NHẠC » Tin tức

The Voice chỉ là cuộc chơi khủng?

Thứ năm, 24/05/2012 11:32

Mặc dù đang gây ồn ào trong quá trình sơ tuyển, nhưng "Giọng hát Việt" cũng vướng những băn khoăn và lo ngại về khả năng tìm kiếm được những tài năng đích thực cho làng nhạc tương lai.

Hồ Ngọc Hà.

Trong xu hướng chạy đua những chương trình truyền hình thực tế, đặc biệt năm 2012 có rất nhiều chương trình diễn ra như: Hợp ca tranh tài, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s Got Talent, Ngôi nhà âm nhạc, Cặp đôi hoàn hảo…The Voice là một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát sắp vào cuộc. Tuy nhiên, không phải bất cứ cuộc thi nào thành công trên thế giới vào Việt Nam cũng có thể tìm kiếm được tài năng. Một chương trình hấp dẫn là niềm vui cho khán giả, nhưng nếu không tìm kiếm được tài năng là nỗi buồn dành cho ai?

Niềm vui lớn cho khán giả

Trên thế giới, The Voice chỉ mới bước vào tuổi thứ 2 - nhỏ tuổi hơn rất nhiều so với các chương trình truyền hình thực tế khác như Idol, Got Talent hay Dancing With Star, nhưng nó có sức lan tỏa cực lớn khi đã có tới 47 đài truyền hình các quốc gia (chủ yếu ở châu Âu) tham gia.

Tại châu Á, Hàn Quốc đã mua được bản quyền của The Voice. Đây là chương trình truyền hình thực tế có lượng rating đứng hàng đầu của những đài truyền hình lớn. Vì vậy, việc Việt Nam có được bản quyền của chương trình đang nóng hổi là một niềm vui lớn đối với khán giả mê truyền hình thực tế.

Sân khấu hoành tráng tại The Voice American 2011 sẽ có mặt tại Việt Nam. Về quy mô, theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa - đơn vị đã mua bản quyền The Voice, cho biết, bên đối tác đã có những yêu cầu rất nghiêm ngặt để khi về đến Việt Nam, Giọng hát Việt (tên của The Voice khi tổ chức tại Việt Nam) phải tuân thủ đúng theo "fomat" gốc của chương trình.

Cụ thể, 4 huấn luyện viên phải là 4 ca sĩ nổi tiếng, có thương hiệu trong thị trường giải trí. Phần thiết kế sân khấu và âm thanh phải xây dựng theo nguyên mẫu của nhà sản xuất ban đầu. Thậm chí, ngay cả thí sinh đoạt giải phải có một hợp đồng với Universal. Hoặc 4 chiếc ghế dành cho các huấn luyện viên ngồi trong vòng thi Giấu mặt phải đảm bảo đủ kích cỡ, chất lượng, màu sắc. Nếu Việt Nam chưa làm được thì phải nhập trực tiếp từ nhà sản xuất The Voice gốc.

Đàm Vĩnh Hưng.

Hiện nay, đơn vị mua bản quyền The Voice tại Việt Nam chưa tiết lộ giá mua chương trình này. Nhưng theo giới thạo tin, số tiền phải lớn hơn rất nhiều so với mua bản quyền của những chương trình khác như Idol, Dancing With Star. Nghĩa là riêng chi phí bản quyền phải vài triệu USD.

Hơn nữa, để mời được những ca sĩ hàng đầu Việt Nam như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh và Trần Lập nhận lời theo chương trình trong suốt thời gian dài diễn ra cuộc thi, số tiền cát-xê cho họ phải đủ sức nặng, hay "nặng nhất" so với giám khảo các chương trình đang hot khác. Tiếp đó là các chi phí khác như: 300 triệu đồng cho mỗi đội tham gia từ vòng đấu loại trực tiếp, 500 triệu đồng cho thí sinh đạt giải cao nhất cùng chi phí mời hàng loạt nhạc sĩ, nhà tạo mẫu, nhà thiết kế có tiếng.

Số tiền đầu tư cho chương trình Giọng hát Việt không nhỏ, vì vậy, khi nhà sản xuất đã mạnh dạn bỏ số tiền lớn, chắc chắn họ đã tự tin sẽ có rất nhiều khán giả để kéo lại lợi nhuận thông qua quảng cáo và tài trợ.

Tài năng có xuất hiện?

The Voice khác nhiều chương trình truyền hình thực tế ở điểm đây là cuộc thi chú trọng đến giọng hát, không tính đến ngoại hình hoặc những chiêu trò khác.

Trong vòng thi Giấu mặt, các huấn luyện viên sẽ ngồi quay lưng về phía thí sinh để nghe giọng hát người thi, không thấy được mặt. Khi yêu thích giọng hát nào, các huấn luyện viên bấm chuông là chiếc ghế tự động quay trở lại. Khi có nhiều huấn luyện viên cùng yêu thích 1 thí sinh, họ phải thuyết phục để thí sinh đó nhận lời về đội của mình. Những màn tranh giành giữa những người nổi tiếng và sự phân vân của thí sinh về việc chọn lựa là sức hút kéo khán giả ngồi trước màn hình.

Thu Minh.

Một sức hút khác chính là các huấn luyện viên. Họ phải theo đội của mình tham gia nhiều công việc như huấn luyện, xây dựng kế hoạch tập luyện, giúp thí sinh định hướng khi lựa chọn tiết mục dự thi cũng như làm music video. Họ cũng bình luận, gợi ý, tranh cãi và cho điểm trong từng đêm diễn. Đặc biệt, họ là những ca sĩ thành công trên thị trường âm nhạc, nên sự tham gia của họ sẽ giúp tìm ra những giọng hát phù hợp với thị trường.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng: "Ông trời có thể lấy của chúng tôi sức khỏe, nhưng không thể lấy đi giọng hát. Đôi tai thẩm âm sẽ giúp chúng tôi tin mình tìm ra được những giọng ca tốt".

Tuy nhiên với tình hình của ca nhạc Việt Nam như hiện nay, liệu "lực" của những người như Đàm Vĩnh Hưng có "tòng tâm" không? Bởi việc tìm kiếm giọng ca mới không chỉ được đặt ra ở Giọng hát Việt mà nhiều chương trình truyền hình thực tế trước đây, nhà sản xuất cũng từng hướng tới.

Nhưng dù là giám khảo chấm điểm hay dựa vào khán giả bình chọn, dường như mục đích đó vẫn còn quá xa với thực tiễn. Bởi những thí sinh đoạt giải cao nhất vẫn chưa có gì nổi trội, chưa có cá tính riêng và việc đoạt giải cao nhất chỉ giúp họ tăng thêm đôi chút tiền cát-xê khi đi hát.

Trần Lập.

Giọng hát Việt lần này, khán giả sẽ tiếp tục có cơ hội bình chọn và quyết định kết quả cuối cùng. Liệu một sân chơi mới, khán giả có sự thay đổi hay không? Hay Giọng hát Việt chỉ là một cuộc chơi truyền hình dù nó là một cuộc chơi khủng với danh xưng là tìm kiếm tài năng?

Thể thao văn hóa