Sau khi Hội âm nhạc Việt Nam đưa ra kết luận ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng là đạo nhạc thì nam ca sĩ này đã lên tiếng cho rằng giai điệu và phần ca từ của bài hát do anh sáng tác, chỉ có phần beat (bản phối) là...đi "mượn".
Trước phản ứng của Sơn Tùng, nhạc sĩ Phó Đức Phương - một trong những thành viên thẩm định ca khúc Chắc ai đó sẽ về của nam ca sĩ này lại một lần nữa khẳng định, Sơn Tùng đạo cả phần giai điệu.
- Mới đây, Sơn Tùng lên tiếng thừa nhận có sử dụng phần beat (bản phối) miễn phí từ một ca khúc Hàn Quốc cho bài hát "Chắc ai đó sẽ về" của mình. Tuy nhiên nam ca sĩ này lại khẳng định phần ca từ và giai điệu hoàn toàn là do anh sáng tác. Điều này có đúng không thưa ông?
Phần beat thực ra đó là phần đệm, phần nền vòng hòa thanh của một ca khúc, để có phần này thì cũng phải có người làm ra nó chứ. Lấy cái phần đó của người khác không xin phép, không đề tên và không chia sẻ lợi ích thì gọi là cái gì?...là "đạo" chứ còn là gì nữa. Mà giờ nói thẳng ra thì chữ "đạo" là theo tiếng Hán còn tiếng Việt là lấy cắp. Nói ra thì đau lòng nhưng sự thật đúng là như vậy.
Mà tôi nói thật không chỉ có phần đệm đâu mà cả phần giai điệu. Giai điệu bài Chắc ai đó sẽ về không phải 100% là của Sơn Tùng. Ít nhất là 60-70% là giống ca khúc Because i miss you của nhạc sĩ Hàn Quốc.
Nói như này cho dễ hiểu là trong 10 câu thì có đến 7 câu là trúng vào cái nốt người ta đã dừng và 3 câu còn lại thì dừng ở điểm khác nhưng cũng nằm trong cái hợp âm qui định phần nền của người ta. Tức là từng tuyến đi, từng chặng dừng của cuối mỗi câu, đầu câu đều khớp với ca khúc của Hàn Quốc.
Và cái quan trọng nhất là cảm xúc và hình tượng thì y xì là cái bóng của bài hát Because i miss you. Tóm lại từ hồn đến cốt đều là của người ta.
- Sau khi Hội âm nhạc Việt Nam đưa ra kết luận "đạo nhạc" với ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng thì phía Cục bản quyền tác giả lại cho biết, sẽ không đưa ra bất kỳ xử lý nào với hành vi "đạo nhạc" này nếu không có đơn thư kiện cáo. Ông có ý kiến gì không?
Mặc dù Cục bản quyền tác giả chưa có quyết định chính thức nhưng Cục bản quyền tác giả ghi nhận việc thẩm định của Hội âm nhạc Việt Nam là rất nghiêm túc. Còn việc giải quyết thì liên quan đến một số vấn đề về thủ tục hành chính. Chúng tôi cũng không phải cơ quan chức năng để phạt mà phải chờ đến cấp thanh tra.
Theo nguyên tắc về luật pháp thì chỉ có thanh tra hoặc tòa án mới có thể xử lý việc này nếu có người kiện.
- Vậy theo ông có nên phạt nặng trường hợp của Sơn Tùng không?
Không nên đánh khẽ, cần phải chấn chỉnh lại. Trong kiến nghị của Hội đồng thẩm định ca khúc của Sơn Tùng cũng đã yêu cầu phải đình bản không phát hành bản nhạc này và có chế tài xử phạt nghiêm túc.
- Nhưng ông nghĩ sao khi một bộ phận khán giả cho rằng, họ không quan tâm Sơn Tùng đạo nhạc hay không...miễn là hay?
Là do khán giả ngây thơ không biết gì. Hàng ăn cắp dù có dáng vẻ đẹp đẹp của sản phảm chính nhưng khán giả không nên tùy tiện dùng nó.
Nếu thích "Because i miss you" thì nên xin phép người ta đặt lời Việt vào thì có sao đâu, thậm chí còn hay hơn bản "đạo nhạc" vì bản gốc đã rất hay rồi.
- Theo ông tác hại của việc "đạo nhạc" đối với thị trường âm nhạc Việt Nam sẽ như thế nào và trong lịch sử âm nhạc Việt đã có ca khúc nào bị cấm phát hành vì "đạo nhạc" chưa?
Trước nay, tôi chưa thấy ca khúc nào bị cấm vì đạo nhạc, với lại tôi cũng không sát với thị trường âm nhạc lắm vì tôi đang bận với công việc bảo vệ quyền tác giả. Nhưng dăm ba năm nay tôi nghe loáng thoáng bạn bè than phiền, báo chí than phiền thì việc đạo nhạc nó diễn ra trong vòng vài năm nay rồi.
Tác giả Sơn Tùng chỉ là tác giả điển hình và cậu ta chính là "nạn nhân" của cả một lối sáng tác, qui trình sáng tác theo kiểu này.
Còn tác hại của việc đạo nhạc nó vô cùng lớn, nó sẽ tàn phá đời sống âm nhạc trong nước. Nó sẽ làm cho công chúng không còn biết thế nào là thật là giả.