NHẠC » Tin tức

Phát hiện dấu hiệu gian lận liveshow 4 Bài hát yêu thích

Thứ năm, 15/03/2012 10:39

Cuối ngày 13/3, BTC bảng xếp hạng Bài hát yêu thích đã ra thông báo hủy kết quả lượt nghe từ 0h – 16h59 ngày 13/3 vì có dấu hiệu gian lận.

Theo đó, trong khoảng thời gian này, BTC nhận thấy có hiện tượng một số bài hát đề cử cho liveshow 4 có lượt nghe tăng một cách bất thường, và nguyên nhân được xác định là do bị hack nhằm làm sai lệch kết quả bình chọn. Do đó, bắt đầu từ 17h ngày 13/3, toàn bộ kết quả bình chọn bằng lượt nghe cho các bài hát đề cử vào liveshow 4 sẽ được lấy lại kết quả bình chọn lúc 23h59 ngày 12/3.

Có thể nói, chuyện bất thường của việc bình chọn qua mạng hoặc tổng đài tin nhắn không phải là điều xa lạ, nhất là khi gần đây, khán giả được trao quyền lực nhiều hơn qua hình thức này trong việc tìm ra người chiến thắng. Tại Sao Mai 2011, việc tin nhắn bầu chọn rơi vào im lặng không chỉ được khán giả thắc mắc mà cả thí sinh cũng tỏ ý ngay trong đêm thi, hay tại các sân chơi mang tính thi thố khác như VN Idol, Cặp đôi hoàn hảo... vấn đề tin nhắn cũng được đưa ra tranh luận và thắc mắc khá nhiều. Dù hầu hết các chương trình này đều cho biết có một đơn vị kiểm soát độc lập chịu trách nhiệm vấn đề bầu chọn, tuy nhiên nghi vấn vẫn cứ là nghi vấn, khi mà số lượng bầu chọn không hề được công bố cụ thể.

Thực tế, việc bỏ tiền thuê đội ngũ nhắn tin là có thật, và việc can thiệp về kỹ thuật để tăng số lượt nghe như tại Bài hát yêu thích không phải là quá hiếm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một đơn vị tổ chức công khai hủy bỏ kết quả. Tại Sao Mai, cũng vì sự cố tin nhắn mà điểm cộng cho thí sinh cuối cùng không được tính, nhưng cách xử lý này không thuyết phục được khán giả, nếu không muốn nói là coi thường lòng tin và túi tiền, dù nhỏ, của khán giả. Tại giải thưởng Zing Music Awards, với cách bầu chọn tương tự Bài hát yêu thích, BTC đã lường trước khả năng bị hack bằng việc chỉ tính số IP bầu chọn trong ngày chứ không phải lượt nghe. Nghĩa là, cho dù là lượt nghe đến vài trăm ngàn/ngày nhưng nếu chỉ tại một IP thì cũng chỉ được tính là một lượt/ngày.

Một cách nào đó, việc bị sai lệch bầu chọn, dù không cố ý (nghẽn mạng) hay cố ý (hack), không phải là quá quan trọng, nhất là khi quá trình này bị phụ thuộc vào máy móc. Cái khán giả cần là một thái độ có trách nhiệm, một cách xử lý thấu tình hợp lý và một thái độ tôn trọng khán giả trước những sự cố đó.

Đất Việt
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới