NHẠC » Tin tức

Sao gây thất vọng với trào lưu chuộng ca từ dung tục

Thứ bảy, 07/04/2012 09:42

Ngay khi Madonna tái xuất với album mới, khán giả lắc đầu ngán ngẩm với những ca từ cổ súy bạo lực, chết chóc song hành cùng giai điệu sôi động, điều mà các siêu sao như Lady Gaga, Rihanna tạo thành trào lưu trong thời gian qua.

“My love/ There's only you in my life/ The only thing that's bright/ My first love/ You're every breath that I take/ You're every step I make”(Tình yêu của anh ơi/ Chỉ có mình em trong cuộc đời anh mà thôi/ Một điều duy nhất luôn tỏa sáng/ Tình yêu đầu đời của em ơi/ Anh là từng hơi thở em hòa nhịp/ Anh là mỗi bước chân em bước). Đó là một đoạn lời bài hát trong ca khúc bất hủ Endless Love của cặp đôi huyền thoại Lionel Richie và Diana Ross trình bày vào năm 1981. Ca khúc sau đó được tạp chí Billboard xếp vào danh sánh những bản tình ca hay nhất mọi thời đại bởi chất nhạc chảy mãi trong lòng người nghe, và trên tất cả là ca từ đẹp, đầy ý nghĩa mà hai người yêu nhau, trao tặng cho nhau trong ngày hạnh phúc.

Những năm gần đây, khó có thể tìm được một ca khúc đẹp ở âm nhạc và sâu sắc trong cả ca từ, bởi hầu hết ca sĩ hiện tại đã và đang đi vào một lối mòn cùng những sáng tác với ca từ rất thô, thậm chí dung tục. Các ca khúc của Madonna, Lady Gaga, Christina Aguilera… là những ví dụ điển hình.

Madonna lại trở lại với việc sử dụng ca từ dung tục, gây sốc với mức độ ngày càng "nặng đô" hơn.

Đầu tiên là Lady Gaga, cái tên được chú ý nhiều nhất trong vài năm vừa qua bởi sự lập dị và không giống ai của mình. Bên cạnh lý do giải thích vì sao âm nhạc của Gaga lại được yêu thích những năm vừa qua ngoài sự nổi bật trong giai điệu và hình ảnh gây shock luôn được làm mới ở mỗi lần xuất hiện, thì lời bài hát cũng góp phần không nhỏ cho thành công của cô. Ca từ trong các ca khúc của Gaga ngày càng dung tục, bóp méo văn học một cách đáng thương và cổ súy cho những tư tưởng cực đoan.

Nếu những tác phẩm âm nhạc trong album đầu tiên The Fame của “cô nàng lắm chiêu” đi từ những cảm giác hưng phấn trong âm nhạc hay sự đắm chìm lập dị và cách dùng từ, tạo câu ví von rất khác lạ trong từng ca khúc tiếp nối sau đó như Love Game, Paparazzi, Poker Face... đã phần nào làm người nghe tò mò thì những tác phẩm âm nhạc sau này, càng lúc càng tiêu cực và bùng nổ. Album The Fame Monsternăm 2009 đã thành trò cười tiêu khiển cho người nghe khi bàn tán đến ca từ của Bad Romance hay Teethnhư một tín đồ cuồng bạo của tình yêu.

Qua đến album Born This Way, ca từ của Lady Gaga không còn gói gọn trong phạm vi cảm xúc của cá nhân, mà nó đã phát triển thành những tuyên ngôn, những câu truyện bài bản hơn, dù cho những câu chuyện đó khá lệch lạc và được ngụy tạo sau bức màn nhung đỏ mang tên tình yêu. Sự phân vân lựa chọn của người con gái giữa hai người đàn ông là chúa Jesus và môn đệ Judas là cú đả kích rất lớn về mặt tôn giáo dù cho bên trong ca khúc chẳng mang lại được một ý nghĩa vĩ mô gì ngoài sự hỗn loạn và trống rỗng.

Sự tuột dốc trong âm nhạc và vô vị đã biến Lady Gaga trở thành một nghệ sĩ chỉ còn biết tận dụng tối đa trong ngôn từ biểu hiện dù cho là tiêu cực.

Còn Madonna - bậc thầy của những ngôn ngữ gây shock, người tiên phong đưa trào lưu này vào nền âm nhạc thế giới, không những duy trì “phong độ” gây sự chú ý về ca từ mà ngày càng có dấu hiệu "tăng đột biến" về cách sử dụng ngôn ngữ trong lời bài hát.

