NHẠC » Tin tức

Tháng 4, nhạc Trịnh và nỗi nhớ

Thứ ba, 01/04/2014 11:14

Tháng 4, mình bạt mặt ngoài phố tấp vào quán quen, dăm ba câu chuyện.

Sài Gòn như một cô gái đỏng đảnh, nắng mưa thất thường. Nóng đến độ tưởng có thể cháy cả vạt tóc vừa ló khỏi áo khoác. Bạn đùa: “Còn chỗ nào đen đâu mà sợ!” Còn mưa, bung mình không kịp trở tay rồi ào đi, vội vã.

Tháng 4, mình bạt mặt ngoài phố tấp vào quán quen, dăm ba câu chuyện. Sài Gòn như một cô gái đỏng đảnh, nắng mưa thất thường. Nóng đến độ tưởng có thể cháy cả vạt tóc vừa ló khỏi áo khoác. Bạn đùa: “Còn chỗ nào đen đâu mà sợ!” Còn mưa, bung mình không kịp trở tay rồi ào đi, vội vã.

1. Tháng 4, mình lê la vỉa hè đến tối muộn. Uống cạn ba ly trà đá mà cổ vẫn khô khốc. Gọi thêm ly thứ 4, bà chủ quán nhìn, ánh mắt cảm thông: “Nhà trọ nóng quá hả?” Tháng 4, cô bạn đồng nghiệp điệu đà xếp váy cất tủ, cũng quần jeans, áo thun, trùm mấy lớp áo chống nắng như ai.

Tháng 4, trời đứng gió. Mình cục cựa mãi vẫn không tài nào ngủ được. Vì cúp điện và cũng vì chập tối lỡ chiều chuộng bản thân bằng một cốc café thơm lừng. Mình vốn khó ngủ, cũng đã bỏ thói quen uống café sau đợt té xe khiến tim đập chậm hơn người bình thường chừng chục nhịp.

Nhưng lâu lâu cái vị ngòn ngọt đăng đắng lại ùa về khiến mình quay quắt không chịu được. Mình thèm một cơn mưa, mình nhớ một bài thơ đã cũ còn lưu trong inbox điện thoại. Mưa tháng 4, mưa tháng 4/ Đường hiu hắt nước/ Lấm lem gấu quần/ Thương ai/ Đêm mưa phố/ Xa nhà

Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ của những bản tình ca, của hoà bình

Bạn yêu nhạc Trịnh, như mình. Đời sống có cần gì nhiều nhặn đâu. Vậy là thành bạn. Nhưng mình còn có quá nhiều quan tâm khác. Bạn cũng có lắm nỗi ưu phiền. Vậy là xa. Đâu phải mọi thứ bao giờ cũng cần phải có lý do?

Đôi khi, mình nghĩ nếu cuộc đời mỗi con người trung bình có 60 năm như một bài hát của nhạc sĩ Y Vân thì có lẽ hơn phân nửa trong số ấy, người ta dành để nhớ nhớ thương thương những điều rất cũ. Trong cái mông mênh thực ảo đấy, mới thấy biên độ của nỗi nhớ là vô cùng.

Lang thang facebook, tình cờ thấy avatar của người con trai ngày xưa. Ghé qua để thấy người con trai hạnh phúc. Còn nhau hay mất nhau, còn yêu hay thôi yêu, còn thương hay hận… nghĩa là bất chấp hoàn cảnh, mình vẫn không thể quên người xưa. Người ta chỉ có thể kiềm chế hành vi, chứ có ai kiềm được nỗi nhớ bao giờ?

Có xốn xang nào bằng xốn xang về một cuộc tình tưởng đã ngủ yên lại bất ngờ trỗi dậy: “Tình ngỡ đã phôi pha nhưng tình vẫn còn đầy/ Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây…

2. Trong các loại nhạc, có lẽ nhạc Trịnh là mình thuộc nhiều nhất, dù hiếm khi trọn vẹn. Đặt nhạc Trịnh đối xứng như vậy không phải để so sánh được hơn mà vì, các sáng tác của ông, theo cá nhân mình, dù là tình ca hay phản chiến vẫn chảy một dòng riêng biệt, “độc đạo” một con đường.

