Dù không phải xuất phát ở một gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật nhưng Trịnh Việt Cường có niềm đam mê âm nhạc ngay từ thời trung học. Mỗi ngày, ngoài thời gian cắp sách đến trường, anh gắn mình với cây đàn guitar. Chính niềm đam mê âm nhạc đã đưa anh tìm đến với nhạc sĩ Nguyễn Đức (Phụ trách chương trình ca nhạc thiếu nhi có tên là Bạn Việt nhí và cũng là thầy, là người đào tạo các ca sĩ như Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Ngọc cùng tam ca Sao Băng gồm các giọng ca nam Thanh Phong, Phương Đại, Duy Mỹ nổi tiếng những năm thuộc thập niên 1960 - 1970).
Nhưng không lâu sau, với khát vọng âm nhạc mạnh mẽ, Trịnh Việt Cường đã mạnh dạn tìm đến một ca nhạc sĩ đang thời đỉnh cao âm nhạc lúc bấy giờ. Đó là ca nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh.
Ca sĩ, nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh bấy giờ là một nam danh ca trong 4 ngôi sao gồm có: Hùng Cường - Duy Khánh - Nhật Trường - Chế Linh. Trịnh Việt Cường đã tìm cách gặp nam danh ca và ngỏ lời muốn xin làm đệ tử. Nhật Trường thẳng thắn từ chối, và nói là ông không có đệ tử và cũng sẽ không bao giờ có đệ tử vì “đệ tử thì hay phản thầy”. Thất vọng, nhưng niềm đam mê đã thúc giục Trịnh Việt Cường tìm gặp lại nhạc sĩ của những bài hát tình yêu lứa đôi say đắm lòng người như: "Mùa đông của anh", "7 ngày đợi mong", "Đám cưới đầu xuân", "Chuyện hẹn hò", "Gặp nhau làm ngơ", "Tình có như không"...
Trịnh Việt Cường đã “mai phục” khắp nơi, ở hậu trường sân khấu, khi Nhật Trường ra về sau buổi diễn, ở những nhà hàng mà nhạc sỹ thường ăn sáng. Dường như, lòng nhiệt tình và khuôn mặt rất thư sinh trong sáng của anh đã khiến Nhật Trường động lòng. Ông đã nói: "Ngày mai em dọn qua nhà anh ở chung với anh". Trịnh Việt Cường rất ngạc nhiên trước câu nói như phán quyết của người đàn anh. Nhưng anh hơi hoảng, vì anh còn đi học và sống với cha mẹ. Nhưng Nhật Trường bảo lên xe rồi ông đưa anh về nhà để xin phép với thân phụ. Thế là từ đó, Trịnh Việt Cường đến với ngưỡng cửa âm nhạc, với nghệ danh Quốc Cường.
Năm 1984, Trịnh Việt Cường tham gia đoàn ca nhạc Bông Hồng như là một diễn viên, ca sĩ trẻ nhất của đoàn. Lúc đó phải nói là đoàn có một lực lượng nghệ sĩ rất hùng hậu: Nguyễn Chánh Tín, Huỳnh Thanh Trà, Tú Trinh, Băng Châu, Trần Quang, Bạch Lan Thanh, ca nhạc sĩ Văn Phụng và nhạc sĩ Quốc Dũng. Trịnh Việt Cường được anh em lúc đó rất thương. Chị Thẩm Thúy Hằng săn sóc và giúp đỡ anh rất nhiều trong việc trang điểm và luôn nhắc nhở về phong cách ăn mặc sao cho đẹp và sang trọng vì mình là nghệ sĩ với trăm ngàn ánh mắt nhìn vào. Mỗi khi có diễn viên bị ốm hoặc bận việc không diễn được, thường chị Thẩm Thúy Hằng bảo anh đóng thế vai.
Còn nhớ vở kịch "Đôi bông tai" có một đoạn nhạc khúc phải được hát live trước khi vở diễn kết thúc, chị Hằng luôn bắt anh phải hát vì thấy chất giọng của anh hợp. Mà mỗi lần bắt hát như vậy thì không được về sớm, phải chờ đến gần hết mới được về. Dù rằng Không thích thú gì nhưng buộc phải nghe lời bà chị.
Nghệ sỹ Trịnh Việt Cường bảo, ngoài những người thầy lớn như Nguyễn Đức, Nhật Trường, cuộc đời anh luôn được các sao nữ giúp sức. Đó là Thẩm Thúy Hằng, chị Kim Cương - trưởng đoàn ca nhạc kịch Kim Cương, ca sĩ Giao Linh. Những người anh, người chị - người thầy lớn đã giúp anh trong cuộc sống cũng như âm nhạc suốt gần nửa thế kỷ qua!