Yêu nhạc Trịnh - điều đó không có gì đáng ngạc nhiên bởi đến thế giới cũng phải ngưỡng mộ tài năng của người nghệ sỹ ấy. Không thích nhạc Trịnh - điều đó cũng chẳng ảnh hưởng đến ai và cũng chẳng ai đánh giá bạn là người không biết thưởng thức âm nhạc. Nhưng lớn tiếng nói nhạc Trịnh ảnh hưởng xấu đến thần kinh người nghe thì cũng cần phải cân nhắc lại.
Đó chính là kết luận của một vị đạo diễn cũng khá nổi trong làng phim ảnh Việt. Anh cũng đưa ra những lý lẽ cụ thể để chứng minh cho điều mình đúc kết được. Nói đến Đoàn Quang Anh Khanh hay Anh Khanh thì trong làng giải trí chẳng ai xa lạ gì. Vì cái tên này từng gây ra nhiều vụ nổi đình đám. Hơn thế nữa, đây cũng là một con người có thể nói là rất “lập dị” nhưng đa năng (đạo diễn sân khấu, bầu show ca sỹ và nhạc sỹ…).
Năm 2010, đạo diễn “quái chiêu” này tái xuất làng nghệ sau nhiều năm vắng bóng bằng một bộ phim truyện nhựa mang tên Tình cha. Anh Khanh lại xuất hiện bằng một kiểu “không giống ai” khi đứng tên là nhà sản xuất, kiêm đạo diễn và nhiều vai trò khác như tác giả kịch bản, thực hiện phần âm nhạc cho phim và đặc biệt là thủ diễn vai chính trong phim – vai người cha. Bộ phim này gây ồn ào vì những điều tiếng đôi co giữa anh và diễn viên Trương Minh Cường. Anh Khanh cho rằng Minh Cường không tôn trọng vai diễn, thiếu ý thức nghề nghiệp nên đã cắt vai của diễn viên này. Cuộc khẩu chiến của hai người cũng ầm ĩ báo chí một thời gian mới nguội.
Mới đây, trong một bài viết trên trang báo, vị đạo diễn này đã đưa ra nhiều luận điểm, chứng cứ để kết luận rằng nhạc Trịnh làm con người ta an phận, nhu nhược.
"...Thử mà xem, không có một thứ âm nhạc nào trên thế giới mà cứ sầu, bại, sụi… như ở ta đây. Mà cây cổ thụ trong khoảnh vườn âm nhạc buồn bã này không ai khác chính là Trịnh Công Sơn – thiên tài âm nhạc của biết bao nhiêu con người yếu đuối. Với tư tưởng hẹp hòi ích kỷ, không biết yêu cuộc sống, nên luôn cổ súy cho những lời ca do ông viết ra..."
"...Nghe những ca từ của Trịnh là muốn đi ngủ rồi còn tinh thần đâu nữa mà sống..."
"Hãy tưởng tượng, một thanh niên 20 tuổi mà nghe và yêu cái kho nhạc với những tư tưởng kiểu Trịnh, thì thanh niên đó sẽ hình thành nhân cách như thế nào?Thế giới quan và nhân sinh quan của thanh niên đó ra làm sao? Trước khi đi học hay đi làm mà được nghe "…Người nằm co như loài thú khi mùa đông về. Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình… Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này…? (Phúc âm buồn) thì còn nhuệ khí đâu nữa mà đi làm, mà đi học?"
"Thật tình mà nói, Trịnh Công Sơn thần thánh hay thiên tài âm nhạc kiểu gì, mà từ ngày tôi có trí khôn đến nay, tôi chẳng thấy nước nào trên thế giới mà tôn vinh âm nhạc của ông cả! Nếu không tin cứ thử vào google sợt tên Trịnh Công Sơn mà xem, chẳng có trang nước ngoài nào nói về Trịnh cả, chỉ một album Da Vàng bán khá chạy ở Nhật trước năm 75 (đây là một ghi nhận).
Nhưng theo tôi, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài năng thì đúng hơn (chỉ của riêng Việt Nam mà thôi)… Chứ chẳng phải triết gia hay thánh nhân gì cả, những tư tưởng của người viết ra trong âm nhạc là những tư tưởng góp nhặt nửa vời trong các tôn giáo mà có... Trên thực tế, ở nước ta không thiếu những nhạc sĩ tài hoa mà phải sùng bái cá nhân như vậy?! Thử lược lại, mổ xẻ mà xem, chúng ta đáng tự hào vì có rất nhiều nhạc sĩ viết tốt về cả giai điệu lẫn ca từ, và chắc chắn tư tưởng thì thoáng đãng và trượng phu hơn bác Trịnh nhiều…"
"Những gì tôi nói ra đây không có ý hạ bệ Ông Trịnh Công Sơn, mà chỉ đánh giá lại giá trị thực của sự sùng bái về ông và chia sẻ một góc nhìn khác mà thôi! Trịnh là một tài năng, một triết gia, một thiên tài âm nhạc hay một nhân vật quảng cáo miễn phí cho các hãng thuốc lá???… điều này rốt cuộc cũng không quan trọng lắm. Nhưng thiết nghĩ, những tư tưởng và giai điệu ủy mị kiểu Trịnh có đáng để "thờ” hay không? Sự sùng bái thiếu tư duy của một bộ phận, đôi khi là một áp đặt vô hình cho con em chúng ta, đám trẻ như bị dẫn đường về những gì mà ông Trịnh viết ra là chân lý, là đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam?…
Tính hệ lụy của nó làm góp phần tạo nên thói quen lười tư duy, không dám phản biện trong giới trẻ… và dần dần hình thành một thói quen đặc trưng, ăn sâu vào con em chúng ta là chết… Bởi vì thói quen này sẽ tạo ra một kiểu người an phận, hèn, nhu nhược...! Tôi cũng chỉ muốn nói lên chính kiến của mình để mong có nhiều góc nhìn cho mọi người, cho xã hội ngày càng có nhiều người dám nói lên chính kiến của mình, để xây dựng xã hội của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn…
Chúng ta nên nghe những gu âm nhạc hoan hỉ, giai điệu tươi sáng hơn… và mong lắm đất nước ta ngày một đẹp hơn, giới trẻ luôn tư duy và hiểu biết thật sự… sự thật về chân thiện mỹ, chứ đừng để ba đám mồm mép, ba hoa, ba phải mị mãi, và mong lắm sớm không còn thấy cảnh "…Những mặt đường nằm câm, những mặt người buồn tênh. Sóng đong đưa linh hồn, đám rong rêu xếp hàng…(như những dòng người đang bị kẹt xe)…”