NHẠC » Tin tức

Nghệ sĩ khóc thương nhạc sĩ Phạm Duy

Chủ nhật, 27/01/2013 21:04

(NLĐO)- Chiều 27-1, nhạc sĩ Phạm Duy đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện 115, TPHCM sau 3 ngày nhập viện cấp cứu. Hiện người nhà ông đang làm thủ tục để chuyển thi hài người nhạc sĩ tài hoa về nhà lo việc an táng. Sự ra đi của người nhạc sĩ được xem là ông hoàng viết tình ca đã khiến cho các nghệ sĩ, ca sĩ thương xót.

Nhạc sĩ Phạm Duy (ảnh Thanh Hiệp)

NSƯT, ca sĩ Hồng Vân: “Người nhạc sĩ lãng tử”

NSƯT, ca sĩ Hồng Vân

Tôi rất buồn vì một nhân tài đã nằm xuống, một người mà vùng trời âm nhạc của ông đã khắc ghi trong tâm tưởng những người yêu âm nhạc những rung động thật đẹp. Nếu làm một bài tổng kết bạn sẽ nhận thấy rằng lời ca của nhạc sĩ Phạm Duy, từ việc ông phổ thơ cho đến ông sáng tác đã làm cho tiếng Việt đẹp hơn, phong phú hơn và ngôn từ đó đã thay lời muốn nói, gắn kết những tâm hồn, những con tim yêu lại bên nhau. Với ông tôi có nhiều kỷ niệm. Thời trẻ khi tôi vừa lập gia đình, ông xã tôi là một nhà văn nên quen biết ông, đưa tôi đến nhà ông để thăm viếng. Sau này khi tôi gia nhập Ban tam ca Đông Phương (cùng với Thu Hà, Tuyết Hằng), gia đình ông mở phòng trà Đêm màu hồng, thì ngoài các giọng hát chính ở đó như ban Thăng Long của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh…thì ban tam ca của chúng tôi được mời hát chen vào chương trình. Hầu hết những bài hát mang âm hưởng dân ca của ông chúng tôi đều hát và được tập dợt rất kỹ. Tôi nhớ như in những bài phối của ông và cách ông hướng dẫn chúng tôi hát, diễn đạt đúng tâm trạng bài hát và nét duyên dáng của một ban tam ca qua: Chiều về trên sông, Tình tự tin, Em bé quê, Vợ chồng quê, Tình nghèo…. Năm 2005, ông hồi hương, ngày đầu tiên mở tiệc chiêu đãi bạn bè, tôi có mặt bên bàn tiệc ấm cúng thân hữu và nghe ông nói chuyện xa xứ, hoài mong ngày về và được gặp những đứa cháu yêu làm văn nghệ, trong đó có tôi. Ngồi cạnh Julia – cô con dâu của ông – vợ của cố ca sĩ Duy Quang, chúng tôi đã được ông gắp thức ăn, tận tay chăm sóc bữa ăn như một người cha lo cho con gái. Hồn nhạc của ông vẫn luôn ám ảnh tôi, bầu trời âm nhạc từ nay thiếu vắng nụ cười và ánh mắt của người nhạc sĩ sống một đời lãng tử.

Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Ái Vân trong một đêm nhạc do phòng trà Tiếng xưa tổ chức

NSƯT, ca sĩ Thanh Thúy: “Tôi đến nhạc ông muộn, nhưng chan chứa nỗi niềm”

NSƯT - ca sĩ Thanh Thúy trong chương trình Tình ca Phạm Duy

Dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng tôi thấy mình may mắn khi được tiếp cận âm nhạc của ông một cách rất ấn tượng. Đó là dịp mùa xuân cách đây 3 năm, ca sĩ Duy Quang tổ chức tại phòng trà “Tình ca” 4 đêm nhạc với chủ đề Tình ca Phạm Duy. Tôi lo lắng lắm, vì từ lâu rồi thích được hát nhạc của ông nhưng lại sợ chất giọng mình không phù hợp. Anh Duy Quang đã động viên tôi và tôi đã đến tập với ban nhạc. Hồi ấy tôi được giao hát ba bài của ông: Thương ai nhớ ai, Vợ chồng quê và Đưa em tìm động hoa vàng.

