NHẠC » Tin tức

Thí sinh The Voice: Chưa thành “sao” đã vô lễ

Thứ sáu, 14/09/2012 08:28

Việc thí sinh Quỳnh Trang bất thình lình “cướp” micro của một nhà báo khi chị đang nói, trong cuộc họp báo của ban tổ chức cuộc thi The Voice cho thấy hành vi ứng xử kém văn hóa của không chỉ cô ca sỹ trẻ này.

Người ta tự hỏi, nếu cô ấy trở thành một nghệ sỹ thì showbiz sẽ trở thành cái gì?

Báo giới rất bức xúc trước hành động này của Trang Ốc (Quỳnh Trang), bởi đây là hành động vô lễ, vì người có văn hóa, là người được học hành đàng hoàng, và từ cấp tiểu học, đã được cô giáo dạy rằng, trong một tập thể, khi có một người đang nói, thì những người khác phải ngồi lắng nghe. Còn khi muốn có ý kiến phát biểu, phải giơ tay xin phép.   Trang Ốc và fan của cô có thể vin vào lý do rằng, cô bức xúc vì báo giới chĩa mũi dùi vào Phương Uyên mà không hỏi cô, “nhân vật có liên quan” đến “vụ án động trời” của The Voice, vì thế cô nôn nóng, cô ức chế, bức xúc dẫn đến việc “cướp micro” để giãi bày.  Tuy nhiên, Quỳnh Trang và fan của cô cũng cần phải hiểu rằng, nếu cô chỉ vì bức xúc vì “không được nói” thì giới truyền thông, đặc biệt là hàng triệu khán giả sẽ còn bức xúc và bất bình như thế nào trước việc họ có thể đã trở thành những con rối, những kẻ ngu ngốc, khù khờ bị ăn quả đắng bởi niềm tin đã đặt nhầm chỗ, nếu như nghi án “dàn xếp kết quả” mà Phương Uyên đang là “nhân vật chính” kia trở thành sự thật?!   Việc Quỳnh Trang “bất bình” giật micro của phóng viên đã gây nên cúc sốc cho nhiều nhà báo có mặt, nhưng đáng ngạc nhiên hơn, đó là những người chù trì cuộc họp báo, họ nghiễm nhiên chấp nhận “câp dưới, thí sinh” của mình vô lễ với nhà báo, giống như để cho con mình vô lễ với những vị khách mà mình mời đến nhà để bàn bạc công việc. Họ đã không có hành động can thiệp kịp thời nào, ít nhất để trở về đúng bản chất của một cuộc họp báo thông thường, với những hành động thông thường của phần chất vấn, nhà báo hỏi, ban tổ chức trả lời. Vì thế cuộc họp báo này sau đó đã được một số bài báo gọi là “họp chợ” quả thật không ngoa.

Quỳnh Trang: Kẻ "đòi nợ" công lý cho The Voce?

Sự kiện Quỳnh Trang “cướp micro” đã vô tình làm hoen mờ đi niềm tin và tình cảm của không ít nhà báo đối với các thí sinh còn lại. Khi mà cả thí sinh Nguyễn Văn Thắng cũng mạnh miệng “mắng” báo giới: “Khán giả không biết đến cuộc sống đời thường của Phương Uyên, tại sao lúc Phương Uyên tuyển các thí sinh thì báo chí không đến viết về chị ấy mà lại soi mói vào scandal này. Hãy là một con ong chứ đừng làm một con ruồi” (!).  Những lời nói này được “tuôn” ra từ miệng của các thí sinh The Voice khiến nhiều nhà báo thất vọng.    Sự vô lễ của Quỳnh Trang, Nguyễn Văn Thắng chỉ là giọt nước làm tràn ly, khi mà thời gian qua, có khá nhiều ca sỹ trẻ có những hành động tương tự, chỉ có điều, những người “hưởng” chúng không phải là các nhà báo, mà là công chúng hoặc các đồng nghiệp của họ.   Hành động “mắng mỏ, trách móc, giật micro” của thí sinh The Voice, nó cũng được xếp vào hàng “vô lễ” như rất nhiều ca sỹ trẻ mới được giải ở một thi hát nào đó, đã ngay lập tức “lên mặt” với các ca sỹ đàn anh, đàn chị đi trước, thậm chí những người đã trở thành ngôi sao đi hát lâu năm, bằng việc không thèm chào hỏi, tỏ ra coi thường, “chảnh chọe” với ngay cả những người trước đó từng là anh chị em thân thiết.

Nguyễn Văn Thắng cũng là một con "rối" trong vở kịch "The Voice"?

Nhiều ca sỹ trẻ khác, sau khi đoạt giải các cuộc thi hát, các chương trình truyền hình thực tế đã tăng giá catxe đến chóng mặt, thậm chí từ 2 triệu lên đến 40 triệu đồng chỉ sau một đêm đăng quang. Sự ve vuốt, tung hô, nuông chiều của một bộ phận khán giả, và một phần lỗi của truyền thông chính là những nguyên nhân giúp cho thói hư của những ca sỹ này được dịp phát huy, và với thói quen như thế, những ca sỹ này tự cho mình cái quyền “ngồi trên đầu” kẻ khác, sinh ra thói vô lễ, ứng xử “chợ búa” như báo chí đã nêu trong thời gian vừa qua.   Cuộc thi The Voice mới đi được một nửa chặng đường, về lý thuyết, đây là thời điểm các thí sinh tham gia cuộc thi phải thể hiện hết mình về tài năng, rèn luyện kỹ năng và nhân cách, được các Huấn luyện viên dạy cho cả việc đối nhân xử thế, ít nhất là trong phạm vi một ca sỹ sống trong showbiz cần phải biết trên biết dưới, biết lẽ phải, điều trái để có những ứng xử văn minh của một người nghệ sỹ thực thụ.   Nhưng có vẻ như họ đã chứng minh điều ngược lại. Sẽ còn những ai dám đặt niềm tin vào cuộc thi khi mà những thắc mắc về nghi án “dàn xếp kết quả”chưa có lời giải thích thỏa đáng từ ban tổ chức, các ca sỹ tài năng thì có hạn mà đã ngang nhiên, công khai thể hiện sự vô lễ như là thứ vũ khí nguy hiểm của mình?   Câu hỏi này, thiết nghĩ tự nó đã có câu trả lời!

VnMedia