NHẠC » Tin tức

Những giọng ca lệch pha với ngoại hình (P2)

Thứ tư, 25/04/2012 13:44

Tuy không sở hữu nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành nhưng những cái tên này đã làm nóng biết bao diễn đàn, mặt báo thời gian qua.

Hà Trần

Cùng với Mỹ Linh, Thanh Lam và Hồng Nhung, Hà Trần được công chúng đánh giá là diva nhạc nhẹ của Việt Nam. Hà Trần sinh năm 1977, trong một gia đình nghệ sĩ, cha là ca sĩ, NSND Trần Hiếu, mẹ là nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Huyền - nguyên trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia), chú là nhạc sĩ Trần Tiến. Anh trai cô đi theo đi theo nghiệp hội họa.

Hà Trần là một trong những Diva "lặng lẽ" nhất của nhạc Việt

Khởi đầu, Hà có chất giọng mỏng, thiếu cá tính, hát dễ phô do đó, bố mẹ cô không muốn cô theo nghiệp ca hát. Cô học múa ở Cung thiếu nhi Hà Nội từ khi 6 tuổi. Năm 8 tuổi, cô bắt đầu học piano. Cho đến khi 10 tuổi thì cô lại thi vào hệ sơ cấp thanh nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc, cô lại tiếp tục theo học và tốt nghiệp hệ Đại học khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội vào năm 2000.

Hà Trần được coi như minh chứng cho sự rèn luyện chăm chỉ bởi xuất phát điểm Hà Trần sở hữu chất giọng mỏng, phô và thiếu cá tính.

Hà Trần trở thành tấm gương cho sự nỗ lực và  yêu nghề mãnh liệt.

Trải qua nhiều năm tập luyện và rèn giũa, giọng hát của Hà đã có nhiều tiến bộ.

Cô bắt đầu nhận được những giải thưởng đầu tiên: Giải trẻ triển vọng cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 1993; Giải nhất cuộc thi tiếng hát học sinh, sinh viên toàn quốc 1994; Huy chương vàng cuộc thi đơn ca các trường nghệ thuật toàn quốc 1994; Giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ Tiếng hát Vàng Anh do công ty Horitro (Nhật Bản) tổ chức năm 1995; Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho ca sĩ thể hiện xuất sắc nhất tác phẩm âm nhạc của Hội năm 1996. Năm 1998, cô bắt đầu đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp.

Năm 2004, Trần Thu Hà kết hôn với một Việt kiều và chuyển sang sinh sống tại Mỹ nhưng chị vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong một  vài sự kiện âm nhạc tại Việt Nam.

Tùng Dương

Với giải thưởng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn từ cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn 2004, Tùng Dương nổi lên như một giọng hát mới, lạ cho nền âm nhạc nước nhà. Tùng Dương được biết đến như là một nghệ sĩ tìm tòi, thể nghiệm những thể loại âm nhạc mới, như electronic và New Age.

Mặt khác, anh cũng chịu sự chỉ trích từ một bộ phận công chúng vì phong cách biểu diễn và trang phục khác thường. Tùng Dương thể hiện nhiều thể loại khác nhau, trong đó có pop, jazz, dân gian đương đại, New Age, electronic, world music và cả những sáng tác nhạc cách mạng, nhạc tiền chiến và tình khúc 1954-1975.

Tùng Dương là cháu của cố nhạc sĩ Trần Hoàn

Giọng hát và phong cách của Tùng Dương chịu nhiều ảnh hưởng từ những ngôi sao như Thanh Lam, Whitney Houston, Peter Gabriel, Bjork... Anh cũng yêu thích và chịu ảnh hưởng lớn từ nhạc jazz, dù sự thử nghiệm của Tùng Dương đối với jazz vẫn chưa nhiều.

Tùng Dương có chất giọng tenor, nhưng vẫn mang màu sắc của giọng baritone. Đây được xem là cơ sở để anh thể hiện nhiều sắc thái của giọng hát. Tùng Dương không đóng đinh vào một thể loại cố định mà theo đuổi nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, như jazz, pop, dân gian đương đại (như... Chạy trốn), New Age (Những ô màu khối lập phương), electronic (Li ti), world music, cho đến cả nhạc cách mạng và nhạc xưa (nhạc trữ tình trước năm 1975).

