Hiệu ứng ngược
Qua rồi cơn bão truyền thông với trận mưa lời khen dành tặng khi The Voice Vietnam lên sóng những tập đầu tiên của vòng Giấu mặt. Những tín hiệu giảm nhiệt của The Voice đến ngay từ những tập cuối cùng của vòng Giấu mặt, và đến vòng Đối đầu thì chương trình đã không thể giữ được sức hút của mình.
Không phải vô cớ mà The Voice Vietnam được đánh giá là hiện tượng. Bởi tính ưu việt trong format của chương trình là không phải bàn cãi khi The Voice có tuổi đời non trẻ, mới ra đời năm 2010, nhưng đã là chương trình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát gây sốt ở các nước Anh, Mỹ và lan sang cả châu Á với hàng loạt phiên bản đình đám của Hàn Quốc, Trung Quốc.
Ra đời muộn hơn cũng đồng nghĩa với việc format của The Voice khắc phục được những điểm thiếu sót và chưa hấp dẫn của các phiên bản tìm kiếm tài năng khác như Got Talent hay Idol. The Voice trở nên khác biệt với tiêu chí chỉ tôn vinh giọng hát mà không sử dụng các chiêu trò giữa hàng loạt những chương trình thực tế chuyên “bán scandal” để sống.
Ngay lập tức sức nóng của The Voice được truyền tới Việt Nam khi phiên bản Giọng hát Việt ra đời. The Voice Vietnam, tên tiếng Việt là Giọng hát Việt, được kế thừa toàn bộ những sức nóng mà phiên bản gốc đang gây sóng gió.
Thêm vào đó hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam lúc này cũng khiến The Voice được mong chờ hơn bao giờ hết. Vietnam Idol thì ngày càng nhảm. Sao mai điểm hẹn thì đã quá già cỗi. Vietnam’ Got Talent được liệt vào hàng thảm hoạ scandal. Trước thực tế trên không khó đoán khi The Voice Vietnam trở nên hút khách ngay từ tập đầu tiên.
Nhưng bấy nhiêu lợi thế về mặt hiệu ứng truyền thông và hiệu ứng khán giả, The Voice Vietnam đã không thể tận dụng được tối đa. Nguyên nhân sâu xa cũng bởi, chương trình phần nào chưa đáp ứng được những trông đợi quá lớn của công chúng.
Do được quay hình trước nên ngay tập đầu tiên của vòng Giấu mặt, The Voice Vietnam được biên tập kỹ lưỡng với hàng loạt “giọng ca khủng” xuất hiện như: Hương Tràm, Đinh Hương, Trang Quốc Cường, Đào Bá Lộc,… Chính sự quá tay trong cách sắp xếp của chương trình, cộng với sự hy vọng quá lớn nơi công chúng đã dẫn đến hiệu ứng ngược về tâm lý.
Bị phản bội niềm tin
Chương trình cứ ngày càng giảm nhiệt khi ở các tập tiếp theo của The Voice Vietnam người ta thấy những giọng ca cũng không còn xuất sắc. Thay vào đó đến vòng Đối đầu, những gương mặt thậm chí là rất thường được đánh giá cao khiến công chúng càng như bị phản bội niềm tin.
Việc hàng loạt giọng ca được đánh giá là yếu như Bảo Anh, Thái Trinh, Phan Ngọc Luân, Bùi Anh Tuấn,Quỳnh Trang,… đi tiếp vào vòng liveshow đã gây ra phản hứng trái chiều nên nơi công chúng.
Trước sự “nóng giận” của công chúng, các huấn luyện viên lên tiếng giải thích lý do họ chọn các gương mặt luôn tỏ ra yếu thế hơn trong các màn “so găng tay đôi” trên sàn đấu của vòng Đối đầu bới họ tính “chuyện đường dài”. Công chúng lại càng tỏ ra thất vọng.
