NHẠC » Tin tức

Những lỗ hổng đáng ngại khi xem The Voice Kids

Thứ năm, 13/06/2013 16:42

Chương trình vừa không thể đào đâu ra những ca khúc tiếng Việt phù hợp cho lứa tuổi thiếu niên biểu diễn vừa gặp khó trong việc tìm con đường tỏa sáng lâu dài cho các tài năng nhí.

Qua 2 đêm phát sóng, Giọng hát Việt nhí nhận được những hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ, khán giả đến mấy ngày hôm sau vẫn truyền tai nhau về cô bé lai Ý hay Phương Mỹ Chi với khúc dân ca ngọt ngào - Quê em miền nước lũ.. Thế nhưng, từ cuộc chơi này, chúng ta có quá nhiều điều cần nhìn lại.

Thiếu trầm trọng các ca khúc dành cho thiếu nhi

Khán giả cho rằng các bé hát tiếng Anh quá nhiều, và điều này hoàn toàn không ổn. Khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng câu hỏi lớn cần được giải đáp lại gần như bị bỏ quên, chính là nếu hát tiếng Việt, các em nhỏ sẽ hát bài gì?

Đến tận bây giờ, nếu nói đến nhạc thiếu nhi, công chúng vẫn sẽ kể vanh vách những "hit" mà sự tồn tại của nó lớn hơn hẳn các cháu bé tham gia The Voice Kids, nhưng các ca khúc vào thập niên 90 ấy chỉ đủ để thể hiện cho mọi người thấy bé biết hát, còn khả năng bé đến đâu, thì nhạc Việt Nam chúng ta tìm kiếm nơi nào? Mẹ yêu không nào, Cháu lên ba, Vườn cây của ba, Chú voi con ở bản Đôn... sẽ là những ca khúc không thể nào quên, nhưng đã cũ quá rồi, và gần như suốt hơn 1 thập niên qua, chúng ta bỏ quên luôn mảng "nhạc thiếu nhi" ở một góc nào đó, không biết!

Cô bé lai Ý Chiara Falcone và Phương Mỹ Chi là những thí sinh gây ấn tượng nhất ở tập thứ 2.

Việc lựa chọn các ca khúc Tiếng Anh gần như là một lựa chọn an toàn với các thể loại, bởi vì, nếu trong đó có "anh yêu em" hoặc "đau khổ tận cùng", thì chúng ta cũng không thấy quá nặng nề khi phát ra từ một giọng ca non trẻ. Chính vì thế, đừng trách cứ "bọn trẻ con sính ngoại", mà hãy hy vọng rằng, nhờ cuộc chơi này, các tài năng nhí sẽ khơi dậy được một thời nhạc thiếu nhi được chú trọng khi xưa. Biết đâu, sang năm sau sẽ có lượng ca khúc mới đủ để các em khoe giọng, và nội dung thì phù hợp cho từng lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Mịt mù tương lai cho các tài năng đoạt giải

Nếu không nhắc đến Đồ Rê Mí, sân chơi dành cho lứa tuổi 5 đến 9 thì The Voice Kids (lứa tuổi 9 - 15) gần như là sân chơi hiện đại mang tính thực tế dành cho thiếu niên duy nhất hiện nay. Từ đó, chúng ta chợt ngỡ ngàng nhận ra "à, thì ra Việt Nam có nhiều nhân tài ca hát đến vậy", vậy mà sao đến tận bây giờ, chúng ta mới được nghe, được biết và cảm nhận.

Nhưng quan trọng hơn điều đó, là sau khi có những giây phút tận hưởng cảm xúc, đam mê thì các tài năng này sẽ đi về đâu? Có sự khai thác hoặc đầu tư thế nào để nuôi dưỡng nguồn nhân tài này, hay các bé sẽ phải đợi lớn lên một chút, đi thi các cuộc thi có tính chất tương tự khác - như The Voice chẳng hạn? Sự phát triển quá bát nháo của âm nhạc trẻ Việt hiện nay khiến khán giả gần như quay lưng, và nếu để tình trạng quay lưng này kéo dài, thì âm nhạc Việt đến bao giờ khởi sắc?

Bộ tứ quyền lực của The Voice Kids.

Nếu ở các nước tân tiến khác, như Hàn Quốc chẳng hạn, các gương mặt trẻ này sẽ được các công ty đào tạo chuyên nghiệp đỡ đầu, và hướng dẫn các em luyện tập, giữ gìn vóc dáng, thanh quản để phục vụ cho đam mê, nghề nghiệp sau này, tất nhiên, vẫn đảm bảo vấn đề học văn hóa. Vậy thì ở Việt Nam, đằng sau các cuộc thi phải chăng sẽ là một... cuộc thi khác? Chỉ cần nhìn qua một loạt các thí sinh nhỏ tuổi từng góp mặt ở Đồ Rê Mí, Got Talent... nay lại xuất hiện ở The Voice Kids, sẽ không mấy ngạc nhiên khi vài năm sau, những gương mặt này đủ tuổi để thi The Voice và Vietnam Idol. Để thành danh, chỉ có thể là đi thi?

Các sân khấu dành riêng cho thiếu nhi không thiếu, nhưng lại không được đầu tư phát triển nhiều, vì thế các cháu có đam mê và khả năng ca hát phải thật loay hoay lọ mọ.

Cách đây gần 20 năm, các nhà thiếu nhi là lựa chọn số 1, và đúng là nơi đó có khả năng hun đúc tài năng. Khá nhiều ca sĩ hiện tại bước ra từ nhà thiếu nhi trong giai đoạn đó, như HLV The Voice Kids Hiền Thục. Nhưng các năm về sau thì việc nuôi dưỡng này đuối dần, và đến nay gần như không còn dấu vết. Các em nhỏ không có ngôi sao của riêng mình, không có Xuân Mai, Quang Vinh hay là Duy Uyên... Thật không dám tưởng tượng, với chiều hướng thế này, thì 20 năm sau, chẳng lẽ thiếu nhi chúng ta không thể sống với đam mê dẫu đã được phát hiện từ rất sớm?

Hiền Thục từng là một sao nhí trước khi thành danh như hiện tại.

Tạm kết

The Voice Kids đã có những điểm nhấn ấn tượng trong hai tuần phát sóng vừa qua: huấn luyện viên đủ hài hước, đủ dịu dàng và cũng đủ tinh tế, thí sinh đa dạng và tạo được sự yêu thích trong lòng công chúng.

Thế nhưng, qua “cuộc chơi” này, chợt nhận ra, chúng ta đã bỏ qua quá nhiều sự chăm chút cho một thế hệ tương lai của âm nhạc Việt.

Theo Infonet.vn