Dòng ghi chú “Ca khúc Princess of China đã sử dụng đoạn nhạc mẫu từ Takk... sáng tác bởi Jón Þór Birgisson, Orri Páll Dýrason, Georg Hólm, Kjartan Sveinsson từ nhóm Sigur Rós” trong album Mylo Xyloto của nhóm Coldplay mới phát hành, đủ cho nghi án đạo nhạc dính đến nhóm nhạc này và Hà Trần gây xôn xao dư luận vừa qua phải dừng lại.
Tuy nhiên, từ “nghi án” này, một vấn đề khác được đặt ra là nếu nhạc Việt bị nước ngoài đạo nhạc, nhạc sĩ - ca sĩ Việt Nam phải làm gì?
Nhạc Việt từng bị “đạo” Sẽ là tâm lý nhược tiểu nếu cho rằng chỉ có nhạc Việt “đạo” nhạc nước ngoài mà không có khả năng ngược lại. Thực tế, nhạc Việt từng bị “đạo”, điều đó đã được xác nhận. Trước Ra ngõ tụng kinh với bản phối của nhạc sĩ Thanh Phương nghi giống bản phối của Coldplay, ca khúc Vầng trăng khóc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng từng dấy lên luồng dư luận tương tự khi xuất hiện các phiên bản tiếng Trung Quốc, Thái Lan, Lào... Tuy nhiên, với trường hợp của Vầng trăng khóc, nghi vấn của dư luận lại nghiêng về khả năng nhạc Việt “đạo” nhạc nước ngoài hơn là ngược lại. Điều này từng gây ức chế không nhỏ cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Thế nhưng, trong chuyến viếng thăm văn phòng của Liên minh Quốc tế các Hiệp hội tác giả nhạc và lời thế giới (CISAC) đặt tại Singapore vừa qua, tâm lý này đã được giải tỏa khi cái tên Nguyễn Văn Chung được ghi nhận trên phần mềm MIS ASIA (kho dữ liệu của CISAC Asia) là tác giả chính thức của ca khúc Vầng trăng khóc. Văn phòng này cũng xác nhận các phiên bản tiếng Thái, Trung Quốc... là hàng “đạo” nhạc Việt. “Đơn vị nào sử dụng ca khúc nhưng không trả tiền, chúng tôi sẽ đòi cho bằng được. Tuy nhiên, trường hợp này lại khác, họ cho rằng không sử dụng nhạc người khác mà đang sử dụng ca khúc của mình”, ông Đinh Trung Cẩn – giám đốc Văn phòng phía Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cho biết.
Đường đến công lý: Quá xa! Sau khi có xác nhận của CISAC châu Á, VCPMC, với sự ủy quyền của Nguyễn Văn Chung, đã gửi văn bản cho cơ quan quản lý tác quyền âm nhạc của Trung Quốc nhưng không có hồi âm. Hiện VCPMC vẫn nhờ CISAC châu Á can thiệp trong vấn đề này. Tuy nhiên, chức năng VCPMC chỉ có thể dừng lại ở đó. “Nhiều người nhầm tưởng hoặc không hiểu hết về chức năng của chúng tôi. Chúng tôi không có chức năng như một văn phòng luật sư đi bảo vệ thân chủ”, ông Đinh Trung Cẩn cho biết. Cũng theo ông, nếu muốn khởi kiện, VCPMC sau khi được sự ủy quyền của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng sẽ phải nhờ đến luật sư và cung cấp chứng cứ chứng minh nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là tác giả.
Thực tế, để kiện một đơn vị nước ngoài về vấn đề quyền tác giải không hề đơn giản. Trong cuộc gặp CISAC, văn phòng này cũng đưa ra nhiều giả thuyết nếu nhạc Nguyễn Văn Chung muốn khởi kiện. “Nếu muốn thì vẫn khởi kiện được, và khả năng thắng rất lớn. Tuy nhiên, số tiền bồi thường không nhiều, không đủ chi phí vé máy bay qua lại giữa Việt Nam và Singapore. Đó là chưa kể thời gian để theo đuổi vụ kiện rất lâu, rất nhiêu khê vì còn phải xem xét vào luật pháp của từng nước”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết. Chính vì thế anh đã không tiến hành khởi kiện như ý định ban đầu. Theo ông Đinh Trung Cẩn, để tiến hành khởi kiện, điều trước nhất là các tác giả trong nước phải có đầy đủ bằng chứng chứng minh đó là sáng tạo của riêng mình. Đây là điều không dễ dàng đối với lĩnh vực sáng tác, nhất là âm nhạc bởi trong bối cảnh hiện tại, sự ảnh hưởng nhau, học hỏi nhau là đương nhiên và được chấp nhận. Trong khi đó chi phí để theo đuổi vụ kiện không nhỏ. Chính vì thế, ông khuyến cáo các tác giả phải thật chắc chắn về các chứng cứ của mình trước khi nhờ đến pháp luật.