- Ngày 29/2, nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy Quang Lê xuất hiện tại một đám cưới ở Hương Sơn, Hà Tĩnh cùng Phi Nhung, Đàm Vĩnh Hưng, Mạnh Quỳnh. Nhiều người đồn đoán Quang Lê có mối quan hệ thân thiết với gia đình chú rể?
- Tôi không rõ mối quan hệ của các ca sĩ cùng diễn ngày hôm đó, riêng tôi không có quan hệ thân thiết với gia đình nhà chú rể. Tôi được mời tham dự lễ cưới tại Hà Tĩnh thông qua quản lý của ca sĩ Phi Nhung.
Anh quản lý của Phi Nhung có gọi điện qua Mỹ nói rằng có một đám cưới muốn mời tôi hát với cát-xê rất cao. Điều kiện là, nếu tôi đồng ý về hát đám cưới, gia đình chủ nhân sẽ trả cát-xê cao gấp 3, 4 lần cát-xê mỗi lần đi hát tại Việt Nam, và gấp 5 lần hát bên Mỹ.
Lúc đầu, tôi nghĩ chắc là chuyện đùa, ai đại gia như vậy. Nhưng chỉ sau 2 ngày, người ta chuyển vào tài khoản của tôi một số tiền rất lớn. Từ đó, tôi nghĩ rằng đây không phải chuyện đùa và nhận lời. Thỏa thuận hát tại đám cưới được hoàn thành cách đây khoảng 2 tháng, rơi vào dịp trước Tết Nguyên đán.
- Lịch trình di chuyển của Quang Lê vào hát tại Hương Sơn, Hà Tĩnh có gặp nhiều khó khăn?
- Tôi bay ra Hà Nội, sau đó từ Hà Nội vào Vinh. Từ Vinh hình như đi xe khoảng mấy trăm cây số mới vào được chỗ đám cưới. Nhưng điều tôi mừng ở đây là người ta đã nghĩ tới mình, yêu quý và muốn được gặp gỡ mình. Tiền cũng thích thật, nhưng tôi ở tận bên Mỹ vẫn người ta vẫn nghĩ tới, đó là tình cảm rất đáng trân trọng. Hơn nữa, đời người chỉ có một lần cưới nên tôi cố gắng góp mặt dù đường hơi xa một chút.
- Như lời anh nói, nhận lời biểu diễn một nơi xa xôi, bên cạnh tiền bạc, điều không thể thiếu là tình cảm. Anh thấy tình cảm gia chủ nói riêng, người dân Hương Sơn nói chung với anh ra sao?
- Tôi thấy mình hát ở đám cưới này rất đúng. Bởi đám cưới không chỉ gồm anh em họ hàng nhà chú rể tham dự mà còn là ngày vui của hàng nghìn người xung quanh. Thậm chí, nhân dân ở làng, xã bên cạnh cũng kéo qua đây xem tôi diễn. Tôi cảm thấy đến phục vụ đám cưới thì ít, còn phục vụ bà con ở đó nhiều hơn. Đây là món quà tinh thần không nhỏ. Chính tôi phải cảm ơn gia đình cô dâu, chú rể đã mời các nghệ sĩ đến hát để bà con được thưởng thức một đêm nhạc quý báu.
- Anh nghĩ sao về việc ca sĩ đi hát đám cưới - nhất là những người đã có tên tuổi?
- Tôi không quan trọng vấn đề hát ở đâu, miễn là nơi đó được khán giả hưởng ứng và coi trọng. Tôi hát ở đám cưới được bà con lân cận kéo về coi nên tôi cảm giác rất hạnh phúc. Khán giả đông tới nỗi trong nhà kín mít không còn lối đi. Khi ca sĩ bước lên sân khấu phải chen chúc giữa bao nhiêu người, đoạn đường ngắn mà di chuyển khá khó khăn. Có tới 10 anh bảo vệ cũng không... đỡ nổi!
- Ở vùng xa xôi, người hâm mộ ít được tiếp xúc với nghệ sĩ nổi tiếng. Vì vậy, không hiếm chuyện ca sĩ bị khán giả vồ vập, muốn giật cho bằng được cái khăn, cái tóc... làm kỷ niệm. Anh gặp tình huống như vậy trong đám cưới vừa qua không?
- Khi vừa dừng xe bước vào nhà chú rể có tới vài trăm đứng xung quanh, ban đầu họ chưa nhận ra tôi vì tôi đeo kính và đi nhanh một chút. Tuy nhiên, đi đến cửa bị mọi người nhận ra và hô to: "Quang Lê kìa!". Thế là mọi người chạy xúm lại, nhưng may mắn, các anh bảo vệ ngăn cản kịp nên... không sao cả (Cười).
- Nếu có một sự so sánh, anh thấy sự khác biệt của việc đứng trên sân khấu lớn, hoành tráng với một sân khấu đám cưới là gì?
- Nói về sự đầu tư, chắc chắn sân khấu đám cưới không bao giờ bằng được sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp. Nhưng cái lạ ở đây là hát đám cưới, không chỉ phục vụ khách tới dự đám cưới mà còn nhiều người xung quanh. Đó là sự khác biệt!
- Trong cuộc đời nghệ sĩ, anh từng hát đám cưới chứ?
- Hà Tĩnh là nơi thứ 5 tôi nhận lời hát đám cưới. Hai lần đầu, tôi hát cho các em ruột khi chúng lập gia đình, một lần khác là hát cho người dì. Năm 2008, tôi hát đám cưới cháu một vị khán giả hơn 70 tuổi. Vị khán giả hơn 70 tuổi đó rất yêu quý Quang Lê và muốn nghe tôi hát trong ngày trọng đại của cháu bà. Bà sợ tôi không hát nên viết rất nhiều thư, tìm cách gọi điện nữa. Bà xem tôi như một người cháu và tha thiết muốn tôi giúp bà hát ở đám cưới. Nhận thấy sự chân thành từ tấm lòng vị khán giả nên tôi đã hát không ngần ngại.