10 năm đi tìm một câu hát đã mất
Năm 1980, nhạc sĩ An Thuyên được giao nhiệm vụ viết vở nhạc kịch về Trương Chi, Mỵ Nương trên cốt truyện của truyền thuyết. Tuy nhiên, sau khi ông hoàn thành, vì nhiều lí do nên vở nhạc kịch không được dàn dựng như kế hoạch ban đầu. Thời buổi cuộc sống khó khăn, cộng với những rối ren trong cuộc sống khiến ông để tác phẩm nhạc kịch ấy bị thất lạc.
Ông còn nhớ, ông đã dành rất nhiều tâm huyết cho đứa con tinh thần ấy, vì Tiếng hát Trương Chi là một tác phẩm văn học dân gian mà ông rất thích. Đỉnh điểm cảm xúc là đoạn, khi Trương Chi tìm đến Mỵ Nương để tỏ tình và bị từ chối. Chàng đành trở về bến sông trong tột cùng của sự đau đớn, tủi hờn. Rồi chàng định gieo mình xuống dòng nước mà quyên sinh.
Câu thơ “Cắt nửa vầng trăng/ Chặt đôi câu thơ/ Bẻ đôi câu thơ...” là để diễn tả sự bi phẫn, giận giữ, dồn nén của một khối tình si khi bị từ chối, khước từ. Khi tập bản thảo bị mất đi, tất cả mấy chục trang giấy chỉ còn sót lại mỗi câu thơ “Cắt nửa vầng trăng”. Nó ám ảnh ông với đầy tiếc nuối, day dứt. Nhưng phải đến 17 năm sau, ông mới viết ra được trọn vẹn những ca từ về "em và tôi" ấy.
Tác giả của những tình khúc đậm chất dân ca thâm trầm: "Đã có lúc tôi thấy mình giống chàng Trương Chi”. Vì cũng một đời đi tìm Mỵ Nương, đi tìm tình yêu. Nói thế bởi giai điệu thấm đượm chất ca dao ấy, ông có đuợc là bởi luôn có một nàng Mỵ Nương nào đó dẫn đuờng, chỉ lối. Như thế ông mới có thể đến được với cảm xúc, âm nhạc.
Ở tuổi 60, nhạc sĩ An Thuyên vẫn có những giai điệu thật đẹp về tình yêu. Tôi hỏi vui ông: "Hẳn là tâm hồn nhạc sĩ An Thuyên vẫn còn đầy đam mê lắm cho nên âm nhạc vẫn còn tha thiết, đắm say đến vậy?". Ông cười tươi như để thay cho câu trả lời mà mình không muốn nói ra. Nếu để ý, sẽ thấy, xuyên suốt trong âm nhạc của ông là những cuộc đi tìm. Từ “Ca dao em và tôi”, đến “Neo đậu bến quê”, “Huế thương” và sau này là “Dương cầm thu không em”, luôn luôn thấy ông đi tìm một người con gái nào đó, vừa như gần gũi vừa như xa xôi.
Tình ca mặt trời - Khúc ca của một tình yêu kì diệu
“Tình ca mặt trời” vốn là một bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường. An Thuyên nhớ lại: "Lần đầu tiên đọc bài thơ trên báo, tôi đã thốt lên: Thôi chết rồi, thơ này đọc lên là có nhạc rồi! Rồi không dám đọc tiếp nữa, vì lúc ấy đang ở ngoài đường, sợ nhạc ra rồi mà không có gì ghi lại thì quên mất. Thế là tức tốc đạp xe về trường, ngồi một mình trong phòng làm việc và viết liền mạch xong trọn bài hát".
Tình ca mặt trời cũng là bài thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tặng vợ mình - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Lâm Thị Mỹ Dạ vốn là một nhà thơ nữ nổi tiếng xinh đẹp. Bà cũng là tác giả của những vần thơ nổi tiếng như “Khoảng trời và hố bom”, “Truyện cổ nước mình”. Vẻ đẹp của một nữ thi sĩ Huế với gương mặt thanh tú, nụ cười ngọt ngào khiến vị nhạc sĩ trẻ không tránh khỏi những xúc cảm rung động. (Sau này An Thuyên cũng gặp và yêu rồi lấy một cô gái Huế làm vợ. Người đã đi cùng ông qua nhiều năm tháng buồn vui trong cuộc đời cho đến ngày hôm nay. Xứ Huế cũng là nơi chắp cánh cho nhiều ca khúc của ông như một thứ duyên kì lạ).
