Ông sinh năm 1935 tại vùng ngoại ô phía Tây Hà Nội, là một trong những số ít nhạc sĩ được đào tạo chuyên sâu về âm nhạc ngay từ những ngày đầu. Năm 1959, ông học Trường Âm nhạc Việt Nam, khoa Nhạc cụ cổ truyền và Sáng tác. Ra trường năm 1963, nhạc sĩ về công tác Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Tới năm 1969, ông tiếp tục học lên đại học 5 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, rồi trở về công tác tại Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ca khúc được nhiều người yêu và nhớ nhất của nhạc sĩ Lê Việt Hòa chính là “Gửi em chiếc nón bài thơ” (tên gốc là “Gửi em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ”). Mối duyên để nhạc sĩ sáng tác nên ca khúc này cũng là một câu chuyện thú vị, đó là năm 1976, ông tình cờ đọc được bài thơ: “Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ quê mẹ” của nhà văn Sơn Tùng, với những ý thơ rất đẹp như:
“Em đội nón bài thơ đi sáng đường Quảng Ngãi/che chở cho em nắng sương mưa xối/nước dưới sông có khi đầy khi cạn/trăng trên trời có khi tỏ khi lu/lòng miền Nam đối với cụ Hồ/vẫn tròn vành vạnh như chiếc nón bài thơ em đội đầu”. Và lời bài hát phỏng từ bài thơ của nhạc sĩ Sơn Tùng đã ra đời, thêm phần âm nhạc đậm chất dân ca miền Trung ngọt ngào, từ khi ra đời đến giờ đã 38 năm, ca khúc “Gửi em chiếc nón bài thơ” đã được nhiều thế hệ ca sĩ tên tuổi thể hiện, trở thành ký ức đẹp đẽ của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Ca khúc thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Lê Việt Hòa sở dĩ có được chỗ đứng lâu bền trong lòng khán giả âm nhạc bởi nó thấm đẫm tình cảm yêu thương của ông dành cho vợ con suốt một thời gian dài gia đình phải ly tán vì chiến tranh. Lời hát “Nước dưới sông có khi đầy khi cạn, trăng trên trời khi tỏ khi mờ, tình đôi ta từ bấy đến giờ vẹn tròn như chiếc nón bài thơ, anh tặng em”… là những ước mong của nhạc sĩ về tình yêu vẹn tròn của ông và vợ.
Trong cuộc đời mình, nhạc sĩ Lê Việt Hòa sáng tác nhiều ca khúc, trong đó, các tác phẩm mang âm hưởng dân ca thành công hơn cả như: “Gửi em chiếc nón bài thơ”, “Gửi sông La” (phỏng thơ Hoàng Thị Minh Khanh), “Rừng Hà Tuyên quê em”, “Cô gái Na Hang”, “Đón anh về hội xuân”, “Nhớ xứ Đoài”, “Đợi anh”, “Về lại làng xưa”, Lá diêu bông (phỏng thơ Hoàng Cầm)…
Vĩnh biệt người nhạc sĩ đã mang câu hát về chiếc nón bài thơ xứ Nghệ đến với tình yêu âm nhạc của người dân cả nước, tâm tình của ông với những tác phẩm âm nhạc chắc chắn sẽ còn ở mãi với cuộc đời.