Tiêu chí chương trình chỉ tôn vinh giọng hát đã bị bóp méo đi trước những toan tính của các huấn luyện viên. Họ không đủ can đảm để chọn lựa những giọng hát tốt, kém hiệu ứng hơn những giọng hát tồi nhưng lại là hiện tượng đang gây chú ý của cộng đồng mạng.
Qua hai tập của vòng Đối đầu, niềm tin nơi công chúng vào chương trình càng trở nên lung lay khi hàng loạt giọng ca xứng đáng đi tiếp phải dừng lại nhường chỗ cho những hiện tượng, hotboy, hotgirl.
Khán giả không còn đủ kiên nhẫn
Ngoài những yếu tố trên thì sức hút của The Voice cũng giảm đi bởi khán giả không còn đủ kiên nhẫn để xem chương trình này như những tập đầu tiên. Bởi ở vòng Đối đầu này, công chúng hầu như không thể thưởng thức được một phần trình diễn nào đáng nghe.
Hầu hết các tiết mục song ca của các cặp thí sinh chỉ là một trận “so găng” mà ở đó sự gào thét để lấn át đối thủ đã át đi tính trình diễn và tính nghệ thuật cần phải có của một phần hát song ca.
Thêm vào đó việc lạm dụng quá mức những ca khúc tiếng Anh trong chương trình ngày càng khiến số đông người nghe thêm phần chán nản.
Không phủ nhận những ca khúc tiếng Anh có nhiều bài kinh điển giúp thí sinh khoe được tối đa giọng hát của mình. Nhưng việc hát “rặt tiếng Anh là tiếng Anh” trong một chương trình tìm kiếm giọng hát Việt khiến khán giả đi từ bức xúc đến chán nản.
Bởi đại đa số công chúng theo dõi The Voice Vietnam đều không có khả năng hiểu được thí sinh hát gì. Và chính từ sự không hiểu này dễ đi đến cảm giác bất lực trong việc thưởng thức các tiết mục tại The Voice Vietnam.
Sự giảm nhiệt của The Voice cũng còn xuất phát từ chính năng lực của các huấn luyện viên. Không phải đến khi diva Thanh Lam lên tiếng nghi ngờ về năng lực của Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng người ta mới “choàng tỉnh cơn mê”. Mà ngay từ tập đầu tiên của vòng Đối đầu, công chúng đã lờ mờ nhận ra sự non yếu này.
Ở hầu hết các màn đối đầu của những cặp thuộc đội Hà Hồ cũng như đội Mr Đàm, công chúng thấy sự thiếu tiết chế giữa hai thí sinh khiến cho bài hát bị phá nát với những màn phiêu thái quá hay gào thét quá độ.
Người ta biện minh, huấn luyện viên không phải là người dạy mà chỉ là người định hướng. Quả đúng vậy, nhưng định hướng con đường đi của thí sinh sai còn tai hại gấp một trăm lần chỉ dạy không chuẩn trong một bài hát.
Vấn đề âm thanh, chất lượng hình ảnh cũng là một trong những yếu tố góp phần làm giảm đi sức hút của The Voice Vietnam.
Mặc dù được ghi hình trước những những tập đầu của vòng Đối mặt của The Voice Vietnam có chất lượng âm thanh quá tệ. Khi thí sinh gào thét hay phiêu, âm thanh rè khiến người xem không thể nghe rõ họ hát gì. Thêm vào đó, hình ảnh nhoè nhoẹt của phần hình cũng khiến người xem phải căng mắt ra theo dõi.
Người ta bảo nghe qua truyền hình chỉ được 30-40 % so với nghe và xem trực tiếp tại trường quay The Voice Vietnam. Nhưng mấy người được xem trực tiếp, và cũng sắp đến vòng liveshow. Không rõ rồi đây khi chương trình phát trực tiếp thì âm thanh và hình ảnh của The Voice còn tệ đến đâu?
Hơn lúc nào hết, có lẽ phía đơn vị sản xuất The Voice Vietnam cần phải xem lại mình nếu không muốn sức hút của chương trình ngày càng giảm. Vậy e thật phí những gì mà chương trình được trông đợi suốt thời gian qua.