NHẠC » Tin tức

Những scandal đạo nhái gây 'náo loạn' Vpop 2014

Thứ sáu, 26/12/2014 16:56

Không thể phủ nhận “đạo nhái” đang là một trong những từ khóa nổi bật nhất làng nhạc Việt trong năm 2014 vừa qua.

Sơn Tùng M-TP và vụ đạo nhạc lớn nhất lịch sử Vpop

Có thể nói, Sơn Tùng M-TP là cái tên tốn nhiều giấy mực nhất của giới truyền thông khi anh liên tục gắn với các scandal đạo nhạc. Hầu hết những ca khúc gây bão của anh như Cơn mưa ngang qua, Nắng ấm xa dần, Em của ngày hôm qua… đều bị khán giả “bắt bài” và chỉ ra điểm trùng hợp với các ca khúc Kpop. Tháng 10/2014, Sơn Tùng M-TP ra mắt ca khúc Chắc ai đó sẽ về, nhạc phim Chàng trai năm ấy.

Thu về 23 triệu lượt nghe chỉ sau 5 ngày xuất hiện, chàng ca sĩ trẻ chưa kịp tận hưởng thành công đã lập tức vấp phải nghi án đạo nhạc. Những điểm tương đồng giữa Chắc ai đó sẽ về với Because I Miss You của nam ca sĩ Hàn Quốc Jung Yong Hwa bắt đầu bị đưa ra ánh sáng. Nhưng đó mới là điểm khởi đầu cho rất nhiều giông tố mà có lẽ Sơn Tùng chẳng thể nào quên được.

Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển của Vpop phải chứng kiến câu chuyện đạo nhạc nhiều rắc rối, ồn ào như vụ việc của Sơn Tùng M-TP. Các nhạc sĩ tên tuổi bắt đầu vào cuộc và chia làm hai thái cực: một bên bênh vực, một bên phản bác việc Sơn Tùng có đạo nhạc hay không? Rất nhiều lý lẽ được đưa ra, những tuyên bố “gây sốc” được gửi đến công chúng nhưng cuối cùng vẫn không tìm được tiếng nói chung.

Thậm chí, vụ lùm xùm này còn nổi tiếng khắp xứ sở kim chi, nếu fan Kpop tố Sơn Tùng M-TP là “kẻ cắp” thì người đại diện công ty quản lý ca sĩ Jung Yong Hwa lại gửi thư điện tử xác nhận Chắc ai đó sẽ về không phải ca khúc ăn cắp bản quyền. Sự việc tưởng chừng đã có lời giải nhưng hội đồng thẩm định âm nhạc ở Việt Nam cuối cùng vẫn kết luận ca khúc của Sơn Tùng M-TP phải đổi beat nhạc nếu muốn Chắc ai đó sẽ về được biểu diễn công khai. Và ngày 21/12 vừa qua, Sơn Tùng cùng ê kíp sản xuất Chàng trai năm ấy đã cho ra mắt MV Chắc ai đó sẽ về với beat hoàn toàn mới.

Đông Nhi 3 lần dính scandal đạo nhái

Đông Nhi thuộc hàng ca sĩ trẻ chăm chỉ nhất Vpop khi liên tục ra mắt các sản phẩm âm nhạc mới trong năm 2014. Không ai có thể phủ nhận sự nỗ lực của cô ca sĩ trẻ, nhưng khán giả cũng không thể làm ngơ trước những nghi án đạo nhái trong ca khúc của giọng ca Bad Boy.

Đầu tiên phải kể đến sự giống nhau lạ kỳ của MV Cất giấu ký ức phát hành đầu năm 2014 với MV Mosaiccủa nữ ca sĩ Jolin Tsai. Theo nhận định của nhiều người, cả 2 MV đều có cảnh nhân vật nữ chính mặc đồ trắng bước qua cánh cửa và đều cùng nhau thể hiện những động tác ngôn ngữ hình thể sinh động, đẹp mắt trên một chiếc giường.