Đêm đầu tiên hát xong không nghe ông nói gì, dù ông ngồi lặng lẽ ở một góc phòng trà. Đến đêm thứ hai, ông nhận xét trong ba bài, tôi đã gây ấn tượng cho ông với bài Đưa em tìm động hoa vàng. Ông nói rất thích cách thể hiện có sáng tạo riêng, dù thăng hoa nhưng vẫn trong khuôn khổ cho phép. Tôi đã biết phiêu linh theo cảm xúc của mình, nhất là khi hát nốt mi, kết dài trường độ nhưng vẫn giữ được nhịp và có những dấu ấn riêng.

Ông hỏi: “Liệu con hát được nhiều hơn không ca khúc của bác?”. Từ sau lời khen và động viên đó, tôi quyết định thực hiện Album Cỏ hồng gồm 8 ca khúc. Đó là một kỷ niệm để đời trong tôi khi nói về ông, người nhạc sĩ gây ấn tượng với tôi qua tư cách hiền hòa, nhã nhặn. Ông luôn công nhận sự sáng tạo của các ca sĩ và quý trọng sự sáng tạo đó.

Nhạc sĩ Phạm Duy và giáo sư nhạc sĩ Tô Vũ

Ca sĩ Cẩm Vân: “Tình ca của ông bất hủ theo thời gian”

Ca sĩ Cẩm Vân (ảnh Đoàn Khoa)

Tôi tham dự một chuyến lưu diễn mừng sinh nhật 93 của ông ở Cần Thơ, Huế, TPHCM, đó là chuyến đi chia sẻ những tâm tư tình cảm của người nhạc sĩ đón nhận cuộc sống hết sức an nhiên. Tôi nói thế vì nhìn ông không nghĩ ở tuổi 93, mà gần như ông trẻ hóa mình và trẻ hóa cảm xúc của một phong thái không bao giờ buồn lụy. Tôi nhớ có đọc một bài báo viết về âm nhạc, nhà báo đã phân tích rất chính xác: “nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người thích đi trên bãi biển tìm nhặt những chiếc vỏ sò óng ánh mang về mài dũa, thì Phạm Duy là người lặn xuống đáy biển để tìm ngọc trai”. Quả nhiên sự phong phú trong kho tàng sáng tác của ông, từ nhạc phổ thơ, nhạc theo chuyên đề, nhạc dành cho tuổi xanh…tất cả đã là những di sản quý giá nhất mà ông để lại cho đời. Tôi đã hát nhiều ca khúc của ông, nhưng bài đầu tiên tôi hát và được ông khen là biết cách sáng tạo, để những rung cảm không bi lụy mà trở nên hùng tráng, mãnh liệt đến da diết, đó là bài Áo anh sứt chỉ đường tà. Vĩnh biệt ông, âm nhạc của ông vẫn mãi sống theo thời gian, lắng đọng trong tâm hồn bao thế hệ và dòng nhạc tình ca bất hủ của ông mãi là niềm tự hào của những ai yêu quý âm nhạc Việt.

Ca sĩ Elvis Phương: “Từ những kỷ niệm ông viết nên nhạc”

Ca sĩ Elvis Phương

Tôi không thể tin ông qua đời sau khi gia đình đã quá đau sầu vì sự ra đi của anh Duy Quang. Những thông tin về ông khi vào bệnh viện điều trị vẫn được anh em ca sĩ, nhạc sĩ truyền nhau và thay nhau cầu nguyện cho ông. Tôi rất ngưỡng mộ ông ở tài năng sáng tạo và cuộc sống khiêm tốn của một người nhạc sĩ. Những sáng tác của ông mãi mãi sẽ hằn sâu trong lòng khán giả tri âm, nó là những kỷ niệm riêng, chung của nhiều thế hệ, nhất là những ca khúc viết cho tình yêu, cho tuổi trẻ. Tôi còn nhớ năm 2012, sau khi các ca khúc được cấp phép biểu diễn như: Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tạ ơn đời, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng, Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Nước mắt rơi, Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Phố buồn, Tiếng hát trên sông Lô, Viễn du, Xuân nồng, Biển khúc, Em hát, Khúc ru tình, Nỗi nhớ vô thường, Tình qua tin nhắn...ông đã rất vui mừng. Gặp ông thì lại nghe kể đến những kỷ niệm của thời gian ông viết nên những ca khúc đó. Có kỷ niệm rất đơn sơ, mộc mạc nhưng có kỷ niệm chứa đựng nhiều tình tiết cảm động. Từ những kỷ niệm ông viết nên nhạc và để lại cho đời vô số những sáng tác hay. Ông là nhạc sĩ tài hoa, là một ca sĩ lúc trẻ và ông còn là nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Tên tuổi của ông được xem là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam. Vĩnh biệt ông, người nhạc sĩ của công chúng yêu tình ca và yêu âm nhạc Việt.