Nếu như thời gian đầu, những bài hát với ca từ gây shock của Madonna dù cho dung tục hay mạnh bạo vẫn có một thông điệp mạnh mẽ và ý nghĩa nào đó ẩn ý sâu bên trong hoặc hiệu quả phát tán rộng lớn như một tuyên ngôn. American Life là ví dụ điển hình khi tác phẩm âm nhạc này đả kích chiến tranh, lối sống thực dụng của Mỹ.

Còn trong album mới nhất, "nữ hoàng nhạc Pop" Madonna cũng đã bắt đầu có dấu hiệu “không thua kém” đàn em Lady Gaga với những ca khúc cổ vũ cho bạo lực, giết chóc và chăn gối tập thể đầy phản cảm và chắc chắn album này của cô sẽ khó lòng đến được tay những fan chưa đủ tuổi vị thành niên nếu phụ huynh của họ kiểm duyệt gay gắt.

Nếu Madonna hay Lady Gaga được cho là những cái tên đi đầu trong ca từ gây shock và phản cảm, thì Kes$ha, Black Eyed Peas, Rihanna... lại là những nghệ sĩ khẳng định xu hướng cho những ca từ vô nghĩa và tầm thường.

Rihanna (trái) và Lady Gaga là những sao đương đại cố tình gây sự chú ý với khán giả bằng lời ca dung tục, gây tranh cãi tôn giáo.

Trong Tik Tok của Ke$ha ra mắt vào năm 2010, ca khúc chỉ như là bản tường trình sự việc (mặc dù cố gượng ép nối vần với nhau như một bài vè) về sự cố cô ca sĩ này ăn chơi trác táng thâu đêm, tỉnh dậy và súc miệng bằng …rượu, rồi lại tiếp tục vui chơi, hưởng thụ cho đến khi bị cảnh sát bắt giải tán.

Với Black Eyed Peas và ca khúc đình đám năm 2009 của nhóm Boom Boom Pow cũng không ngoại lệ. Bài hát này nhạt nhẽo như tiếng trống bởi việc lặp đi lặp lại của 3 từ “boom boom boom” bên cạnh những tạp âm chửi tục và tiếng bass dồn dập phấn khích. Nhưng tiếp nối và đóng vai trò chủ đạo trong việc "quảng bá" xu hướng này phải kể đến những cái tên đình đám bậc nhất hiện nay như Rihanna với tâm sự về xu hướng bạo lực trong chuyện chăn gối (ca khúc S&M), rapper Nickki Minaj với việc lặp đi lặp lại một câu chửi bới ngớ ngẩn (Stupid Hoe) hay chàng "hoàng tử latin" Enrique Iglesias nổi tiếng một thời với những ca khúc đầy lãng mạn, cũng đã “nhúng chàm” với hàng loạt hit gần đây chỉ xoay quay vấn đề tình dục như Tonight I’m F*cking YouDirty Dancer hay mới nhất là Naked cùng rapper DEV.

Thật khó để trả lời cho câu hỏi: Đâu rồi những tinh hoa từ ngữ trong âm nhạc đại chúng?

Những tinh hoa trong lời hát, những ca từ đẹp và ý nghĩa đã và dang dần mất đi, thay vào đó là sự “bốp chát” đường phố của những bản tường trình sự việc trá hình, những âm thanh hỗn tạp, hay thậm chí chỉ là nhét đầy chữ vào một ca khúc để cho nó có vẻ đầy đủ.

Biểu đồ thể hiện chất lượng các ca khúc so sánh qua nhiều thập kỷ. Biểu đồ 1 (ở trên) là tính nguyên bản trong ca từ của âm nhạc thế giới được thống kê từ năm 1950 cho đến nay và biểu đồ 2 (ở dưới) là số lượng từ ngữ trong một ca khúc. Từ hai biểu đồ cho thấy một nghịch lý là “chất lượng” bài hát đã và đang dần dần bị đàn áp ghê gớm bởi “số lượng”.

Một ca khúc có thể không đẹp như một bài thơ, không trong sạch như một dòng suối, nhưng nếu nó cất lên bằng những từ ngữ "chói tai", ít nhất người nghe cũng mong chờ những ca từ dung tục đó được cất lên với một mục đích và có tính hữu dụng cao để xứng đáng với sự có mặt của nó trong một tác phẩm nghệ thuật khi cần thiết.

Người ta không thể trông chờ một Lady Gaga hay một Blak Eyed Peas hát một bài hát đẹp như bài thơ, nhưng họ có thể hy vọng được trong thời gian sắp tới đó sẽ là một ca khúc thực dụng nhưng có tinh thần và có sức mạnh ngữ nghĩa, điều mà "nữ hoàng" Madonna từng làm được ở một số tác phẩm âm nhạc.

Infonet