An Thuyên kể, sau khi phổ nhạc bài thơ, ông vào Huế gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường và nghe được nhiều giai thoại về cuộc đời của cặp đôi nổi tiếng trong làng thơ Việt Nam này. Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ vốn cảm mến tài năng mà đến với nhau rồi thành vợ, thành chồng. Ban đầu cuộc hôn nhân của họ chưa thực sự có sự hoà hợp trong cuộc sống đời thường.Và với cuộc sống chung, khi cái tôi nghệ sĩ của mỗi người quá lớn, họ đã thiếu sự thông cảm cho nhau. Cuộc hôn nhân của họ vì thế sớm rơi vào bi kịch. Lâm Thị Mỹ Dạ lúc đó vốn là một cô gái xinh đẹp, tài năng, lại con nhà có học nhưng ngược lại bà không biết đến bếp núc là gì.
Cuộc sống vốn quen sự chiều chuộng của bố mẹ nên đến lúc có gia đình, bà vẫn chưa thể quen với việc làm vợ, làm mẹ. Cho đến một ngày, cơn bạo bệnh của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã biến Lâm Thị Mỹ Dạ trở thành một con người hoàn toàn khác. Dường như chỉ đến lúc đó, họ mới thực sự yêu và hiểu nhau hơn. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết “Tình ca mặt trời” trong những ngày ông nằm liệt giường, bên sự chăm sóc và lo lắng tận tình của vợ. ông tự ví mình với Lâm Thị Mỹ Dạ giống như mặt trăng và mặt trời, đối xứng nhau, mâu thuẫn nhau nhưng không thể thiếu nhau trong cuộc đời.
Trăng cung đình, cảm hứng tình si của Phùng Quán
Trong cuộc đời mình, nhạc sĩ An Thuyên có rất nhiều người bạn đặc biệt. Nhà thơ Phùng Quán là một trong số ấy. Sinh thời, Phùng Quán là một con người đa sầu, đa cảm. Ông cũng nổi tiếng với những mối tình si. Chính những mối tình đơn phương đã mang đến cho ông những vần thơ đẫm lệ bất tử. Một trong những mối tình được kể lại nhiều nhất của Phùng Quán là mối tình với một nữ nhà thơ người Huế có cái tên rất đẹp: Hà Khánh Linh.
Hà Khánh Linh vốn là một mỹ nhân trong làng thơ Huế lúc bấy giờ. Phùng Quán gặp bà là lúc ông đang chán ngán và bất mãn sau "sự cố" Nhân văn - Giai phẩm. Bỏ lại Hà Nội phồn hoa, Phùng Quán tìm đến Huế rồi gặp Hà Khánh Linh như một định mệnh. Tuy nhiên, Hà Khánh Linh chỉ đáp lại tấm tình si của Phùng Quán bằng sự mến mộ, kính trọng mà không hề có lòng yêu đương. Bạn bè thường kể lại chuyện Phùng Quán mỗi đêm đều ngồi dưới hiên nhà Khánh Linh để làm thơ. Và đó là chuỗi ngày mà những vần thơ hay nhất của ông ra đời (trong đó có bài thơ “Trăng cung đình”, đã được nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc - PV). Những vần thơ bên cạnh một tình yêu cháy bỏng còn là nỗi cô đơn của một trái tim không được đền đáp bởi một trái tim.
Chính Hà Khánh Linh trong những lần hội ngộ cùng bạn bè sau này đã thừa nhận, dù không yêu nhưng những tháng ngày bên cạnh Phùng Quán là những tháng ngày bình yên nhất của cuộc đời mình. Bởi sau đó bà đã vội vàng đến với một cuộc hôn nhân bất đắc dĩ và bắt đầu chuỗi ngày sóng gió, bi kịch nhất. Hiện tại, nữ thi sĩ sống một mình ở Huế cùng đứa cháu gái và một mối tình đặc biệt ít thấy trong thi ca.
Trong một lần ghé thăm Huế, nhạc sĩ An Thuyên hỏi vui về người tình bí mật trong cuộc đời bà. Không ngần ngại, người đàn bà cá tính ấy đã thừa nhận về người tình duy nhất trong cuộc đời của mình đó là... vua Tự Đức. Với bà, đó là một mối tình ảo vọng nhưng luôn thủy chung và say đắm. Mặc dầu vậy, bóng dáng của bà trong những bài thơ của Phùng Quán cũng đã giúp thơ ca cuộc đời đẹp hơn rất nhiều.