Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt?
Tuy chỉ vừa phát sóng tập đầu tiên, nhưng The Voice phiên bản Việt đã nhanh chóng gây được sự chú ý và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người xem. Không chỉ gây bất ngờ với những giọng ca hay, chất lượng xuất hiện trong vòng thi Giấu mặt, người xem còn được nhiều phen ấn tượng bởi những màn tranh cãi nảy lửa giữa 4 vị huấn luyện viên khi cùng tranh giành thí sinh.
Rất nhiều lời khen được khán giả dành tặng Giọng hát Việt sau tập đầu tiên lên sóng. Một độc giả có nick mecutit cho biết: “Cá nhân tôi thấy The Voice phiên bản Việt này hay đấy chứ. Tuy chỉ mới là tập đầu tiên nhưng lại khá hấp dẫn và đặc biệt là rất nhiều thí sinh hát hay. Chưa kể tạo được sự tranh luận của HLV khi cùng chọn và lôi kéo thí sinh cũng là một điểm thú vị. Tập đầu tiên lên sóng như vậy là rất tốt và rất đáng để khán giả chờ đợi tiếp ở những tập sau. Ban đầu tôi rất nghi ngại về việc chọn lựa Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà làm huấn luyện viên, nhưng có lẽ bây giờ xem lại mới thấy đây là sự lựa chọn sáng suốt của chương trình. Đàm Vĩnh Hưng và Hà Hồ, họ đều là những nhân vật nắm bắt thị trường rất sát, lắm chiêu trò và đặc biệt là mạnh về gạo, bạo về tiền. Họ có một ekip hậu thuẫn phía sau và cũng có đủ tiềm lực để giúp thí sinh tỏa sáng.”
Mặc dù vậy, cũng có không ít khán giả bày tỏ sự thất vọng khi xem, vì hầu hết các thí sinh tham gia đều chỉ hát tiếng Anh, những ca khúc tiếng mẹ đẻ được các thí sinh chọn thể hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và việc xuất hiện nhiều thí sinh có giọng hát tốt ở vòng thi đầu tiên phần nào cũng là một điều đáng lo ngại khi không biết ở những vòng thi tiếp theo, họ có thể vượt qua chính mình được hay không?
Một khán giả có nick lekhanhuong chia sẻ: “Minh công nhận đêm đầu tiên của Giọng hát Việt rất hay và chất lượng, chỉ hơi buồn một chút là các thí sinh xuất sắc nhất đều chỉ hát tiếng Anh. Mong chờ ở các vòng sau và hy vọng sẽ được nghe các bạn ấy hát tiếng Việt. Đừng lặp lại trường hợp như Võ Trọng Phúc hay Vũ Đình Tri Giao ở Việt Nam’s Got Talent, nếu họ chỉ hát xuất thần ở đêm thi đầu tiên và chỉ có thể hát được tiếng Anh thì sẽ rất tiếc. Các huấn luyện viên sẽ phải làm gì để phát huy được tài năng của họ đây?”
Trông người mà nghĩ đến ta
Ngay từ khi có thông tin về The Voice được mua bản quyền tại Việt Nam, không ít người đã cảm thấy lo ngại, bởi từ trước đến nay, những chương trình ngoại nhập về Việt Nam ít nhiều cũng sẽ bị Việt hóa và thường có chiều hướng "kém" hơn, "chán" hơn và không tránh khỏi sự so sánh.
Tuy đã nhận được rất nhiều tình cảm từ người xem, đặc biệt là phần cạnh tranh nảy lửa giữa 4 vị huấn luyện viên. Thế nhưng, không ít khán giả vẫn cho rằng phong cách của Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Hà Hồ và Trần Lập vẫn đâu đó thấp thoáng hình ảnh của những huấn luyện viên The Voicephiên bản Mỹ.
Một độc giả có nick levy cho biết: “Cái cách Trần Lập xoay tay giả vờ nhấn nút giống hệt với Adam Levine, nhưng anh ấy quá hiền và phải cần thêm một chút “láu cá” nữa thì mới có thể thu hút được như phiên bản Mỹ. Chưa kể sự xuất hiện của anh ấy lại khá mờ nhạt và phong cách thể hiện cũng bị một màu, từ đầu đến cuối cũng chỉ quanh đi quẩn lại 1 câu ‘Hy vọng bạn sẽ về đội Trần Lập’ và không có gì mới mẻ hơn.”