Những ca khúc mà anh thể hiện trong cuộc thi, phần lớn là các sáng tác mang phong cách dân gian đương đại của Lê Minh Sơn, đã được anh đưa vào album đầu tay mang tên Chạy trốn (2004). Sau khi tạm dừng hát nhạc Lê Minh Sơn, Tùng Dương có những thử nghiệm với sáng tác của các nhạc sĩ khác như Ngọc Đại, Như Huy, Giáng Son, Lưu Hà An... và tham gia hai chương trình Vọng Nguyệt của nhạc sĩ Quốc Trung cùng Gió bình minh của Đỗ Bảo.

Tiếp tục cộng tác với Đỗ Bảo, Tùng Dương cho ra mắt album thứ hai, Những ô màu khối lập phương (2007), album với nền hòa âm New Age đã giành chiến thắng ở hạng mục Album của năm trong Giải Cống Hiến 2007.

Album thứ ba của Tùng Dương theo phong cách âm nhạc điện tử trên nền nhạc giao hưởng, Li ti (2010), được thực hiện với sự cộng tác của nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam và ê-kíp ở Đức, đã giúp anh nhận hai giải Ca sĩ của năm và Album của năm ở Giải Cống Hiến 2010.

Anh còn giành được thành công ở chương trình Bài hát Việt với những ca khúc chiếm thứ hạng cao do anh biểu diễn, đặc biệt hai ca khúc quán quân năm 2007 ("Con cò") và 2009 ("Đồng hồ treo tường"). Những chương trình biểu diễn chung gần đây của anh với Thanh Lam, Lê Cát Trọng Lý và Nguyên Lê cũng giành được sự chú ý của báo giới và công chúng.

Hà Linh

Từng đoạt giải Nhất phong cách nhạc nhẹ Sao Mai 2007, được đặc cách vào Sao Mai - Điểm hẹn 2008, nhưng Hà Linh phải dừng cuộc chơi giữa chừng vì không tuân thủ kỷ luật của BTC và vì... ăn mặc quá gợi cảm. Trước đó Hà Linh từng đoạt giải nhất cuộc thi " Giọng hát trên sóng FM"; Giải 3 Liên hoan tiếng hát học sinh - sinh viên toàn quốc năm 2006; Giải 3 giọng hát vàng sinh viên 2007 và một số giải trong các cuộc thi nhỏ ở Hà Nội.

Hà Linh có tố chất của người nghệ sĩ, tư duy âm nhạc khá tốt tuy nhiên cô lại chọn đi theo con đường tại Học viện Quan hệ Quốc tế, mặc dù người thân của cô trong gia đình đều hoạt động trong ngành nghệ thuật.

Sở hữu giọng hát đẹp cùng tư duy âm nhạc khá tốt, Hà Linh thành công ở nhiều cuộc thi hát

Có thể Hà Linh không gây ấn tượng được với khán giả qua bề ngoài nhưng khi nghe cô hát, khán giả bị chinh phục hoàn toàn bởi lối hát bản năng, đầy xúc cảm và phong cách trình diễn ấn tượng. Mặc dù là người ngoại đạo nhưng Hà Linh lựa chọn bài hát khá kén người nghe, từ Dệt tầm gai, Đá trông chồng đến Cỏ và mưa. Từ trường hợp của Hà Linh chứng tỏ một điều: Người nghiệp dư có thể tập luyện để trở thành ca sỹ chuyên nghiệp.

Phương Thanh

Sinh ra tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình có 7 người con. Năm cô lên 6, cả gia đình dắt nhau vào Sài Gòn sống tiếp một đoạn đời thơ ấu chật vật. Năm 13 tuổi, bố cô mất, gia đình đã bị lâm vào cảnh túng quẫn, lúc ấy đang học trường cấp 3 Lê Quý Đôn, cô nằng nặc đòi mẹ cho đi thi thời trang, ca nhạc.

Hễ có cuộc thi nào mở ra là cô hăng hái ghi tên tham gia hy vọng đạt giải thưởng để có tiền cải thiện kinh tế gia đình. Mãi đến cuối năm 1991, sau bao phen lận đận Thanh mới được một người quen hoạt động trong phong trào thanh niên giới thiệu gia nhập câu lạc bộ ca sĩ trẻ Nhà văn hóa Lao động.

