Trong thực tế, đa phần các ngôi sao có tiềm lực, được hỗ trợ bởi ê-kip chuyên nghiệp sẽ vượt qua được, còn đối với những trường hợp non kém, chỉ biết quảng cáo quá đà cho bản thân thì đây hoàn toàn có thể xem là một trận sóng thần đủ sức xóa tan giấc mơ của họ trong chớp mắt.

Với một thị trường còn đang kém "chất" như V-Pop thì mọi cơ hội vươn lên đều hoàn toàn nằm ở chất lượng chuyên môn, và thứ vũ khí quảng bá quan trọng nhất thật sự không hề đến từ bất kỳ chiêu trò nào, mà chủ yếu nhờ vào hiệu ứng truyền miệng của cộng đồng.

Thành công của Nếu như anh đến - Văn Mai Hương, hay chuỗi liên hoàn hit tạo nên thương hiệu Khắc Việt không cần đến những thủ đoạn "bơm vá" mà vẫn được công chúng đón nhận. Tuy vai trò của PR hoàn toàn là điều cần thiết trong một môi trường chuyên nghiệp, nhưng xét cho cùng nó cũng chỉ là thứ giúp tài năng nhanh chóng được công nhận, chứ đâu phải chiếc đũa thần có thể biến “không” thành “có”.

Mời chào, rủ rê đám đông đến xem, tặng cho họ những kỳ vọng, mong chờ là điều dễ dàng, nhưng nếu sau đó ca sĩ không thực sự thuyết phục được khán giả thì hậu quả phản đòn chắc hẳn phải rất đau, và người té đau không bao giờ là đám đông cả.

2Sao
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới