Vòng “Đối đầu” chỉ là cho khán giả xem đi xem lại những phân đoạn nhàm chán, cảnh các huấn luyện viên (HLV) mời nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia đến "điểm nhãn" cho thí sinh. Vài câu nhận xét đãi bôi, vài câu chuyện vô thưởng vô phạt. Kèm theo khuyến mãi, cảnh hai thí sinh tranh nhau hú, hét, quằn quại trên sân khấu, rồi đột ngột, có người bị loại, có người ở lại… Mà tình thật, đôi lúc không hiểu vì sao người ở lại được ở lại, người bị loại lại bị loại.
Và giả như, The Voice cứ dừng lại ở trạng thái… vô duyên đó, có khi sẽ còn cứu vớt được ít nhiều… lợi nhuận cho nhà sản xuất chương trình. Đằng này, The Voice đã bị lộ nguyên hình với nhiều toan tính phía sau cuộc chơi.
Lộ sự dàn dựng
The Voice, sau đêm thi ngày 9/9 vừa qua, trên mạng Internet xuất hiện đoạn clip vô cùng nhạy cảm. Đoạn clip dài gần 8 phút 30 giây, được biên tập, tỉa tót rất cẩn thận và đặt cái tên vô cùng hấp dẫn "Những thắc mắc mà báo chí chưa giải đáp về Giọng hát Việt sẽ được trả lời tại đây".
Đoạn clip ấy mang lại những câu trả lời gì(?!).
Thứ nhất, một ít nội dung trong đoạn clip, minh chứng rõ ràng sự sắp đặt của nhà sản xuất chương trình. Cụ thể là Giám đốc âm nhạc của chương trình, nữ nghệ sĩ Phương Uyên đã lên kế hoạch để "lấy ai, loại ai". Lấy bằng cách nào, loại bằng cách nào… đều đã được soạn thảo trước khi thí sinh bước lên sân khấu bắt đầu vòng chơi "Đối đầu".
Thứ hai, là đoạn ghi âm được cho là của Phương Uyên (mà nghe giọng, gần như chắc chắn là giọng của Phương Uyên - NNH) đang trao đổi với một người có trách nhiệm khác về việc "lập mưu loại thí sinh".
Thứ ba, là những e-mail có nội dung mùi mẫn của thí sinh nữ gửi cho một vị nữ nghệ sĩ nào đó… Đại loại, kiểu tình "les". Clip cung cấp cho người xem về các yếu tố cần có để tạo nên scandal ầm ĩ trong một cuộc thi. Đó là, sự sắp xếp, sự luyến ái và thủ đoạn.
Trên thực tế, việc thi cử hát hò, sòng phẳng mà thừa nhận, trải qua vòng sơ loại thì càng vào vòng trong, nhà sản xuất dưới sự cố vấn của các nghệ sĩ (hay giao toàn quyền cho một nghệ sĩ có khả năng) sẽ làm việc cật lực để loại dần những thí sinh không đủ chuẩn. Đây là nguyên tắc hết sức cơ bản, không có gì phải bàn cãi.
Thế nhưng, lần đầu tiên khán giả được chứng kiến toàn bộ một quy trình sắp xếp kết quả ở một cuộc thi, nên họ… sốc.
Họ càng sốc hơn nữa, bởi The Voice - Giọng hát Việt, mới vừa chào sân làng giải trí và nhanh chóng thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Hơn nữa, chuyện thiên hạ xì xầm không có bằng cớ, nên làm cứ làm, xì xầm cứ xì xầm. Còn giờ, The Voice đã "lộ nguyên con", hẳn là không ai buồn xem nữa. "Một lần thất tín, vạn lần thất tin"... Liệu khán giả xem truyền hình nào còn tin vào sự công tâm của các HLV trong việc lựa chọn thí sinh nào ở lại và tiễn thí sinh nào ra đi(?).
The Voice đã phá sản. Nếu không phá sản, bởi những ràng buộc về hợp đồng tài trợ, kênh sóng… thì cũng phá sản về niềm tin.
Lòi ra giả dối
Tôi nhớ, cách đây ít lâu, khi người ta hồ nghi HLV Trần Lập biết trước kết quả của The Voice, khi lỡ miệng "Bảo Anh (thí sinh của The Voice) sẽ đi với tôi đến đêm thi cuối cùng".
Trần Lập nhanh chóng mồm năm miệng mười phủ nhận cái sự lộ ấy. Trần Lập bảo rằng: "Chẳng qua chỉ là vô tình tôi nói nhầm thôi. Các bạn thấy đấy, kể cả những HLV giỏi nhất trong chương trình The Voice trên thế giới thì không ai có thể biết được thí sinh nào sẽ đi đến chặng cuối cùng, vì đây mới chỉ là vòng Đối đầu, tất cả các thí sinh còn đến 12 đêm truyền hình trực tiếp, làm sao tôi có thể đảm bảo được cho thí sinh nào đi đến vòng cuối cùng của cuộc thi? Những HLV nào thiên vị nhất cũng sẽ không thể nào lôi kéo thí sinh đi đến hết 12 đêm thi tiếp theo. Ý của tôi chỉ muốn nói đơn giản một điều rằng: Bảo Anh sẽ tiếp tục đi tiếp. Thế thôi".
Thời điểm Trần Lập giải thích, người ta tin Trần Lập. Vì khi ấy, đoạn clip tố cáo chưa hiển hiện trên mạng Interner.
Còn giờ, chắc người ta đã không tin Trần Lập nữa. Như tôi đã viết, Trần Lập nhạt vô cùng trong The Voice. Tôi đã từng hy vọng, chỉ có mỗi Trần Lập nhạt, nhưng… tôi đã nhầm.
Khi tôi thấy ca sĩ Thu Minh khóc nức nở, vì đau khổ phải chọn một trong hai thí sinh là học trò của mình. Tôi đã tin nước mắt của Thu Minh là thật.
Khi tôi thấy Hồ Ngọc Hà đau đớn vì phải loại bớt một thí sinh của mình, tôi đã cho đó là cảm xúc rất bình thường của một HLV trân trọng tài năng. Tuy nhiên, vì cuộc chơi đã có luật nên đành tuân thủ.
Khi tôi thấy ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trán nhăn mày nhíu, cất tiếng xin lỗi vì loại bớt một thí sinh. Tôi đã nảy sinh sự đồng cảm trước quyết định khó khăn đó của anh.
Chắc là, không chỉ có tôi mà rất nhiều khán giả cũng đã tin vào điều đó. Tiếc thay, chúng ta đã bị gạt. Làm sao người ta có thể khóc khi đã biết trước kết quả. Làm sao người ta có thể đau đớn khi đã biết ai ở ai đi. Làm sao người ta có thể trán nhăn mày nhíu khi đã am tường thí sinh nào chơi tiếp, thí sinh nào bị loại.
Rặt từ trên xuống dưới, toàn là đóng kịch. Có điều, những nhân vật vang danh trong làng giải trí ấy, diễn vai kịch tròn trịa quá, hấp dẫn quá, khiến chúng ta cả tin mà mắc lỡm.
Trước khi The Voice lên sóng, họ nói về những khoản cát-sê nửa tỉ cho đến cả tỉ đồng để mời được họ ngồi vào ghế HLV. Họ nói thêm về biệt thự triệu đô, villa vài chục tỉ… làm nơi huấn luyện thí sinh để minh chứng cho sự nghiêm túc.
Hóa ra, là bịp nhau cả… Nhà sản xuất chương trình bỏ tiền ra, ấn họ vào cái ghế ấy để họ diễn một vở kịch có đủ hỉ, nộ, ái, ố, cho thêm phần gay cấn. Nhiệm vụ của họ đến đấy đã hết.
Ca sĩ Thanh Lam nói không sai, khi bảo "Không biết họ sẽ dạy thí sinh bằng gì".
Ca sĩ Bảo Yến nói cũng không sai, khi nửa đùa nửa thật "Họ chỉ là những con rối".
Họ phản ứng lại những nhận xét ấy rất khủng khiếp. Nhưng cuối cùng, họ đã xác tín lời của Thanh Lam lẫn Bảo Yến thông qua đoạn clip tố cáo chương trình The Voice. Họ chỉ là những con rối không hơn không kém. Đã là con rối thì dạy dỗ ai(?). Tội nghiệp, họ phải diễn một vở kịch quá dài. Ngay cả khi tham gia một chương trình với tư cách là HLV, họ vẫn phải tiếp tục diễn. Có bao giờ, họ sống được theo đúng bản chất của mình đâu.
Vậy đó, hàng trăm bài báo tranh luận việc loại thí sinh này, lấy thí sinh kia là không công bằng. Hàng nghìn cuộc cãi nhau trên các diễn đàn mạng về "đáng lẽ thí sinh này không đáng bị loại"… Và rất nhiều trạng thái hình thành nên xúc cảm khác đã hiện hữu khi xem The Voice phút chốc trở thành kệch cỡm bởi tất cả đều đã "bị lừa từ trên xuống dưới".
Họ, những nhà sản xuất chương trình, thoải mái mỉm cười vào đám đông ngây thơ. Họ, điều khiển cuộc chơi bằng các sợi dây của những nghệ sĩ.
Thí sinh đã là con rối, đám đông cũng không ngoại lệ.
Tự dưng lại nhớ đến ca sĩ Phương Thanh, khi cô tố "Tôi chỉ là con cờ trong chương trình Bước nhảy Hoàn vũ 2012".
