Không vững về chuyên môn
Để chấm điểm thí sinh trong một cuộc thi, bắt buộc giám khảo phải có một tiêu chí nào đó. Tùy vào lĩnh vực nghệ thuật họ theo đuổi, họ sẽ đánh giá thí sinh trên tiêu chí của ngành mình. Tổng hợp đánh giá cả các giám khảo sẽ cho thí sinh cái nhìn tổng quát, toàn diện hơn.
Để làm được điều này, đòi hỏi giám khảo phải là người rất giỏi chuyên môn. Vì nếu không có chuyên môn, họ cũng sẽ chỉ như những khán giả bình thường nghĩa là chỉ đánh giá tiết mục dựa trên yếu tố cảm xúc hoặc là cảm tình. Bởi vậy điều tệ hại nhất đối với giám khảo là khi họ nắm không tốt chuyên môn của mình. Chuyện giám khảo có ý kiến trái chiều về mặt cảm xúc với các phần thi là điều dễ hiểu nhưng chuyện họ cãi nhau 'chí chóe' về chuyên môn trên ghế nóng là điều rất vô lý. Vừa rồi, tại liveshow 6 của CĐHH 2013, giám khảo và thí sinh (cũng là các ca sĩ) và cả ekip thực hiện chương trình đã liên tục “lên lớp” nhau về kiến thức chuyên môn thế nào là Jazz. Và điều này khiến khán giả thực sự thất vọng về trình độ chuyên môn của các giám khảo. Ngoài việc nắm không tốt chuyên môn của mình, các giám khảo còn hay giẫm chân lên nhau khi họ tỏ vẻ hiếu biết và đánh giá thí sinh trên tiêu chí của bộ môn mà họ không theo đuổi. Sẽ rất buồn cười khi giám khảo Lê Hoàng lên giọng nhận xét về giọng hát, cao độ… của thí sinh mà giám khảo Lưu Thiên Hương hay Lê Minh Sơn lại nhận xét về dàn dựng. Thế nhưng những trường hợp tương tự như thế này vẫn thường xuyên diễn ra tại các gameshow khiến khán giả phải phì cười vì nhận xét 'ngô nghê' của các giám khảo. Nhận xét chung chung Nhận xét qua loa theo kiểu kiểu “Tôi thích nó”, “Tiết mục của bạn không hay lắm”, “Bạn đã rất cố gắng và chúc mừng bạn”… là cách nhận xét phổ biến nhất của những người ngồi trên ghế nóng các gameshow. Điều khán giả cần ở giám khảo là những ý kiến chuyên môn để họ mở mang tầm mắt về một môn nghệ thuật. Còn các thí sinh thì cần đóng góp của giám khảo để hoàn thiện hơn kỹ năng của mình. Nhưng các giám khảo thì mặc kệ điều đó. Họ dường như cố tình quên đi vai trò vốn có của mình và tự biến mình thành một khán giả đặc biệt để rồi sau mỗi phần thi họ đưa ra những nhận định chẳng dựa trên một cơ sở nào thuyết phục.
Lý giải cho nguyên nhân này có thể là do giám khảo của chúng ta không nắm vững về mặt chuyên môn. Hoặc cũng có thể họ không tập trung xem phần thi của các thí sinh. Rất nhiều khán giả đi xem trực tiếp các gameshow cho biết trong khi các thí sinh biểu diễn trên sân khấu thì giám khảo nhắn tin điện thoại, nhìn lơ đễnh ở trường quay, thậm chí còn lướt facebook.
Khoe mẽ bản thân
Một trong những điểm rất dễ nhận thấy của giám khảo Việt là họ thường khoe mẽ bản thân. Ví như trường hợp giám khảo Việt Tú của CĐHH 2011 và BNHV 2012. Anh này có những phần nhận xét rất dài nhưng chẳng hề ăn nhập với nội dung của cuộc thi. Anh từng kể lại tiểu sử đôi giày của Alexander Mcqueen hay kể lại việc anh đã từng nghe ca khúc abc ở tận bao nhiêu nơi trên thế giới hoặc là khoe việc anh sắp kết hợp với ca sĩ Hồ Ngọc Hà, thậm chí là đọc cả tỷ lệ dân số Việt Nam… trong khi nhận xét phần thi thuộc về khiêu vũ. Tất cả những nhận xét ngoài lề ấy chỉ có thể giải thích bằng việc vị đạo diễn trẻ này muốn khoe mẽ vốn hiểu biết của mình một cách rất kệch cỡm.
Hoặc như mới đây, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đầy tự tin nói rằng anh rất am hiểu về Jazz nên đưa ra nhận xét chắc nịch về việc Thảo Trang – Thuận Việt đã hát không ra chất Jazz trong liveshow 6 của CĐHH 2013. Chính điều này đã khiến anh bị nhiều khán giả cười chê khi bị một loạt người làm nghề như Lưu Thiên Hương, Thảo Trang, nhạc sĩ Quốc Bảo… phản pháo lại. Giá mà nhạc sĩ của “Bên bờ ao nhà mình” khiêm tốn nói rằng anh có hiểu chút ít về Jazz thì có lẽ anh đã không bị người xem cười chê như thế. Cho điểm bất bình thường Vì không chấm điểm dựa trên một tiêu chí rõ ràng, không tập trung cao độ theo dõi phần thi của thí sinh nên các giám khảo thường cho điểm theo… cảm tính. Thậm chí, họ còn cho điểm theo kiểu nói một đằng chấm điểm một nẻo. Vậy nên mới có chuyện khen trên trời dưới biển rồi cho 8 hoặc chê ỏng chê eo cuối cùng lại chấm 9.
Điển hình cho phong cách cho điểm khó hiểu này là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (BNHV). Hay ngay cả giám khảo giàu chuyên môn Chí Anh (BNHV) cũng nhiều lần gặp phải lỗi này. Còn một cách cho điểm bất bình thường nữa là cho thí sinh thoải mái 9, 10. Trường hợp này đã từng gây ức chế cho không ít khán giả tại chương trình CĐHH 2011. Và hai giám khảo cho điểm theo phong trào 9, 10 này chính là Lê Minh Sơn và Siu Black. Thời trang dở tệ Giám khảo của một cuộc thi cũng là bộ mặt của cuộc thi ấy. Bởi thế, ngoài những nhận xét chuyên môn, họ cũng cần có một vẻ ngoài phù hợp để lên hình, trước cặp mắt theo dõi của hàng triệu khán giả. Nhưng điều đáng buồn là các giám khảo của chúng ta rất ít người quan tâm đến cái gọi là thời trang. Các giám khảo nam thì ăn mặc quá đơn giản, có phần hơi lôi thôi với vị trí của họ. Thậm chí, giám khảo Lê Minh Sơn của CĐHH hai mùa còn làm nhức mắt khán giả với mái tóc lòa xòa phản cảm.
Các giám khảo nữ thì có ý thức tốt hơn về mặt hình ảnh. Nhưng gu thời trang không ổn đã khiến họ không được đẹp, thậm chí đôi khi còn gây ra thảm họa thời trang. Tiêu biểu là giám khảo Khánh Thy những mùa đầu của BNHV (hiện nay Khánh Thy đã có gu thời trang đẹp hơn rất nhiều) hoặc mới đây nhất là thảm họa thời trang Lưu Thiên Hương.