Mình nghe nhạc Trịnh từ năm còn học lớp 8. Nhưng không phải là những bản tình ca vẫn thường được hát trên đài: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” hay thơ mộng, đau đáu: “Gọi nắng trên vai em gầy/ Đường xa áo bay…” mà khởi nguồn từ những bản nhạc đầy ám ảnh. “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa phận mình/ Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn/ Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên/ Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình…

Khánh Ly với Ca khúc da vàng nổi tiếng làm nức lòng khán giả

Nhà mình hồi ấy không có gì đáng giá cả. Món quà duy nhất má mang về sau những chuyến xe đạp cõng nắng cõng mưa là chiếc radio cũ mua lại ở chợ Nhật Tảo, có hát đĩa được. Cái đĩa đầu tiên má mua cho mình từ những người bán đĩa dạo là “Những ca khúc da vàng”, có hình Khánh Ly xõa tóc, mặc áo dài chân phương in trắng đen. Nói mua cho oai chớ thật ra là má bốc đại một cái rồi trả tiền vì bị chèo kéo dữ quá! Má của mình, người đàn bà quanh năm lam lũ, mặt chữ cũng chỉ loáng thoáng biết…

Giọng Khánh Ly mộc, trong, sáng khỏe lại có cái gì đó “nhừa nhựa” khiến mình nghiện không dứt ra được. Sau này, đọc linh tinh mới biết vì cái giọng nhừa nhựa, cuốn hút ấy mà có thời gian Khánh Ly dính tin đồn “nghiện ma túy”.

3. Khánh Ly, riêng mình nghĩ, có lẽ là “người tình” hát nhạc Trịnh có hồn và để lại nhiều ấn tượng nhất. Nhạc Trịnh giúp chất giọng đẹp đơn sơ của Khánh Ly thăng hoa, nhưng cũng chính Khánh Ly đã đưa nhạc Trịnh lan tỏa tới người nghe. Lại nghĩ, có lẽ Khánh Ly cũng là người hiểu Trịnh nhất. Không chỉ vì họ là một trong những cặp nhạc sỹ - ca sỹ ăn khách nhất Hội quán Văn giữa những năm 60 mà còn bởi họ đã cùng sống và gắn bó qua thời mưa bom lửa đạn thảm khốc, điêu tàn ngơ ngác trước thời cuộc. Tình cảm ấy có thể xếp vào hàng tri âm tri kỷ hiếm thấy xưa nay.

Có thể thấy, những ca khúc liên quan đến chiến tranh của Trịnh Công Sơn cũng rất khác biệt với các nhạc sĩ cùng thời. Bàng bạc trong những giai điệu đó là nỗi buồn nhưng không phải cái buồn của những cuộc tình mất mát, chia ly mà mênh mông trước những kiếp người, những thân phận điêu linh vô tội chìm lấp trong khói lửa chiến tranh.

Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…/ Từng chuyến bay đêm con thơ giật mình/ Hầm trú tan hoang ôi da thịt vàng/ Từng đêm chong sáng là mắt quê hương/ Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng/ Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng/ Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn…

Hay: “Ghế đá công viên rời ra đường phố/ Người già co ro nằm thiu thiu ngủ/ Người già co ro buồn nghe tiếng nổ/ Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi…

Khánh Ly - Trịnh Công Sơn là "cặp tình nhân" đẹp trong âm nhạc

Nó trung thực đến nghiệt ngã. Đó là ám ảnh của đại bác, bom đạn, của hầm trú ẩn, những da-thịt-xương-xác người, của máu, nước mắt, của miếng cơm khô, của cái đói deo dắt, nhọc nhằn, xa xót. Nó khiến người ta ớn lạnh trước tội ác của chiến tranh. Càng ớn lạnh càng căm phẫn. Đó không chỉ là thông điệp cho riêng cuộc chiến trên đất nước mình, dân tộc mình mà còn là của bất cứ dân tộc nào đang bị áp bức, của bất cứ quốc gia nào yêu chuộng hòa bình, là tiếng kêu bi thiết của con người đang bị chính đồng loại bức hại.

