Hôm qua (15/8) tại TP.HCM, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn MV đã phối hợp tổ chức chương trình Toạ đàm Nhạc số Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp. Buổi tọa đàm xoay quanh vấn đề tìm ra giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên lĩnh vực Internet và di động đã kéo dài trong suốt thời gian qua. Đồng thời cũng tạo ra các dịch vụ âm nhạc có thu phí với chất lượng cao, đầy đủ bản quyền.
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện các bên có liên quan đã trình bày giải pháp cho vấn đề thu phí nhạc trực tuyến vốn đang được nhiều người quan tâm.
Trước thực trạng trong nhiều năm qua, ngành Công nghiệp Ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ.
Nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền này, các website và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động đã quyết định đi đến thống nhất chung là đồng loạt thu phí download nhạc.
Với sự hỗ trợ của Thông tư liên tịch số 07 của Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Văn hoá - Thể thao – Du lịch có hiệu lực từ ngày 06.08.2012 vừa qua, các đơn vị sản xuất và phân phối âm nhạc trực tuyến tin tưởng vào khả năng ngăn chặn các dịch vụ nhạc trực tuyến vi phạm bản quyền.
Tại buổi toạ đàm, các đơn vị phân phối âm nhạc trực tuyến đã đạt được sự thỏa thuận hợp tác và dự kiến sẽ đồng loạt thu phí vào ngày 1.11 năm nay với mức phí dự kiến là 1.000đ/1 bài hát hoặc thu theo thuê bao hàng tháng (việc nghe nhạc trực tuyến vẫn hoàn toàn miễn phí).
Với quy định mới nhất về việc cấm cửa “tải nhạc chùa”, để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ tải nhạc trên các website cũng như dịch vụ âm nhạc trực tuyết trên điện thoại di động, người yêu nhạc sẽ phải chủ động tạo một tài khoản trên trang web, nạp tiền và sẽ bị trừ tiền dần trong tài khoản.
Có 3 cách thức sử dụng dịch vụ thanh toán tiền phí tải nhạc bao gồm thanh toán bằng thẻ cào điện thoại di động, thực hiện qua tin nhắn SMS và trừ trực tiếp vào tài khoản điện thoại di động.
Đại diện các bên có liên quan cho biết, 1.000đ/1 bài hát hiện chỉ là mức giá có tính chất “tham khảo” tạm thời, nên cũng có thể tăng lên nữa hoặc sẽ bị giảm xuống sau 2 tháng quy định có hiệu lực.
Với số tiền thu được từ việc tải nhạc của người yêu nhạc, sau khi trừ hết các chi phí dịch vụ cần thiết, trong tổng số tiền lợi nhuận còn lại, các website và dịch vụ âm nhạc trực tuyến sẽ hưởng được 45%, còn lại 55% thuộc về các đơn vị cung cấp dịch vụ âm nhạc là ca – nhạc sĩ. Trong trường hợp những ca khúc độc quyền, ca sĩ sẽ là người được hưởng trọn vẹn 55% số tiền thu được.
Riêng với những ca khúc nhạc nước ngoài, các website và dịch vụ âm nhạc trực tuyến sẽ có những thỏa thuận với các đối tác nước ngoài nhằm cung cấp những ca khúc có chất lượng lên mạng để người yêu nhạc được tải xứng với số tiền bỏ ra, nên vẫn sẽ phải thu phí 1.000đ/1 bài hát như nhạc Việt Nam.
Như vậy, với quy định vừa được ban hành, sẽ có khoản 25 triệu người nghe và yêu nhạc trên web Việt Nam trong năm 2012 chịu ảnh hưởng trực tiếp. Riêng với các đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp nhạc trực tuyến tính toán, đến năm 2014, sẽ có khoảng 10% người yêu nhạc buột phải trả tiền download nhạc trên mạng, thay vì vô tư xài miễn phí như lâu nay.
Dưới đây là một số ý kiến của các nhạc sĩ, ca sĩ về quy định trên:
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Hướng đến quyền tác giả không chỉ là nguyện vọng của tác giả mà còn là yêu cầu của một xã hội văn minh, không chỉ là lợi ích tác giả mà còn là lợi ích của cả quốc gia”.
Nhạc sĩ Văn Ký: “Xâm phạm bản quyền âm nhạc không chỉ là một sự bất công, phủ nhận những giá trị sáng tạo nghệ thuật chân chính, đó còn là sự kiềm hãm văn hóa”.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: “Không bảo vệ được quyền lợi cho sự sáng tạo thì không bao giờ tiến đến văn minh và mọi cố gắng đều là những thứ bỏ đi”.
Ca sĩ Hà Hồ: “Người dùng trả phí nhạc số sẽ là một sự ghi nhận và khích lệ lớn đối với nghệ sĩ chúng tôi nói chung và cá nhân Hà nói riêng”.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: “Nghệ sĩ cũng là những người lao động, chúng tôi cần được hưởng lợi ích chính đáng từ những cống hiến và tâm sức của mình”.
Ca sĩ Ngô Kiến Huy: “Tôi cho rằng đây là một bước tiến quan trọng để thị trường âm nhạc Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn”.
Ca sĩ Nam Cường: “Khi cộng đồng nghe nhạc có sự chia sẻ với những người làm nhạc thì chúng tôi sẽ có được nguồn lực để đầu tư cho tương lai”.
Ca sĩ Trà My: “Nghe nhạc có bản quyền và trả phí là một cách thể hiện trách nhiệm của người văn minh”.