Nhà sản xuất nào làm Bước nhảy Hoàn vũ 2012(?). Họ chính là những người đã làm The Voice.
Cái may trước đây của họ trong Bước nhảy Hoàn vũ 2012 là không có clip tố cáo.
Lần này, ở The Voice, họ đã không may mắn như vậy.
Vĩ thanh
Làng giải trí Việt hiện tại, đã tiệm cận với sự nhốn nháo của các làng giải trí khác, kiểu như Đài Loan, Hàn Quốc… Thuật ngữ "Nổi tiếng trong vòng 15 phút" hiển nhiên chính xác.
Những Bùi Anh Tuấn, Tiêu Châu Như Quỳnh, Bảo Anh… như từ trên trời rơi xuống làng giải trí và được khán giả chấp nhận nhanh chóng.
Họ chỉ xuất hiện ở The Voice một đêm và đã đủ tên tuổi để đứng trên sân khấu.
Độ nóng của chương trình The Voice, sự cuồng nhiệt của các HLV, thích thú nhất thời của đám đông xem chương trình.. đã cho họ một danh phận bước vào làng giải trí.
Giả như, không có sự cố lộ clip dàn xếp kết quả. Có thể, nhiều thí sinh trong The Voice đã có một kết cục tốt đẹp hơn cho con đường đi tìm danh vọng trên sàn diễn của mình.
Đương nhiên, danh vọng ngắn hay dài còn tùy thuộc vào năng lực thực thụ của từng cá nhân. Nhưng đoán chắc, họ đã có được bệ phóng mà bất kỳ ai tính bước chân vào làng giải trí Việt đều phải mơ ước.
Tiếc thay, mọi thứ đã thay đổi nhanh như gió xoay chiều. Đoạn clip dài chưa đến 8 phút 30 giây, đã đánh sập những gì mà nhà sản xuất chương trình công phu xây dựng nên. Người Việt vẫn có thói quen, không chấp nhận mình bị lừa dối, nhất là trong một chương trình truyền hình thực tế. Đặc biệt là khi chương trình ấy lại mới toanh và đang có sức hấp dẫn.
Vận hạn của The Voice đã đến, không còn cách gì lấy lại uy tín được nữa. Ít ra, quan điểm của tôi là như vậy. Biết đâu, sau mưa lại nắng… The Voice sẽ vẫn hấp dẫn bằng các chiêu trò khác. Nhưng đó là chuyện ở tương lai. Hiện tại, The Voice đã… tắt lửa.
Cho đến lúc này, nhà sản xuất The Voice chắc đã biết ai tung lên mạng đoạn clip đáng nguyền rủa ấy.
Nghệ sĩ Phương Uyên cũng đã gửi lời xin lỗi nhà sản xuất và đang xem xét liệu có tiếp tục đảm nhiệm vị trí giám đốc âm nhạc hay không(?).
Ai đó trong ê-kíp sản xuất chương trình trần tình: "Ngay khi đoạn clip xuất hiện tên họ, họ đã mất ngủ cả nhiều ngày sau. Họ liên tục trấn an thí sinh để thí sinh đủ bình tĩnh chơi tiếp".
Không sao, có ai bảo họ gian lận đâu mà họ làm rối lên thế. Họ chỉ đánh lừa cảm xúc của khán giả và bị phát hiện thôi mà.
Vẫn có cách hóa giải scandal này. Đó chính là, thay vì vẫn gào lên, họ có thể xin lỗi những khán giả chẳng may đã nhỡ tin vào chương trình. Họ xóa đi khẩu hiệu "thi cử tìm ra giọng hát Việt". Họ bỏ đi ban giám khảo và những phân đoạn tào lao khác…
Họ có thể biến The Voice thành một game show, nơi thí sinh đến hát rồi về. Hoàn toàn không có việc bị loại hay không bị loại, HLV khóc hay không khóc… Không có HLV, họ không còn phải lo lắng biên soạn những nhận xét đầy lung linh của các HLV dành cho thí sinh nữa.
Và khi The Voice thành một game show chơi vui có thưởng, hoàn toàn không phải là một cuộc thi… Họ đỡ phải gồng người lên để nghĩ ra chiêu trò đánh lừa khán giả xem chương trình.
Cá nhân tôi cho rằng, việc dàn xếp một cuộc thi là điều hết sức bình thường. Nhưng, The Voice đã rủi đến mức, dàn xếp lại không giấu được sự dàn xếp…
Y như chơi bàn gian lận, lại bị rơi con bài giấu sẵn trong tay áo xuống chiếu bạc, hỏi sao mà lại không bị ném đá đến "tả tơi"…
Rõ ràng, không có cái dại nào giống cái dại nào. Mà chơi bịp lâu ngày, thì hoặc trước hoặc sau, nếu không tự bị lộ hẳn sẽ bị tố cáo..
Có vậy thôi mà.