NHẠC » Tin tức

Show thực tế: Ai lấy vải thưa che mắt thánh?

Thứ sáu, 30/03/2012 17:11

Có hay không chuyện dàn dựng kết quả trong một show truyền hình thực tế?

Trang mạng chuyên về truyền hình thực tế Wisegeek của Mỹ từng định nghĩa: “Chương trình truyền hình thực tế là những chương trình tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực biểu diễn. Những người tham gia các chương trình này thường không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Một chương trình có thể quay hàng trăm giờ, tuy nhiên đến khi phát sóng thì phải qua quá trình chỉnh sửa sao cho phù hợp với chủ đề một câu chuyện. Cụ thể, những người tham gia chương trình truyền hình thực tế thường là những người bình thường. Trong quá trình ghi hình càng phải giữ được những hành động, cử chỉ… càng bình thường, càng tự nhiên càng tốt”. Tuy nhiên, các show thực tế hiện nay đang ngày càng mất đi khán giả vì được gọi là "thực tế" nhưng lại không còn... "thực".

Sự bùng nổ của truyền hình thực tế

Hiện nay, khái niệm "show truyền hình thực tế" không còn quá xa lạ với khán giả. Nó có thể được coi là món ăn tinh thần của không thể thiếu của nhiều người. Khán giả đã quá quen với các chương trình kiểu như Pop Idol, Dancing with the star, Just the two of us, Got Talent, American’s Next Top Model... của nước ngoài. Nhận thấy thành công từ những show thực tế này, nhiều làng giải trí thế giới đã quyết định đem show thực tế chuyển hóa thành những show thực tế khác. Ở Việt Nam, người ta bắt gặp những chương trình như Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, VN's Got Talent...

Bộ ba giám khảo của American Idol

Không thể phủ nhận những show truyền hình này mang lại khá nhiều lợi ích. Nó không chỉ giúp cho doanh thu của nhà đài hay các nhà tài trợ tăng lên màn nó còn giúp khán giả có cơ hội được tiếp cận gần hơn với giới giải trí đặc biệt với các ngôi sao thần tượng mà họ yêu thích. Chả thế mà ngày càng nhiều các show thực tế xuất hiện để "chiều lòng" khán giả.

Vietnam Idol làm nên nhiều tên tuổi

Cũng từ những show thực tế này, những tài năng tiềm ẩn sẽ có cơ hội được "khai quật" và thể hiện mình trên sân khấu. Chúng ta đã tìm thấy một "hiện tượng âm nhạc" như Susan Boyle, một nhóm nhạc xuất sắc như Diversity hay một Uyên Linh đơn giản nhưng "chất"... Tất cả đều nổi lên nhờ những chương trình thực tế.

Scandal dàn dựng kịch bản

Với tính chất mới lạ các chương trình truyền hình thực tế chiếm được cảm tình của người xem và gây hiệu ứng tốt. Tuy nhiên nếu những chương trình này chỉ diễn ra đều đều như bất cứ một game show truyền hình nào khác, nó sẽ mất dần đi sự hấp dẫn và ngày càng "nhạt nhòa" trong lòng khán giả. Và scandal chính là "phương thuốc" chữa cháy cho các show truyền hình này.

Show thực tế nổi tiếng: Britain’s Got Talent

Kể từ thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, các chương trình truyền hình bắt đầu có kịch bản rõ ràng chứ không phải hoàn toàn là thực tế. Các nhà sản xuất cho rằng nếu một chương trình mà người chơi chưa được đào tạo và cũng không có một kịch bản sẵn có sẽ khó có thể thu hút được người xem và họ quyết định dàn dựng kịch bản. Khó có thể trách các nhà sản xuất vì nếu một chương trình không có người xem, chương trình đó sẽ không thể sống. Tuy nhiên, người xem thắc mắc, các show thực tế họ dàn dựng kịch bản đến mức độ nào?

Tại sao Susan Boyle thất bại?