Như ông từng viết: “Tôi là đứa bé. Tôi là người bạn. Đôi khi tôi là người tình. Chúng tôi cùng vẽ lại chân dung của nhân loại. Vẽ lại con tim khối óc. Trên những trang giấy tinh khôi chúng tôi không bao giờ thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ, những vết dao khắc nghiệt. Chúng tôi vẽ những đất đai, trên đó đời sống không còn bạo lực. Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận. Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để viết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm. Chúng ta đã đấu tranh. Đang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi người từ khước tước hiệu đó....”

Cùng với Joe McDonald, Bob Dylan, Harry Belafonte, Joan Baez và nhóm Peter, Paul & Mary, năm 2004, Trịnh Công Sơn được trao giải thưởng World Peace Music Awards vì những đóng góp của ông cho hòa bình thế giới qua âm nhạc.

4. Nhạc Trịnh, như đã nói đa phần buồn. Ngay bài hát đầu tay ông viết tặng danh ca Thanh Thúy đã thấp thoáng cái man mác, lẩn khuất. “Ngoài hiên mưa rơi rơi/ Buồn dâng lên đôi môi/ Buồn đau hoen ướt mi ai rồi/ Buồn đi trong đêm thâu/ Buồn rơi theo đêm mưa…” Nỗi buồn ấy, trong những bản tình ca về sau càng lớn dần, biên độ càng rộng, thấm đẫm cái vô vi, được-mất, hư-không của đạo Phật. Như khi Trịnh viết: “Ngồi bên dòng sông nhớ đời mình/ Một trăm năm qua đã ngủ yên/ Những người sống không vì mong/ Những người khuất không vì quên…” thì đã trở thành nỗi buồn của tha nhân trước dòng đời vạn biến, kẻ còn người mất, chông chênh, hữu hạn trước thời gian vô hình mà hiện hữu.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn là tình đời, tình người

Ai trong chúng ta mà không có lúc rơi vào vùng trũng tâm trạng không buồn không vui: “Lòng thật bình yên mà sao buồn thế/ Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ.” Những khi bơ phờ, rệu rã lòng người, mơ hồ không bến bờ, ai tha hương mà không thoáng nghĩ đến chuyện: “Nhiều đêm muốn đi về con phố xa/ Nhiều khi muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà.” Rồi dùng dằng nợ áo cơm, lại bám phố.

Bên cạnh những bài buồn, nhạc Trịnh cũng có không ít bài lấp lánh niềm vui, trong trẻo đến lạ. Có thể kể ra đây: Em là bông hồng nhỏ, Mưa hồng, Cho đời chút ơn,… và nhất là bài Quỳnh hương. Hình ảnh “nụ cười khúc khích trên lưng” của đôi tình nhân trẻ đọng mãi trong mình. Không biết vì sự nên thơ, có hồn của lời ca hay vì nó gắn với kỷ niệm của bản thân? Cũng có thể bởi cả hai.

Tháng 4, ngày mất của ông, năm nào mình cũng chọn một bông hồng vàng thật tươi cắm vào cái lọ bé xíu trên kệ sách. Như “một lời chia tay”, như một nhắc nhớ, có một người tài hoa đã đến và vui chơi, trong cuộc đời này. Như một sự tình cờ từ tình thương của má, những bài hát của ông qua tiếng hát Khánh Ly neo đậu suốt tuổi hoa niên mình đến tận giờ, mộc mạc, vẹn nguyên.

khám phá