Thậm chí nhiều người cũng cho rằng việc Hà Hồ và Thu Minh liên tục “đấu tay đôi” nảy lửa để tranh giành thí sinh cũng là những hình ảnh rất thường thấy khi xem The Voice quốc tế, mà cụ thể ở đây chính là những cuộc tranh chấp nổi tiếng giữa X-Tina và Adam trong phiên bản Mỹ. Chính vì vậy, việc khán giả bỗng dưng "phát cuồng" vì màn đấu khẩu của 2 huấn luyện viên cũng chỉ là chuyện thường tình, không có gì quá bất ngờ đối với những ai là fan ruột của The Voice.
Dẫu biết phiên bản Việt hóa sẽ không bao giờ bằng những bản gốc, nhưng rõ ràng cái hay được học hỏi lại là một điều tốt. Có thể, những cuộc tranh cãi giữa Hà Hồ và Thu Minh chưa đủ độ kịch tính như phiên bản gốc, nhưng không ai có thể phủ nhận, đây là một trong những điểm thu hút nhất của chương trình The Voice, và những cái hay, cái tốt được học hỏi lại cũng chẳng có gì là xấu.
Điển hình là sau tập phát sóng đầu tiên, hai nữ HLV Thu Minh và Hồ Ngọc Hà đã trở thành tâm điểm chú ý, được nhiều khán giả yêu mến và họ cũng đang là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi đề cập đến The Voice phiên bản Việt.
Bên cạnh đó, một độc giả có tên Đỗ Bắc Trung cũng thẳng thắn chia sẻ về cá tính thí sinh giữa các phiên bản The Voice quốc tế và Việt Nam: “Thực sự tôi vẫn thích xem phiên bản The Voice của Hàn Quốc hơn, nhất là ở cách họ ghi hình, cách họ để các thí sinh tự trải lòng trong phòng chờ, và kể cả cách các thí sinh ‘thách thức’ HLV ra tay thuyết phục mình về phe họ như thế nào. Điển hình như yêu cầu hát một đoạn nhỏ, hoặc hỏi xem nếu thí sinh về nhóm của họ thì liệu họ sẽ giúp được gì cho mình? Dường như thí sinh Việt Nam của chúng ta hơi rụt rè khi lên sân khấu thì phải?”
Những hạt sạn không đáng có
Một trong những hạt sạn lớn nhất khiến người xem cảm thấy bức xúc sau khi xem tập đầu tiên củaThe Voice tối qua chính là phần âm thanh, ánh sáng và khâu dàn dựng.
Việc âm thanh không đồng đều, bỗng dưng lúc nhỏ lúc to khiến phần dự thi của các thí sinh chưa đủ thuyết phục người xem truyền hình. Những giọng ca từng khiến khán giả và cả HLV “nổi da gà” khi xem trực tiếp, nay lại trở nên… bình thường quá đỗi khi lên sóng tivi. Chính điều này đã khiến không ít khán giả đặt ra thắc mắc và chưa cảm thấy thực sự thuyết phục với quyết định chọn lựa thí sinh của HLV.
Ánh sáng lúc quá tối (các thí sinh căng thẳng, hồi hộp tại khu vực chờ), khi lại quá chói, đặc biệt là những lúc chiếu cận mặt HLV ngồi trên hàng ghế đỏ khiến hình ảnh trong chương trình bỗng dưng “xấu lạ” so với bối cảnh đẹp lung linh bên ngoài.
Chưa kể vì muốn đảm bảo thời lượng phát sóng chương trình, khâu dàn dựng cũng đã bị cắt gọt khá nhiều ở phần nhận xét, tranh chấp giữa các HLV, có những vụ đấu khẩu lên đến cao trào thực sự hấp dẫn khi xem trực tiếp, nhưng khi lên sóng lại bị cắt gọt khá nhiều khiến cuộc tranh luận đôi lúc trở nên cụt ngủn, và những đợt kịch tích vẫn chưa thực sự gay cấn như thực tế. Thậm chí ngay cả phần thí sinh phân vân lựa chọn theo nhóm nào cũng trở nên… bình thường và chẳng có gì để hồi hộp hay bất ngờ khi xem.