MV "khủng" thứ hai của Đông Nhi là Lắng nghe tim em cũng bị tố “bắt chước” ý tưởng vũ đạo từ ca khúc Hàn Quốc mang tên It’s Me. Nhiều nghi vấn cho rằng Đông Nhi đã lấy một phần beat của ca khúc It's me vào Lắng nghe tim em khiến khán giả cảm thấy sự giống nhau khó lý giải ở 30 giây đầu tiên của ca khúc.

Đừng bao giờ nói yêu em là sản phẩm âm nhạc thứ ba của Đông Nhi bị fan tố đạo ý tưởng. Ai đã từng xem In the night sky của After School Red sẽ đều chung quan điểm: Đông Nhi đã mượn ý tưởng bối cảnh hoang sơ nơi sa mạc, nhảy nhót trong đêm để đưa vào MV của mình. Chính sự tương đồng ấy làm nảy sinh những nghi án đạo nhái, khiến MV tiền tỉ của Đông Nhi trở nên “mất giá” trong mắt khán giả.

Phạm Hồng Phước và sự cố chấp trước lỗi lầm

Vốn là một ca sĩ có khả năng sáng tác, Phạm Hồng Phước luôn biết cách lấy lòng khán giả bằng những bản tình ca đầy chất tự sự, mộc mạc, mang ý nghĩa triết lý. Đầu năm 2014, anh ra mắt ca khúc mới mang tênKhi chúng ta già và ngay lập tức nhận được sự quan tâm, yêu mến của khán giả. Ca khúc nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí top trên các bảng xếp hạng cho đến khi vấp phải nghi án đạo ca từ.

Phạm Hồng Phước đã phải gửi lời xin lỗi đến nhà thơ Việt Hà.

Người tố cáo Phạm Hồng Phước là nhà thơ trẻ Việt Hà – chủ nhân của bài thơ Khi chúng ta già. Cô đã lên tiếng về việc Phạm Hồng Phước ăn cắp một cách trắng trợn những lời thơ của cô để tạo ra ca khúc cùng tên. Quả thật, khi so sánh lời bài hát với bài thơ, ta dễ dàng nhận thấy sự tương đồng lên đến 90%.

Dù bằng chứng đã rất rõ ràng nhưng Phạm Hồng Phước lại chọn giải pháp im lặng khiến khán giả vô cùng bất bình. Sự ngoan cố của anh đã làm bùng lên những nghi án khác, ví như ca khúc rất nổi tiếng Khi người lớn cô đơn bị tố mang giai điệu giống một ca khúc nước ngoài (Sayonara no natsu của ca sĩ người Nhật Aoi Teshima). Phải mất một thời gian, Phạm Hồng Phước mới dám thú nhận, gửi lời xin lỗi đến tác giả Việt Hà và gỡ ca khúc khỏi các trang nghe nhạc trực tuyến.

Mr.T và Trang Pháp dùng beat nhạc của nhóm B2ST

Mr.T đã phải thừa nhận lấy beat của Flower

Những ngày đầu năm 2014, cư dân mạng dành khá nhiều chú ý cho một sáng tác mới của Mr.T hát cùngTrang Pháp mang tên Butterfly. Sự độc đáo, những giai điệu bắt tai của ca khúc nhanh chóng được yêu thích và lan truyền khắp nơi. Thế nhưng ca khúc đã không thoát khỏi những chiếc "máy soi" - khán giả yêu nhạc, đặc biệt là những fan yêu Kpop. Nhiều người ngay lập tức khẳng định rằng Butterfly là một sản phẩm đạo Flower của Junhyung (B2ST) khá trắng trợn.

Theo một fan đại diện cho cộng đồng B2UTY tại Việt Nam, Mr.T sau khi trao đổi với người bạn này đã công nhận mình lấy beat nhạc của Flower và sẽ sửa sai bằng cách cho thêm chú thích vào mỗi nơi ca khúc này xuất hiện để làm rõ không phải đạo nhạc. Mr.T cũng chia sẻ, anh là một fan của B2ST và đây là hành động xuất phát từ việc quá hâm mộ âm nhạc của nhóm.

Theo Baodatviet.vn