Phương Thanh là một cô gái gốc Bắc chính hiệu

Yêu thích ca hát và từng ước mơ trở thành ca sĩ nhưng ở thời của Phương Thanh muốn làm ca sĩ không phải dễ. Để tiến gần đến con đường âm nhạc Phương Thanh đã tham gia nhiều cuộc thi về âm nhạc nhưng cô đều không hề có duyên với giải thưởng. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của những người đi trước như nhạc sĩ Nguyễn Nam, Bảo Phúc, Phương Thanh đã trở thành ca sĩ nổi tiếng.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, con đường âm nhạc cũng như cuộc sống của Phương Thanh đã trải qua nhiều thăng trầm

Rồi từ đó lần lần có show hát đám cưới quanh các nhà hàng quận 5, kinh tế được cải thiện đôi chút nhưng hoàn toàn vô danh. Lúc ấy, Thanh hát như một chiếc cát-sét thu sẵn, vô ý thức, chẳng chọn lựa thể loại, phong cách gì cả: cô hát Tình yêu thủy thủ, Midnight man xen lẫn với dân ca ba miền và nhạc trữ tình.

May thay khi gia nhập Tam ca Sao Đêm, tình cờ thanh "lọt mắt xanh" nhạc sĩ Bảo Phúc, và từ thời điểm đó (1993) tại vũ trường Phương Đông, được sự dìu dắt tận tình của Bảo Phúc về mọi mặt (phong cách, trang phục, kỹ thuật), Thanh mới dám quyết định đi theo con đường chuyên nghiệp.

Giản dị, chân thành, cô hát như thể giải bày, để tâm sự, không quần áo đẹp, không son phấn, tiếng hát cô như càng quyến rũ hơn bởi ngọn lửa hừng hực đam mê toát ra từ bên trong.

Cô sở hữu một giọng khàn khó nhưng rất cao. Chính vì chất giọng đặc biệt và hiếm hoi này đã giúp Phương Thanh đạt được ước mơ của mình. Nếu để ý kĩ thì mỗi khi cô hát đến đoạn cao trào hay điệp khúc cô thường kéo cái micro thật xa ra để điều chỉnh biên độ âm thanh. Phương Thanh đã thẳng thắn thừa nhận như thế khi có nhiều người chê giọng hát của mình cứ như bị hỏng dây thanh.

Một thời gian sau, Thanh mới tự tìm thấy hướng đi riêng cho mình: cô rất hợp với lối hát rock dữ dội, hết mình, không luyến láy ngân nga. Cùng với thời gian, vẻ đẹp của chất giọng khàn đã dần chinh phục cả những người khó tính nhất bởi cái nồng đượm thấm thía của Giã từ dĩ vãng, cái chân thật đến say lòng của Trống vắng, cái hồn nhiên như lửa cháy bất thần của Tình cờ.

Chẳng theo một khuôn phép nào cả, Thanh luôn làm cho người xem bất ngờ bởi vẻ "phá cách" của một tính cách "nổi loạn" trẻ trung và bạo liệt.  cô hấp dẫn chính bởi vẻ ngoài không giống ai, bởi giọng hát không của mình.

Uyên Linh

Sau khi chiếm ngôi vị quán quân Vietnam Idol 2010, cô ca sĩ trẻ Uyên Linh của Học viện ngoại giao Việt Nam đã trở thành một hiện tượng âm nhạc Việt. Uyên linh chiếm được cảm tình của khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Chẳng vì thế mà cô được tung hô như một diva nhạc Việt, sánh ngang với các ca sĩ gạo cội Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà.

Uyên Linh rất giản dị trong cuộc sống thường ngày

Khi Uyên Linh vừa đăng quang trong cuộc thi Vietnam Idol 2010, công chúng đã tung hô và đưa cô lên mây khi đặt niềm tin: Uyên Linh chính là diva thứ 5 của làng nhạc Việt. Sở hữu một chất giọng đẹp, giàu cảm xúc và đầy nội lực, cô gái đến từ học viện ngoại giao đã rất được kỳ vọng sẽ thu hút được một bộ phận giới trẻ đang quay lưng lại với nhạc Việt.

Uyên Linh trên sân khấu Vietnam Idol 2010

Uyên Linh - kẻ ngoại đạo thành danh tại showbiz Việt

Mặc dù Uyên Linh không có lợi thế về ngoại hình nhưng ở thời điểm đó, Uyên Linh thực sự đã làm cho công chúng phải “phát cuồng”. Không chỉ được đánh giá cao ở những ca khúc Pop sâu lắng, da diết, tràn ngập cảm xúc.

Uyên Linh còn khiến người nghe “phát điên” với những ca khúc nhạc nhanh sôi động và “phát điên” với cái cách mà Uyên Linh làm ca khúc trở nên quyến rũ. Uyên Linh không chỉ thôi miên khán giả bằng giọng hát mà còn biết trình diễn bài hát một cách rất duyên dáng. Thực sự cái tên Uyên Linh đã làm nóng biết bao diễn đàn, mặt báo trong thời điểm ấy.

2Sao