Không bàn đến quá nhiều các chương trình truyền hình thực tế chỉ đơn giản như show Got Talent mà đặc biệt nhất phải kể đến Britain’s Got Talent với "chủ xị" Simon Cowell. Đây là một show truyền hình gây được tiếng vang lớn bởi nó đã giúp cho thế giới tìm ra một "tài năng vàng" mang tên Susan Boyle. Sau các đêm thi của Got Talent, hình ảnh của Susan Boyle tràn ngập báo chí Anh và trên toàn thế giới. Người ta ngỡ ngàng trước giọng ca tuyệt vời của một người phụ nữ 48 tuổi có thân hình đẫy đà, mái tóc xoăn và gương mặt bầu bĩnh. Những tưởng trong đêm chung kết của cuộc thi, Susan Boyle sẽ là cái tên sáng giá bước lên bục vinh quanh của chương trình tìm kiếm tài năng, nhưng không cô chỉ được xếp ở vị trí á quân còn người dành chiến thắng lại là nhóm nhạc Diversity. Trước kết quả bất ngờ này, không ít người yêu mến giọng ca vàng của "thiên thần xấu xí" đã lên tiếng phản bác. Họ cho rằng chương trình đã dàn xếp kết quả và Britain’s Got Talent đã "dàn dựng" kịch bản. Rất nhiều người đã thầm tiếc cho một "hiện tượng âm nhạc" thế giới không được tôn vinh.

Cặp đôi hoàn hảo dính nghi án dàn xếp

Nói về các chương trình thực tế tại Việt Nam, ngay chính vị "đạo diễn đanh đá" Lê Hoàng cũng từng chia sẻ với báo chí rằng: "Truyền hình thực tế chỉ dàn dựng chứ không dàn xếp". Ông cho biết: "Bất cứ một cái gì diễn ra trên truyền hình, trên sân khấu hoặc màn ảnh thì đều có dàn dựng". Tuy nhiên ông cũng khẳng định sự dàn dựng là tốt không phải xấu và đặc biệt các show thực tế không hề có chuyện dàn xếp kết quả nhưng, khán giả lại chẳng hề bận tâm đến chuyện này. Đối với họ, chuyện dàn dựng là khó chấp nhận đối với một show thực tế. Chẳng thế mà trong chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" vừa rồi, người xem được phen ngỡ ngàng khi nghe tiếng giám khảo Siu Black nhỡ miệng: "Chọn áo đỏ..." trong giây phút quyết định cặp đôi nào vào vòng trong. Câu nói bột phát này của chị Siu đã khiến cho khán giả nghi ngờ về một kết quả có trước từ phía ban tổ chức.

Quách Ngọc Ngoan và Ngọc Anh trên sân khấu Cặp đôi hoàn hảo

Không nói đâu xa, gần đây nhất là chương trình Vietnam's Got Talent cũng được đặt vào diện nghi vấn có sắp xếp kết quả từ trước. Sau đêm Bán kết 4 của chương trình, cậu bé Michael Khoa bị loại khỏi cuộc chơi và phần thắng thuộc về "gã popping đầy ma lực" Dương Mạnh Hòa. Trước sự thất bại của Đăng Khoa, không ít khán giả khi xem chương trình đã thực sự bất ngờ, thậm chí nhiều người đã khóc vì tiếc cho một tài năng như em. Nếu đem so sánh với tiết mục của Đăng Khoa thì tiết mục của Mạnh Hòa không đem lại sự hào hứng cho khán giả. 

Khán giả tiếc vì Đăng Khoa bị loại

Đặc biệt hơn nữa, Mạnh Hòa còn dành tấm vé vào chung kết khi vượt qua cả Trần Hoàng Hà, cô nhóc được xem là đối thủ nặng ký của cô bé “Xương thủy tinh” Phương Anh. Chính những bất ngờ này khiến người xem nghi ngờ về một kết quả đã được dàn xếp sẵn cho Vietnam’s Got Talent năm nay. Rất nhiều độc giả đã để lại lời nhắn nhủ thầm thương tiếc cho cậu bé Michael Khoa: "Quá thất vọng về ban giám khảo về sự lựa chọn là loại Đăng Khoa!", "Tôi đã xem chương trình Got Talent ở nhiều nước, và có nhiều thí sinh nhảy nhạc Jackson nhưng Đăng Khoa là một điều đặc biệt"...

Dương Mạnh Hòa dành chiến thắng tại Vietnam's Got Talent

Bất kỳ một chương trình truyền hình nào khi lên sóng cũng cần có kịch bản để chỉn chu về cả hình thức và nội dung. Một show truyền hình thực tế cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên vì được coi là thực tế, khán giả muốn xem những gì diễn ra "đời" nhất, "thật" nhất và không hề có sự giả tạo. Truyền hình thực tế liệu đã làm được điều đó?

Eva