MC Đỗ Thụy giao lưu với nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hiền

Ca sĩ Lan Ngọc: “Ông nợ những quả bóng thủy tinh”

Tôi có một kỷ niệm thật đẹp với nhạc sĩ Phạm Duy. Đó là lúc tôi còn trẻ, mỗi đêm đi hát được bố tôi chở đi, có lần ông thắc mắc vì sao bố tôi không để tôi tự lăn xả vào cuộc mưu sinh, “cô lớn rồi mà?!”. Tôi chưa kịp nói, thì ông cười và bảo: “Bố sợ mất con gái”. Quả thật, ông biết những chuyện phía sau ánh đèn sân khấu, phòng trà, những câu chuyện nao lòng mà nếu không bản lĩnh sẽ vướng khổ lụy. Có lần ông phân tích: “Cuộc đời chúng ta như một trò chơi tung hứng! Cô thử tưởng tượng trong tay cô có 5 quả bóng, đó là: Công việc, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần. Khi cô tung chúng lên không trung, cô sẽ nhận ra ngay rằng công việc chính là quả bóng bằng cao su, bởi vì khi rớt xuống, nó sẽ lập tức tưng lên trở lại. Còn 4 quả bóng kia đều là những quả bóng bằng thủy tinh, nếu chúng vô tình rơi xuống, chạm vào ta, chạm vào mặt đất chúng sẽ lập tức bị tì vết, rạn nứt, thậm chí vỡ nát mà sẽ không bao giờ trở về trạng thái ban đầu được. Vậy thì tung nhẹ thôi, đừng quá sức”. Tôi suy nghĩ và cảm nhận điều ông dạy chí lý như bài nhạc rót vào tim người cô quạnh đang cần sự an ủi. Âm nhạc với ông vì thế không là công việc, thứ công việc cứ “đẻ” ra để mưu cầu lợi lộc; mà là sự rung động khi những quả bóng tung nhẹ lên không, soi chiếu ánh mặt trời tạo nên bảy sắc cầu vồng tuyệt đẹp. Ai trong đời rồi cũng có lúc tung nhẹ, tung mạnh những quả bóng thủy tinh ấy, với người này thì nó vỡ nhưng với người khác nó được kéo dài thời gian bay trên không trung để lung linh, để ánh nắng chiếu vào. Với tôi, ông là một phù thủy âm nhạc nhưng trái tim dễ bị đánh cắp. Ông cho tất cả tình thương yêu và chẳng để nợ ai mối tơ duyên nào. Nhạc sĩ sống như ông ở đời này hiếm chính vì cái lẽ không để nợ ai ngoài nợ những quả bóng thủy tinh. Nghiêng mình trước ông, người nhạc sĩ bậc tài mang lại cho đời nhiều cảm xúc tuyệt vời bằng âm nhạc.

Ca sĩ Xuân Phú: “Ông là người lạc quan”

Tôi xem ông như một người ông trong gia đình. Những lúc nghe ông kể chuyện sáng tác, chuyện nghiên cứu âm nhạc, tôi mải mê đến quên cả đói. Vinh dự cho tôi và nhiều anh chị em ca sĩ là từ 5 đến 18-10-2012 đã được tham gia chương trình Tạ ơn đời của ông tại TPHCM, Huế, Cần Thơ. Lúc đó ông đồng hành với chúng tôi, vui và trẻ ra khi nhìn thấy công chúng đón nhận ca khúc của ông thật nồng nhiệt. Tôi học hỏi ở ông tinh thần lạc quan, hiếm khi nào nghe ông nói về bệnh tình cũng như những bức xúc trong đời sống, trong công việc. Thương nhất là khi con trai ông – ca sĩ Duy Quang mất ở tuổi 62. Trước đó người nhà giấu vì sợ ông buồn và ảnh hưởng đến sức khỏe vốn đã rất yếu của ông. Nhưng lúc tôi đến thăm ông, là khi ông đã biết tin buồn, trái lại ông không quá đau đớn mà cảm nhận rất rõ sự an ủi trong nỗi mất mát đã được khán thính giả thương yêu, chia sẻ. Tôi tin ông không mất đi mà sự nghiệp âm nhạc của ông mãi mãi vẫn còn lưu giữ trong trái tim người hâm mộ, trong cả trái tim những ca sĩ đã hát nhạc của ông.

Ca sĩ Xuân Phú

NLD